Đẩy mạnh tuyên truyền, giảm thiểu nạn tảo hôn

Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2023, các huyện miền núi ghi nhận 68 cặp tảo hôn/1.666 cặp vợ chồng kết hôn, chiếm tỉ lệ 4,08%. Điều này cho thấy tình trạng tảo hôn trên địa bàn miền núi còn rất phức tạp. Công tác tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang được các ngành, địa phương nỗ lực triển khai nhằm giảm tỉ lệ này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân xã Ea Trol, huyện Sông Hinh tham gia thảo luận tại buổi tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: NGÔ XUÂN

N lc vn động, tuyên truyn

Hoạt động tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) là nội dung chính thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều tổ chức các đợt hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS.

Đồng thời, đơn vị phối hợp với các trường phổ thông dân tộc nội trú 3 huyện miền núi tổ chức hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT; tổ chức giao lưu văn hóa kết hợp truyền thông giảm thiểu TH&HNCHT...

Bên cạnh hoạt động của Ban Dân tộc tỉnh, các xã miền núi cũng chủ động triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, nhắc nhở người dân về TH&HNCHT. Chị Lê Thị Thu Hiền, Bí thư Xã đoàn Ea Trol, huyện Sông Hinh cho biết: Đoàn thanh niên thường xuyên phối hợp với hội phụ nữ xã tuyên truyền tại các trường học, thôn, buôn về hậu quả của nạn TH&HNCHT; nắm bắt các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để kịp thời can thiệp, xử lý.

Đặc biệt, địa phương luôn quan tâm, ngăn chặn những học sinh có nguy cơ bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm; động viên, hỗ trợ các trường hợp khó khăn tiếp tục đến lớp. Với một số trường hợp đặc biệt, chúng tôi trực tiếp đến tận nhà tìm hiểu, nắm bắt khó khăn của các em để kịp thời hỗ trợ, xử lý; trường hợp đang yêu thì phải cam kết không cưới sớm, không về ở chung nhà để tránh tình trạng có con khi chưa đủ tuổi.

Tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, chính quyền địa phương phân công cán bộ hội đoàn thể nắm tình hình từng thôn, buôn; nắm bắt các đối tượng có nguy cơ cao để thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở. Địa phương cũng yêu cầu các thầy cúng ký cam kết không làm lễ cúng cho các cặp đôi cưới nhau khi chưa đủ tuổi; phải xác minh có đăng ký kết hôn tại xã mới tổ chức lễ cúng đám cưới.

Cn gii pháp x lý đồng b

Năm 2021, huyện Sông Hinh có 21 cặp hảo hôn; đến năm 2022 giảm còn 3 cặp. Đây là kết quả của việc địa phương nỗ lực tuyên truyền nhằm giảm nạn TH&HNCHT. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn còn rất phức tạp.

Theo UBND xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, sau một thời gian tăng cường tuyên truyền, giám sát, tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trường hợp người dân lén lút tổ chức lễ cưới cho các con khi chưa đủ tuổi. Riêng trong năm 2023, xã Ea Lâm đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn 4 trường hợp tảo hôn; trong đó có 1 trường hợp tổ chức vào chiều 30 tết.

Bà Ma Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lâm cho biết: Để ngăn chặn nạn TH&HNCHT, bên cạnh công tác tuyên truyền, thì việc có chế tài xử phạt là cần thiết. Tuy nhiên, việc xử lý phải được triển khai một cách kiên quyết, đồng bộ ở tất cả các địa phương, để bà con đồng bào DTTS nhận thức được TH&HNCHT là trái pháp luật và sẽ bị xử phạt, thậm chí có thể bị truy tố.

Theo đại diện một số xã có đông người đồng bào DTTS khác, nguyên nhân địa phương chưa xử phạt đối với hành vi TH&HNCHT, một phần vì đời sống của bà con còn quá khó khăn. Mặt khác, các địa phương vẫn còn khá lấn cấn đối với các thủ tục pháp lý khi tiến hành xử phạt đối với hành vi này.

Do vậy, các địa phương mong muốn được các cấp hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục pháp lý liên quan đến việc xử phạt đối với hành vi TH&HNCHT. Đây là điều kiện để các địa phương kiên quyết hơn trong việc xử lý những trường hợp vi phạm.

Ông La Văn Nghĩa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Theo thống kê ở 3 huyện miền núi, cuối năm 2021 ghi nhận có 43 cặp tảo hôn/805 cặp vợ chồng kết hôn, chiếm tỉ lệ 5,3%. Năm 2022, có 40 cặp tảo hôn/855 cặp kết hôn, chiếm tỉ lệ 4,6%.

Năm 2023, có 68 cặp tảo hôn/1.666 cặp kết hôn, chiếm tỉ lệ 4,08%. TH&HNCHT vẫn đang là một thực trạng còn khá phức tạp trong vùng đồng bào DTTS. Việc tuyên truyền TH&HNCHT nhằm từng bước thực hiện mục tiêu giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn; qua đó nâng cao đời sống, chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS.

Tảo hôn nghĩa là các em sẽ làm cha làm mẹ ở độ tuổi vị thành niên, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ trẻ em, mà còn làm đời sống kinh tế của bà con ngày càng khó khăn. Hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý di truyền, dị tật, làm suy giảm giống nòi và gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/420/315417/day-manh-tuyen-truyen-giam-thieu-nan-tao-hon.html