ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: ĐỂ TRẨY HỘI ĐẦU XUÂN THỰC SỰ LÀ NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT

Để trẩy hội, du xuân đầu năm đến các di tích lịch sử văn hóa, chùa, đình, đền… thực sự phản ánh những nét đẹp văn hóa của người Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cùng với việc quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội, công tác tuyên truyền giữ gìn và tôn trọng giá trị văn hóa của lễ hội trong thời gian tới là rất quan trọng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Trẩy hội đầu xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vẫn còn một số lễ hội có tình trạng biến tướng, sai lệch, thương mại hóa… Ông có suy nghĩ sao thế nào về thực tế này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trẩy hội đầu xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt, đó không chỉ là dịp nguyện cầu riêng cho bản thân, gia đình mà còn là dịp giúp chúng ta thực hành sinh hoạt văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa cho dân tộc. Tuy nhiên, dù công tác quản lý lễ hội của chúng ta dần tốt lên qua từng năm, nhưng vẫn còn có một số lễ hội bị biến tướng, sai lệch, thương mại hóa....

Điều này có cả các nguyên nhân chủ quan, thuộc về bản chất của lễ hội khi đây là cuộc vui đông người, có liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh, vì thế cha ông ta đã từng nói “vui xem hét, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội” như một cách ví von về hậu quả của một cuộc vui đông người như thế nào. Rồi liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh nên dễ phát sinh các hiện tượng mê tín dị đoan đi kèm với lễ hội.

Còn các nguyên nhân khách quan đến từ việc chúng ta đang vận hành cuộc sống trong nền kinh tế thị trường, qua đó, các yếu tố, quy luật của kinh tế thị trường đã len lỏi trong những hoạt động xã hội, trong đó có cả văn hóa, cụ thể ở đây là lễ hội truyền thống. Khi những lợi ích vật chất trở thành một trong những mục đích chính cảu việc tổ chức lễ hội thì chúng ta sẽ thấy có những nghi lễ bị giải thiêng, nhiều hành vi lơịi dụng lễ hội để thương mại hóa thái quá, trục lợi. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải giải quyết để trả lại vẻ đẹp vốn có cho lễ hội truyền thống.

Tôi nhận thấy, xu hướng cầu tài, cầu lộc hay các hiện tượng mê tín khác nảy sinh cùng lễ hội là những vấn đề có thật. Có những nguyên nhân xuất phát từ văn hóa nhưng cũng có nguyên nhân từ xã hội. Phải nói rằng, đầu năm là dịp rất phù hợp để con người đi cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản thân và gia đình. Đây là thời điểm bắt đầu một năm và ai cũng mong ước những điều tốt đẹp nhất. Vì thế, chúng ta thường đi đến các thiết chế tâm linh như chùa, đình, đền để thỏa mãn ước nguyện đó.

Trẩy hội đầu xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt, đó không chỉ là dịp nguyện cầu riêng cho bản thân, gia đình mà còn là dịp giúp chúng ta thực hành sinh hoạt văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa cho dân tộc

Theo tôi, về mặt bản chất, hành động này rất tốt để tạo động lực tinh thần cho mỗi người, khi chúng ta tin rằng, chúng ta đã có sự ủng hộ tinh thần tử tổ tiên, thánh thần, trời phật, và chúng ta sẽ có thêm quyết tâm để đạt được những mục đích của mình. Nhờ quyết tâm ấy, chúng ta cũng dễ thành công hơn trong cuộc sống. Hơn thế, đến với các thiết chế tâm linh cũng giúp chúng ta hướng thiện, “biết sợ” khi làm việc xấu. Đây cũng là những đức tính rất cần cho xã hội ta ngày hôm nay.

Tuy nhiên, xã hội hiện nay cũng có nhiều bấp bênh, may rủi, không dự đoán được, như nhiều người đã từng khẳng định về một thế giới VUCA (Volatility (Biến động) – Uncertainty (Không chắc chắn) – Complexity (Phức tạp) – Ambiguity (Mơ hồ).) Những may rủi trong cuộc sống đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ việc chưa chặt chẽ trong luật pháp, làm ăn kinh tế, hay những sự kiện rất đáng chú ý gần đây như các vụ án liên quan đến tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thăng chức, lên quyền mà không hoàn toàn do năng lực bản thân,... khiến cho nhiều người tin vào quyền lực của thế giới siêu nhiên. Chúng ta có thể nhìn thấy hệ quả của việc ấy ở các lễ hội như lễ hội khai ấn Đền Trần, việc người dân ùn ùn đến với các đền Bảo Hà, đền Chợ Củi,... những đền phủ được đồn là linh thiêng, đem lại may mắn. Sự phát triển của mạng xã hội lại làm lan truyền nhiều hơn những thông tin mê tín dị đoan này. Tất cả khiến cho nhiều lễ hội phải tự quảng bá bằng cách làm tăng tính tâm linh, linh thiêng để thu hút thêm người dân. Mê tín dị đoan từ đó nảy nở, phát sinh nhiều hơn, ảnh hưởng không tốt đến đến xã hội và văn hóa.

Phóng viên: Trước những xu hướng thay đổi của lễ hội, có ý kiến cho rằng, cần dừng những lễ hội gây ra những tranh luận trái chiều, lại có ý kiến cho rằng lễ hội của dân nên cần trả lễ hội cho dân, để người dân tổ chức lễ hội. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Lễ hội bao giờ cũng thuộc về một cộng đồng nào đó. “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Vì thế, việc tổ chức lễ hội dứt khoát phải là việc của người dân của các cộng đồng.

