Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn thoát nghèo bền vững

Nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, huyện Tam Nông chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

Huyện Tam Nông

Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, huyện Tam Nông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Tổ hợp tác may mặc ở ấp An Phú, xã An Long tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn

Ông Nguyễn Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (TTGDNN) huyện Tam Nông cho biết, hàng năm, đơn vị phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, rà soát số lượng lao động, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện nhằm tạo điều kiện để người lao động, các hộ nghèo có việc làm ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2022 đến nay, huyện đã mở được hơn 24 lớp dạy nghề nông thôn cho gần 700 lao động, trong đó, TTGDNN huyện tổ chức được 15 lớp dạy nghề nông thôn cho hơn 350 lao động, nhiều địa phương trong huyện mạnh dạn tìm nghề mới về địa phương, duy trì nghề truyền thống, tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động, góp phần tích cực trong giảm nghèo ở địa phương.

Tại xã An Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập Tổ hợp tác may mặc ở ấp An Phú. Tổ chuyên may các loại quần áo nam, nữ thời trang, trung bình hàng tháng giao hơn 12 ngàn sản phẩm. Tổ đã tạo việc làm cho 20 lao động có thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Thúy Oanh - Tổ trưởng Tổ hợp tác may mặc xã An Long, cho biết: “Những năm qua, công việc may gia công luôn có thường xuyên, tổ hoạt động rất ổn định, tạo việc làm cho chị em phụ nữ ở địa phương có nguồn thu nhập ổn định. Hướng tới, tổ sẽ đầu tư thêm máy, mở rộng hoạt động nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có việc làm ổn định”.

Trước đây, gia cảnh của chị Trần Thị Mại ở xã An Hòa rất khó khăn, hằng ngày, chị phải vất vả đi làm cỏ mướn. Sau khi được TTGDNN huyện và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ dạy nghề may và giới thiệu việc làm, cuộc sống gia đình chị từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo. Chị Trần Thị Mại cho biết: “Sau khi được địa phương hỗ trợ học nghề, tôi có việc làm ổn định từ việc may gia công với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ổn định, không phải đi làm thuê thời vụ, bấp bênh như trước nữa”.

Ngoài ra, huyện Tam Nông còn quan tâm đào tạo đa dạng hóa ngành nghề như: đan ghế nhựa, may công nghiệp, kỹ thuật chăm sóc móng, tóc... để giúp người lao động có việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình. Bà Hà Thị Bảy ở xã Phú Ninh, không đất sản xuất, mỗi ngày, bà phải đi làm mướn kiếm tiền nuôi người chị bị bệnh và lo mọi chi tiêu trong gia đình, cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Từ khi bà Bảy được địa phương hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm đan bàn, ghế dây nhựa, có được nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, gia đình cơ bản thoát nghèo. Bà Hà Thị Bảy chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ khó khăn được học nghề, có việc làm. Nhờ được học nghề đan ghế, giỏ nhựa gia công, tôi có thu nhập ổn định để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, vượt qua khó khăn. Công việc đan gia công nhẹ nhàng, làm ở trong mát, vừa lo công việc nhà vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”.

Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ cho hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo... vay vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Trong năm 2022, huyện đã giới thiệu việc làm cho gần 3.000 lao động, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 4,90% xuống còn 2,82%.

Ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, hướng tới, huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo, tập trung hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong đó, duy trì các mô hình, tổ hợp tác tạo việc làm cho người lao động, huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội nhằm giúp cho các hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

NGUYỄN LONG

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/day-nghe-tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-thoat-ngheo-ben-vung-111877.aspx