Dạy trẻ hiểu tiền lì xì sao cho đúng?

Tiền lì xì mang ý nghĩa may mắn, đừng đặt nặng mệnh giá.

Tiếp nối diễn đàn về cách phụ huynh sử dụng tiền lì xì của con, PLO nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến báo.

“Khi lớn lên, tôi được cầm hết tiền lì xì”

Bạn đọc Khánh Linh viết:

Trước đây, hầu như các bậc cha mẹ đều cho rằng “lì xì của con là tiền của mình”. Ngày nay, nhiều ba mẹ đã thay đổi quan niệm, vừa giúp con cái có khoản tiền tích lũy mà vẫn thể hiện đúng ý nghĩa của “tiền mừng tuổi”.

Trước đây, mỗi lần đến dịp Tết, tôi đều được nhận lì xì từ mọi người. Đó như một “lộc” đầu năm, mong những may mắn, tài lộc đến với tôi trong năm mới. Tiền lì xì của tôi khi đó đều được bỏ vào ống heo để sau Tết tôi cùng ba mẹ sẽ đập ra để xem.

Lúc nhỏ, bao nhiêu tiền lì xì của tôi cha mẹ đều là người giữ. Tôi nhớ mẹ từng bảo rằng tiền lì xì là lộc của con nhưng vì lúc đó tôi còn nhỏ chưa biết cách sử dụng đúng và hợp lý nên mẹ sẽ là người giữ giúp. Mẹ có giải thích vì mọi thứ như ăn uống, học tập mẹ đã lo hết. Cho nên, tôi không cần đến quá nhiều tiền như vậy. Việc mẹ giữ tiền lì xì vì sợ tôi sẽ dùng tiền một cách không biết chừng mực, vướng vào những thói quen xấu nếu như có nhiều tiền trong người.

Thời điểm đó, tôi cũng chẳng cãi lời mẹ mà sau Tết vẫn gửi lại hết tiền lì xì cho mẹ. Mẹ tôi cũng rất hiểu tâm lý con, vẫn cho tôi giữ lại một ít đủ xài. Để tôi có thể mua ít bánh hay thứ gì tôi thích. Tôi thấy vui vì điều đó.

Cho tới sau này khi tôi lên học Đại học, tôi có quyền giữ toàn bộ số tiền lì xì của mình. Ba mẹ đều không giữ tiền của tôi nữa mà cho tôi thoải mái sử dụng tiền vào mục đích riêng của bản thân. Có lẽ, mẹ tôi hiểu rằng khi học Đại học tôi đã phải đi học xa nhà, tiêu nhiều thứ hơn phục vụ cho học tập và cuộc sống. Vì vậy, mẹ muốn tôi có tiền để có thể dùng khi cần.

Đến lúc được giữ toàn bộ tiền lì xì, tôi đều gửi lại ít tiền lì xì của tôi cho mẹ, một phần tôi muốn mẹ mua thứ mẹ thích, phần vì tôi thấy nó như một “lộc” tôi gửi đến mẹ với hi vọng làm mẹ vui.

Với gia đình tôi đó là cách quản lý tiền lì xì của con, còn đối với gia đình các bạn thì như thế nào? Các bạn thấy thế nào khi trong việc ba mẹ giữ tiền của con.

Dạy con hiểu về ý nghĩa tiền lì xì

Trao đổi với PV, Thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương, giảng viên Trường Đại học Văn Lang cho biết tục lì xì đã có từ lâu, bắt nguồn từ người Hoa chứ không thuần của người Việt. Thông thường, người ta lì xì nhau bằng hiện vật như tiền mới, không đặt nặng mệnh giá vì mục đích chính là mang lại may mắn cho người được nhận lì xì. Món quà lì xì được thực hiện như ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu, người lãnh đạo lì xì cho nhân viên cấp dưới... trao cho nhau những lời chúc may mắn đầu năm.

“Theo tôi, nên dạy cho trẻ biết cách sử dụng tiền. Đối với những trẻ có khoản tiền lì xì lớn thì cha mẹ cần quản lý và giải thích mục đích chi tiêu số tiền đó” – ThS Dương nêu quan điểm.

Cũng theo ThS Dương, cha mẹ cần giáo dục cho con hành xử đúng khi chúc Tết và nhận lì xì. Chúc tết thì người nhỏ sẽ chúc người lớn sang một năm mới có nhiều điều may mắn, chúc về sức khỏe, phát tài phát lộc, làm ăn… Phụ huynh nên dạy cho con ý nghĩa như vậy để các con hiểu mình cần biết tôn kính người lớn tuổi.

Khi nhận phần lì xì thì cha mẹ sẽ dạy các con biết cảm ơn món quà may mắn mà người khác mang lại, không quá đặt nặng mệnh giá trong đó là bao nhiêu. Có người lì xì 5 ngàn, 10 ngàn, 20 ngàn hay tờ tiền đô cũng đều là may mắn.

Đối với trẻ đã biết sử dụng tiền thì cha mẹ nên hướng dẫn con sử dụng tiền đó vào mục đích gì cho phù hợp. Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu ý nghĩa của tiền lì xì. Sau đó gợi ý cho con bằng cách đặt câu hỏi con muốn sử dụng nó cho mục đích gì, như thế nào.

“Những mục đích nào mà con trình bày hợp lý, phù hợp thì mình cổ vũ, còn ý nào mà các con muốn sử dụng với mục đích mình thấy không phù hợp thì mình mới hướng dẫn bằng cách gợi ý trong việc chi tiêu phù hợp hơn” – ThS Dương nói.

Vấn đề phụ huynh sử dụng tiền lì xì của con nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

“Đối với vấn đề tiền lì xì của con thì không có công thức nào là đúng cả. Tùy cách giáo dục, điều kiện kinh tế, văn hóa của mỗi gia đình để xử lý phù hợp. Nếu giữ tiền lì xì của con thì nên giải thích cho con hiểu tại sao ba mẹ làm vậy và tiền của con sẽ sử dụng trong mục đích gì. Nếu đưa tiền cho con cầm thì dạy con cách xài tiền đúng cách” – bạn đọc Trân Nguyễn.

“Cứ mỗi dịp tết đến xuân về là câu chuyện lì xì lại nóng lên. Người thì gửi tiết kiệm cho con, người thì mua vàng cho nó sau lấy vợ gả chồng,... Tuy nhiên, tôi biết nhiều gia đình sau Tết cạn kiệt tiền vì chi tiêu quá đà, buộc phải sử dụng đến tiền lì xì của con nên cần thông cảm. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” – bạn đọc Phong Lê.

“Con tôi còn nhỏ nên gia đình vẫn giữ tiền lì xì, cũng nói rõ với con là dùng số tiền lì xì để đóng tiền học, mua sách vở,... Đồng thời cho con giữ lại vài trăm để mua những món đồ chơi con thích. Tuy nhiên, tiền lì xì là món quà khiến con rất vui và hào hứng, đừng thúc giục con đưa lại ngay lúc đó, cần giải thích thực tế cho con hiểu cần đóng tiền vào những khoản gì hoặc cách giữ số tiền đó, tôi nghĩ đứa trẻ nào cũng sẽ chia sẻ cùng ba mẹ thôi” – bạn đọc Thương Phạm.

THẢO HIỀN - KHÁNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/day-tre-hieu-tien-li-xi-sao-cho-dung-post777109.html