Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Trong Quý I năm 2023, huyện Mê Linh đã đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhờ đó, các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Một trong những hoạt động được huyện chú trọng triển khai phải kể đến việc đẩy mạnh tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đối với công tác chuyển giao đưa các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được huyện Mê Linh chú trọng. Huyện đã chuyển đổi các giống lúa truyền thống sang các giống lúa năng suất cao, đặc biệt là các giống lúa Japonica, chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu được nhân dân nhân rộng trong sản xuất… các hình thức sản xuất hoa mới được nhân rộng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan, hoa cúc, hoa sen và cây rau; sử dụng vòm che nilon để sản xuất rau trái vụ; sử dụng các chế phẩm sinh học để thu hút và tiêu diệt côn trùng gây hại...

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn, sinh học được chú trọng; ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi được người chăn nuôi áp dụng và nhân rộng; mô hình 1 lúa, 1 cá được thực hiện tại các vùng đất trũng… Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần đem lại thu nhập cao cho người sản xuất.

Về tình hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Vì vậy, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, các quy trình tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. Đã có một số doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh.

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, các giống cây trồng chất lượng cao, giống lai f1 năng suất cao được áp dụng rộng rãi trên tất cả các loại cây trồng. Đối với các công nghệ khác vẫn còn được áp dụng ở quy mô nhỏ như: Nhân giống các loại hoa (cúc, đồng tiền) bằng phương pháp nuôi cấy mô tại xã Đại Thịnh; sử dụng giống hoa cúc, đồng tiền nuôi cấy mô để sản xuất hoa thương phẩm; công nghệ tưới tiết kiệm trên cây rau và một số loại hoa trồng chậu tại xã Tráng Việt, Văn Khê…

Trong chăn nuôi, hệ thống chuồng nuôi an toàn hiện đại, quy mô công nghiệp, trình độ người chăn nuôi ngày càng được nâng cao. Huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý theo dõi sức khỏe vật nuôi qua hệ thống giám sát camera. Cùng đó, sử dụng con giống chất lượng cao, sử dụng chuồng trại chăn nuôi khép kín có kiểm soát, đầu tư hệ thống quạt gió, máng ăn, máng uống tự động, máy phối trộn thức ăn, sổ ghi chép, theo dõi chế độ dinh dưỡng và kiểm soát quy trình chăn… Từ đó, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng mang lại thu nhập ổn định cho nông hộ và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Trong nuôi trồng thủy sản, công tác nuôi trông thủy sản chuyển dịch từ chăn nuôi quản canh sang thâm canh, bán thâm canh hiệu quả cao, thay đổi cơ cấu giống, đưa các giống mới năng suất, chất lượng, giống đặc sản vào sản xuất. Hệ thống ao nuôi tiên tiến hiện đại từng bước được đầu tư.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, huyện Mê Linh đã có một số điểm sản xuất ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như: Nhân giống hoa cúc bằng phương pháp nuôi cấy mô tại xã Đại Thịnh đã góp phần nhân tạo ra lượng giống với số lượng lớn và sạch bệnh; sản xuất hoa lan Hồ điệp trong nhà kính theo công nghệ Isarel tại xã Đại Thịnh; sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng tại xã Tam Đồng; mô hình sản xuất hoa chậu trang trí tại xã Mê Linh; các chuỗi sản xuất gà thịt, vịt theo công nghệ tự động, khép kín tại xã Tam Đồng, Liên Mạc; vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ xuống giống, tưới bán tự động tại xã Tráng Việt…

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-ung-dung-tien-bo-ky-thuat-moi-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-nong-nghiep-154478.html