Tuy vậy, đấy là nói nguyên tắc, thực ra, khi các lễ hội được tổ chức rầm rộ trở lại vào những năm 1990 của thế kỷ trước. Sự đứt đoạn truyền thống trong một khoảng thời gian nhất định vì chiến tranh và nhận thức khiến việc tổ chức trở lại các lễ hội gặp nhiều khó khăn. Chúng ta thấy có sự can thiệp quá mức của nhiều chính quyền địa phương vào việc tổ chức lễ hội truyền thống, làm cho nhiều lễ hội bị biến thành các cuộc mít tinh, báo cáo thành tích địa phương và động viên tinh thần cho bà con. Một số lễ hội thuê cả người khiêng kiệu hay làm lễ. Đấy là những việc rất nên tránh để bảo đảm cho việc tổ chức lễ hội trở nên bền vững hơn trong thời gian sắp tới. Vì lễ hội liên quan đến nhiều việc, cả an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, y tế, vệ sinh môi trường, điện nước.... nên Nhà nước phải có những hướng dẫn, quản lý nhất định nhưng không nên can thiệp thái quá vào việc tổ chức lễ hội của cộng đồng.

Phóng viên: Vậy chúng ta cần có những giải pháp gì để các lễ hội, đặc biệt là các lễ hội đầu xuân thực sự là sự kiện của cộng đồng, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc trong thời gian tới, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Như tôi đã nói, việc thương mại hóa trong các lễ hội là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Việc tổ chức lễ hội giờ đây là vì nhiều mục đích khác nhau, cả văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Cái mà chúng ta phải phản đối là việc thương mại hóa thái quá, trục lợi tâm linh từ hoạt động tổ chức lễ hội.

Để lễ hội thực sự là sự kiện của cộng đồng, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc, chúng ta có thể áp dụng các giải pháp sau:

Thứ nhất, chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội, nhất là việc xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức lễ hội, giới hạn quảng cáo thương mại, và kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Thứ hai là tăng cường ý thức cộng đồng. Công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng về việc giữ gìn và tôn trọng giá trị văn hóa của lễ hội là rất quan trọng. Những hoạt động tuyên truyền có thể được tổ chức để nâng cao nhận thức về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các lễ hội.

Thứ ba là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý lễ hội giúp giữ cho các lễ hội truyền thống không bị thương mại hóa thái quá. Các tổ chức cộng đồng nên được khuyến khích nhiều hơn nữa để tham gia tích cực và chịu trách nhiệm lớn hơn nữa trong tổ chức các hoạt động lễ hội.

Thứ tư là tiếp tục xây dựng các quy định pháp lý chặt chẽ hơn nữa. Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể thiết lập các quy định pháp lý cụ thể và chặt chẽ để hạn chế hoạt động thương mại trong các lễ hội. Việc áp dụng các biện pháp phạt và xử lý nghiêm đối với việc vi phạm các quy định này cũng là một cách rất tốt để đảm bảo tuân thủ.

Thứ năm là khuyến khích hình thức tài trợ hợp lý. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp và quảng cáo thương mại, cần khuyến khích các hình thức tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội, và các nhóm quan tâm đến văn hóa để hỗ trợ cho các lễ hội mà không làm mất đi bản sắc truyền thống của lễ hội.

Để trẩy hội, du xuân đầu năm đến các di tích lịch sử văn hóa, chùa, đình, đền… thực sự phản ánh những nét đẹp văn hóa của người Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cùng với việc quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội, công tác tuyên truyền giữ gìn và tôn trọng giá trị văn hóa của lễ hội trong thời gian tới là rất quan trọng

Ngoài ra, để đảm bảo rằng các lễ hội truyền thống được tổ chức một cách văn minh, an toàn và không bạo lực, chúng ta có thể tính đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất là tăng cường hoạt động giáo dục và tuyên truyền về ý nghĩa của lễ hội, các giá trị truyền thống và tôn trọng văn hóa dân tộc. Sự hiểu biết và nhận thức tăng lên sẽ giúp giảm thiểu hành vi bạo lực và không đúng mực.

Thứ hai là ban hành các quy định rõ ràng hơn nữa về tổ chức lễ hội và việc giữ gìn trật tự công cộng. Cần có sự tuân thủ và thi hành nghiêm túc từ tất cả các bên tham gia. Điều đáng mừng là trong thời gian vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm tương đối tốt nhiệm vụ này qua việc tham mưu ban hành Nghị định 110/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội, và gần đây là Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Dù vậy, vẫn cần có những triển khai chi tiết và cụ thể hơn ở các địa phương.

Thứ ba là chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý sự kiện. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ địa phương, tổ chức xã hội và ban tổ chức sự kiện để quản lý lễ hội một cách hiệu quả, bao gồm cung cấp dịch vụ y tế cần thiết và các biện pháp an toàn khẩn cấp. Đảm bảo có sự hiện diện của lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn cho người tham dự và tránh các vụ xô đẩy, trộm cắp hoặc hỗn loạn.

Thứ tư là sử dụng công nghệ. Sử dụng công nghệ để quản lý sự kiện và truyền thông với cộng đồng, giúp quản lý thông tin và giám sát tình hình một cách hiệu quả hơn.

Thứ năm là bảo đảm sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức và duy trì lễ hội, tạo điều kiện cho mọi người cảm thấy họ là phần của quá trình và có trách nhiệm trong việc bảo vệ lễ hội và những giá trị của nó.

Những giải pháp này cần được triển khai cùng nhau, với sự hợp tác từ nhiều bên liên quan, để đảm bảo rằng các lễ hội truyền thống không chỉ giữ được tính giá trị, bản sắc văn hóa mà còn trở thành những sự kiện an toàn và tích cực cho cộng đồng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=84785