Đẩy mạnh tuyên truyền, hạn chế vi phạm sử dụng đất lâm nghiệp

Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) vừa phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát và thống nhất vị trí, ranh giới, diện tích đất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của các địa phương đã được phê duyệt.

Lực lượng chức năng vận động người dân không lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép. Ảnh: NHẬT HUY

Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm liên quan đến tình hình quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp hiện nay.

Ông Lê Văn Bé

* Tình hình quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ban ngành, địa phương nên công tác quản lý đất lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến.

UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức, chỉ đạo UBND các xã, phường, các đơn vị liên quan có đất lâm nghiệp và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát về tình hình đất lâm nghiệp; phối hợp với các cấp có thẩm quyền để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất lâm nghiệp.

Các địa phương cũng tuyên truyền vận động hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đất đai, quản lý bảo vệ rừng; không lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép, sử dụng đất sai mục đích.

Hiện nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 275.469ha. Trong đó, đất rừng sản xuất khoảng 153.361ha, đất rừng phòng hộ gần 102.649ha, đất rừng đặc dụng hơn 19.459,45ha.

Diện tích rừng do các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý là hơn 108.187ha; diện tích rừng chưa giao, cho thuê - các địa phương quản lý gần 87.747ha; diện tích rừng còn lại là của hộ gia đình, cá nhân và một số tổ chức được giao, cho thuê để trồng rừng.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là việc giao đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng tranh chấp, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Lực lượng kiểm lâm còn mỏng và thiếu, trong khi đó đất rừng có diện tích lớn gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguồn nhân lực, kinh phí tại các địa phương còn hạn chế dẫn đến các tồn tại, vướng mắc cần khắc phục kịp thời.

* Công tác rà soát đất lâm nghiệp được phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và chỉ tiêu về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 về đất lâm nghiệp của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 như thế nào?

- Chi cục Kiểm lâm vừa phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp, phần diện tích đất lâm nghiệp sẽ thu hồi do liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp các bãi thải phục vụ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp các điểm mỏ khoáng sản theo Quyết định 990/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh và Quyết định 998/QĐ-UBND ngày 20/8/2022 về việc phê duyệt cập nhật, bổ sung bãi thải vật liệu xây dựng vào đồ án Quy hoạch các bãi thải vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2025.

Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với cơ quan chức năng rà soát diện tích quy hoạch đất quốc phòng, an ninh đưa ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp; rà soát diện tích đất rừng nhỏ lẻ đưa ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp; chuyển một số diện tích đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang diện tích đất rừng sản xuất, để tạo vùng đệm, đảm bảo chỉ tiêu theo Quyết định 326/QĐ-TTg của Chính phủ.

Kết quả, cơ quan chức năng thống nhất vị trí, ranh giới, diện tích đất lâm nghiệp phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của các huyện đã được phê duyệt. Theo đó, diện tích đất rừng theo phân loại rừng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 là 254.517ha (đất rừng đặc dụng 15.845ha, đất rừng phòng hộ 105.473ha, đất rừng sản xuất 133.199ha) và đến năm 2030 là 252.013ha (đất rừng đặc dụng 15.785ha, đất rừng phòng hộ 104.925ha, đất rừng sản xuất 131.303ha).

* Ông cho biết giải pháp khắc phục các tồn tại, vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất rừng?

- Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND cấp huyện và các ban ngành liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật các chính sách, quy định, hành vi nghiêm cấm, chế tài xử phạt... liên quan đến ngành Lâm nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm tăng sự hiểu biết của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng và tố giác hành vi vi phạm.

Đơn vị cũng công khai kết quả xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, chuyển nhượng đất trái phép trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, răn đe phòng ngừa vi phạm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ thực hiện nghiêm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các đơn vị chủ rừng nhằm hạn chế tối đa tình hình xâm hại tài nguyên rừng.

Đồng thời kiểm tra, xác minh và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được phát hiện; tăng cường thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi, vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

NHT HUY (thc hin)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/312419/day-manh-tuyen-truyen-han-che-vi-pham-su-dung-dat-lam-nghiep.html