ĐBQH: 'Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn phí quá cao, NN mua lại và giảm phí còn 30% sẽ hiệu quả hơn'

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ được sử dụng hiệu quả nếu Nhà nước mua lại dự án này đồng thời giảm mức phí xuống còn 30%. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng xe hiện nay đi rất ít do mức phí quá cao, trong khi tuyến quốc lộ 1 chạy song song không thu phí.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu trong phiên thảo luận ngày 2/11 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thu phí từ tháng 2/2020 đến nay mới đạt khoảng 30% phương án tài chính hằng năm. Mức phí đối với xe ô tô thấp nhất là 2000 đồng/km, cao nhất là xe container 7200 đồng/km. Với chiều dài của tuyến cao tốc là 64km thì chi phí phải bỏ ra là 128-461.000 đồng cho một lần đi. Thời gian thu phí 17 năm từ 2020-2037.

Đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng xe hiện nay đi rất ít do mức phí quá cao, trong khi tuyến quốc lộ 1 chạy song song không thu phí. Theo đó, đại biểu Thịnh cho rằng nếu Nhà nước mua lại dự án này đồng thời giảm mức phí xuống còn 30%, chắc chắn tuyến đường sẽ được sử dụng hiệu quả.

"Doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án thoát được thảm cảnh thua lỗ kéo dài. Nhà nước chắc chắn không chỉ lãi mà còn nhận được nhiều lợi ích khác như tai nạn giao thông, chi phí vận tải giảm, người dân hạnh phúc hơn", đại biểu nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược, ông Thịnh cho rằng, thành phần kinh tế nhà nước cần là nhà đầu tư chính cho các hạ tầng giao thông chiến lược.

Theo phân tích, thành phần kinh tế nhà nước có lợi thế tuyệt đối so với các nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn đối với dự án đầu tư. Thông thường chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân khi ra quyết định đầu tư chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt có thể lên đến 22 - 25 năm. Còn đối với Nhà nước, thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50 năm, thậm chí 70-100 năm. Đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư.

Bên cạnh đó, lợi ích đem lại của các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông là lợi ích tổng hợp đa mục đích cả kinh tế xã hội, thậm chí cả quốc phòng, an ninh và chính trị. Lợi ích này không thể tính toán hết được về mặt kinh tế. Trong khi với nhà đầu tư tư nhân, việc quyết định đầu tư chỉ được xem xét khi NPV (giá trị hiện tại ròng của dự án) dương.

Trong khi, với công nghệ thu phí như hiện nay, việc quản lý nguồn thu từ khai thác các dự án giao thông chiến lược như đường cao tốc, cầu cảng biển, cảng hàng không đều dễ dàng được thực hiện và giám sát chặt chẽ nên thành phần kinh tế nhà nước quản lý sẽ không gặp phải thất thoát, loại trừ được cái gọi là thất bại thị trường của kinh tế nhà nước.

"Các nghiên cứu mới nhất về nền kinh tế phát triển đều cho thấy vai trò của kinh tế nhà nước tại các quốc gia này ngày càng quan trọng và mở rộng, thực hiện đúng vai trò dẫn dắt và sửa chữa các khuyết tật của kinh tế thị trường", đại biểu cho hay.

Vì vậy, đại biểu Thịnh đề xuất Chính phủ cần có giải pháp để đột phá, phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trở thành nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược cũng như quản lý vận hành khai thác các dự án này.

"Việc Nhà nước mua lại các dự án BOT, đường cao tốc, cầu đường bộ của các nhà đầu tư tư nhân hiện đang bị lỗ, không cân đối được phương án tài chính của dự án là phù hợp", đại biểu nói.

Anh Hùng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dbqh-cao-toc-bac-giang-lang-son-phi-qua-cao-nn-mua-lai-va-giam-phi-con-30-se-hieu-qua-hon-20180504224291042.htm