Đẩy mạnh truyền thông và phổ biến kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ

ThS. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, các hội ngành toàn quốc và Liên hiệp Hội Việt Nam cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong hệ thống hội của mình cho các hội viên.

Toàn cảnh Hội thảo Phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. (Ảnh: Hàn Nguyệt)

Sáng 6/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam – VUSTA) tổ chức Hội thảo Phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội.

Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ phát triển liên tục luồng sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, cạnh tranh, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn khỏi hiện tượng hàng giả, hàng lậu.

Lý giải về khái niệm của sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, ông Ðào Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng quy luật tự nhiên.

Còn kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm, sản phẩm phức hợp.

Theo ông Đào Anh Dũng, sở hữu trí tuệ cung cấp quyền ngăn chặn/hạn chế người khác khai thác công nghệ/sản phẩm mới được cấp bằng sáng chế, cụ thể là các hoạt động sản xuất, sử dụng, phân phối, hoặc thương mại hóa sáng chế. Cơ sở để chứng minh quyền sở hữu đối với sáng chế, đặc biệt khi hành vi xâm phạm quyền xảy ra. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng tạo - một trong những hoạt động quan trọng nhất để có thể thu hút vốn đầu tư.

Đồng thời, tăng lợi thế cạnh tranh, sức mạnh thị trường và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, ví dụ từ hoạt động cấp phép. Vừa tự bảo vệ, vừa tạo ra rào cản cạnh tranh, kỳ vọng đạt được lợi nhuận cao, xây dựng hình ảnh, nâng cao giá trị trong mắt các đối thủ cạnh tranh, nhà đầu tư và khách hàng tiêu dùng. Thúc đẩy tạo ra nhiều sáng chế mới nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Tạo ra độc quyền và nếu bị lạm dụng sẽ tác động tiêu cực đến lợi ích của xã hội

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Pháp chế, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, một số thay đổi nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả đã định nghĩa cụ thể hơn về đồng tác giả, cho phép chuyển giao quyền nhân thân, bổ sung và làm rõ một số trường hợp ngoại lệ và hạn chế đối với quyền tác giả cũng như quyền liên quan.

Về sáng chế đã mở rộng phạm vi của “giải pháp kỹ thuật đã biết” bao gồm cả những đơn sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn của đơn đang thẩm định. Bổ sung một số căn cứ mới cho việc hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế. Nới lỏng quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài.

Về nhãn hiệu đã giảm khoảng thời gian nhãn hiệu hết hạn hiệu lực có thể được sử dụng làm đối chứng từ 5 năm xuống còn 3 năm, cho phép tạm dừng thủ tục thẩm định đơn nhãn hiệu để chờ kết quả của việc chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đối chứng.

Về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế thực thi quyền được giữ nguyên với đủ 3 biện pháp. Đó là hành chính, dân sự, hình sự; cho phép sự tham gia chủ động của cơ quan hải quan trong trường hợp phát hiện hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian bước đầu bị ràng buộc trách nhiệm liên quan tới quyền tác giả, quyền liên quan; pháp nhân thương mại được bao gồm trong đối tượng bị xử lý hình sự.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bích San, chuyên gia xã hội học cho hay, với thể chế kinh tế như hiện nay có phát triển được khoa học và công nghệ không vì phải có khoa học và công nghệ thì mới có động lực để giữ gìn sở hữu trí tuệ.

“Đáng tiếc các sản phẩm khoa học và công nghệ của nền khoa học nước nhà chưa nhiều. Vậy nên, sẽ không phát triển khoa học và công nghệ được nếu không có sự tôn trọng sở hữu trí tuệ”, Ông San nhấn mạnh.

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Hữu Giới (Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam) khẳng định, Luật sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ chủ thể sáng tạo bằng cách trao cho họ quyền để kiểm soát việc sử dụng các tài sản trí tuệ đó. Quyền này không tự nhiên phát sinh mà do pháp luật quy định dựa trên những điều kiện nhất định về tiêu chuẩn, thủ tục, thời gian… Đi kèm với nó là những chế tài bảo hộ chống lại sự xâm phạm hoặc cạnh tranh không lành mạnh của người khác.

Đưa ra đề xuất, ông Nguyễn Hữu Giới cho rằng, các hội ngành toàn quốc và Liên hiệp Hội Việt Nam cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong hệ thống hội của mình cho các hội viên. Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, các hội nghị toàn quốc (trong công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề tài, đề án, công trình khoa học...), cần cẩn trọng tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, tránh vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/day-manh-truyen-thong-va-pho-bien-kien-thuc-ve-quyen-so-huu-tri-tue-245043.html