Dạy trẻ yêu tết Việt

Thời gian qua, việc tăng cường các hoạt động giáo dục về tết cổ truyền Việt Nam được các trường học trong tỉnh Bình Phước đẩy mạnh thực hiện mỗi dịp tết đến xuân về. Bằng nhiều hình thức khác nhau như: Lồng ghép trong tiết dạy, sinh hoạt ngoại khóa, hội thi về tết đã giúp các em học sinh hiểu hơn giá trị ngày tết, để qua đó cùng nhau gìn giữ, phát huy văn hóa đặc sắc đón tết của người Việt.

Chú trọng hoạt động giáo dục

Để trẻ yêu tết thì trước tiên phải giúp trẻ hiểu được giá trị và ý nghĩa của ngày tết. Chính vì vậy, tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về tết cổ truyền Việt Nam trong các tiết học ngoại khóa đã được các trường đẩy mạnh.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong 2 năm học vừa qua, cứ đến tháng Chạp, các trường sẽ triển khai, chỉ đạo tổ chuyên môn nghiên cứu để lồng ghép nội dung về tết cổ truyền trong tiết học ngoại khóa. “Các tiết học phải đảm bảo truyền tải được những nội dung cốt lõi nhất, hấp dẫn nhất để các em hiểu đúng, đủ và cảm nhận được giá trị quan trọng của ngày tết cũng như truyền thống cội nguồn của dân tộc” - thầy Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Minh, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập cho biết.

Các em học sinh lớp 1A3, Trườngtiểu học Lê Lợi (huyệnBù Đăng) thích thú với hoạt động trang trí tiểu cảnh tết

Theo thầy Lê Xuân Phác, giáo viên Trường THCS Phước Minh, để có được giá trị bảo tồn thì không chỉ người lớn mà còn phụ thuộc rất nhiều ở thế hệ măng non của đất nước. Vì vậy, dạy như thế nào để trẻ hiểu và yêu tết là trăn trở, đòi hỏi người giáo viên phải có sự đầu tư, đa dạng hóa cách truyền tải. “Trong các tiết dạy về tết cổ truyền, tôi luôn sử dụng những hình ảnh minh họa sinh động, tìm kiếm các bài hát về tết để học sinh vừa nghe vừa nhìn, cảm nhận cụ thể được. Tôi cho rằng đây là cách để các em biết, cảm nhận và ghi nhớ lâu hơn kiến thức được học” - thầy Phác chia sẻ.

Hoạt động trải nghiệm trang trí hoa maingày tết của các em học sinh Trườngtiểu học An Lộc B (TX.Bình Long)

Trong suy nghĩ ngây ngô của trẻ, tết đến là những ngày nghỉ dài để được thỏa thích vui chơi, nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ, cô chú… Chính vì vậy, dạy cho trẻ hiểu được ý nghĩa quan trọng của ngày tết là điều vô quan cùng quan trọng. Tại Trường tiểu học Lê Lợi, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng ngoài những bài giảng về ý nghĩa, nét đẹp tết cổ truyền trong các tiết sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục về tết cổ truyền còn được các thầy cô giáo truyền thụ qua hoạt động trang trí khuôn viên lớp học, trường học với những tiểu cảnh đậm bản sắc tết Việt xưa và nay.

“Khi trẻ hiểu rõ về ngày tết Nguyên đán thì sẽ thêm yêu quý và trân trọng hơn những giá trị văn hóa dân tộc mình. Xác định rõ điều này nên tôi và các giáo viên trong trường luôn cố gắng bằng mọi phương pháp để cho các em biết và hiểu về tết” - cô Vy Thị Kim Vĩnh, giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi nói.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm

Ngày tết cổ truyền Việt Nam có rất nhiều phong tục đẹp, tuy nhiên cuộc sống hiện đại khiến trẻ em ngày nay ít có cơ hội trải nghiệm cùng với gia đình. Vì vậy, việc cho trẻ được trải nghiệm không gian tết cổ truyền ngay tại trường học là hoạt động thiết thực, giúp trẻ thêm hiểu, yêu hơn và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

“Nhân dịp tết Quý Mão 2023, Liên đội trường tổ chức thi gói bánh chưng, bánh tét. Tham gia gói bánh là các bậc phụ huynh và thầy cô giáo, còn các em học sinh quan sát, ghi chép lại. Ngoài ra, các em còn cùng tham gia phần nấu bánh với thầy cô, ba mẹ và thưởng thức thành phẩm của lớp. Nhà trường hy vọng những hoạt động thực tế này sẽ giúp các em tự trải nghiệm, có những cảm nhận sâu sắc nhất” - cô Dương Thị Sen, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng chia sẻ.

Các em học sinh Trường tiểuhọc Lê Lợi (huyệnBù Đăng)trải nghiệm gói bánh chưng, bánh tétcùng cha mẹ và các thầy cô giáo

Em Trần Cao Ngọc Khánh, lớp 4A1, Trường tiểu học Lê Lợi rất háo hức khi được trải nghiệm gói bánh chưng, bánh tét cùng gia đình và thầy cô. Em nói: Tết đến, ba mẹ thường mua bánh chưng để trưng và ăn tết. Qua hoạt động trải nghiệm tại trường, em đã biết được nguyên liệu gói bánh, các bước để có được chiếc bánh chưng, bánh tét ngon. Em rất thích sự nhộn nhịp, vui vẻ, âm thanh rộn ràng khi mọi người cùng nhau tập trung tại trường gói bánh. Đây là những cảm xúc, kiến thức và kỷ niệm em sẽ ghi nhớ.

“Các phong tục trong ngày tết là để gia đình sum vầy bên nhau nên phải gói bánh thì mới đúng là không khí của những ngày tết. Khi còn nhỏ, tôi cũng được cha mẹ, ông bà dạy gói bánh, rồi tự tay gói. Cảm xúc lúc đó, đến bây giờ vẫn vẹn nguyên trong tôi. Vì vậy, theo tôi hoạt động gói bánh chưng, bánh tét do Trường tiểu học Lê Lợi tổ chức dịp tết Quý Mão 2023 là cách thiết thực nhất để các con có cơ hội được thực hành và có những trải nghiệm sống động; giúp các con thêm yêu, tự hào với những phong tục tốt đẹp của ngày tết Việt” - ông Nguyễn Thanh Cường, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Lê Lợi chia sẻ.

Cách tốt nhất để lưu giữ cảm xúc chính là trải nghiệm. Với trẻ nhỏ, những cảm xúc, kỷ niệm tuổi thơ sẽ là ký ức quý giá khi trưởng thành. Trong cuộc sống hiện đại, khi hương sắc của ngày tết Việt đang dần phai thì rất cần những hoạt động trải nghiệm dành cho trẻ. Bởi qua mỗi bài học, mỗi kiến thức, cảm xúc được truyền tải sẽ là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất để bồi dưỡng trẻ tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, duy trì, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa tết Việt.

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/140996/day-tre-yeu-tet-viet