Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã củng cố quyết tâm chính trị và tinh thần hành động quyết liệt để tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết, qua đó góp phần hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước.

Âu Kim Đài (Kim Sơn) được đầu tư xây dựng góp phần phục vụ sản xuất và đời sống. Ảnh: Anh Tuấn

Kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, chỉ đạo truyền hình trực tiếp để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quan tâm theo dõi, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kịp thời ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Chương trình công tác toàn khóa, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và Chương trình kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ 2020-2025 đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo (có sửa đổi cho phù hợp với các văn bản quy định mới của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh).

Đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã hoàn thành ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị theo chương trình công tác toàn khóa gồm: 6 nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 3 nghị quyết, 4 chỉ thị, 3 đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với đó, sơ kết và ban hành các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI, nhiệm kỳ 2015- 2020, để tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, 6 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Một trong những điểm nhấn quan trọng là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo hướng quyết liệt, thiết thực, hiệu quả.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được ban hành sau khi bàn thảo nhiều lần, cụ thể các công việc mà tỉnh dự kiến thực hiện trong nhiệm kỳ, ban hành các đề án phải kèm theo nguồn lực thực hiện, đảm bảo tính khả thi của các Nghị quyết.

Kinh tế-xã hội đạt kết quả đáng ghi nhận

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong đó, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh và các huyện, thành phố chủ động rà soát đánh giá tổng thể các lĩnh vực sản xuất theo ngành, địa bàn phụ trách để cập nhật, hoàn thiện kịch bản phục hồi tăng trưởng đề ra giải pháp phù hợp cả trước mắt và dài hạn.

Kết quả nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 duy trì được mức tăng trưởng, ước đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, bằng 66,2% kế hoạch. Tổng số lượt khách đến các khu, điểm du lịch tham quan trên địa bàn 9 tháng ước đạt trên 2.779 nghìn lượt khách, gấp 3 lần so với cùng kỳ và vượt 11,2% kế hoạch; doanh thu du lịch 9 tháng trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 1.950 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ và vượt 10,6% kế hoạch. Thu ngân sách được quan tâm chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp đồng bộ trong bối cảnh từ năm 2022, tỉnh Ninh Bình tự cân đối ngân sách với tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương là 9%.

Kết quả 9 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách ước đạt trên 16.900 tỷ đồng, đạt 84,5% dự toán, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Xác định thu hút đầu tư là động lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để kết nối với các nhà đầu tư lớn, tiềm năng để thu hút xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí cao cấp.

Tính đến thời điểm 20/9/2022, toàn tỉnh đã thành lập mới 897 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (tăng 277 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ năm 2021) với tổng số vốn đăng ký đạt 4.652 tỷ đồng (tăng 21,7%); có 281 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại, tăng 90 doanh nghiệp... Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ.

Đến nay, 100% số xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Nho Quan được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Ninh Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Kim Sơn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện chính trị, văn hóa lớn, tạo được dấu ấn và tầm ảnh hưởng quốc gia, quốc tế như: Kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022); phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới... Giáo dục - đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Năm 2022 là năm thứ 6 liên tiếp tỉnh ta xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời. Tính đến ngày 20/5/2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,05%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 3,47%. Cùng với đó, quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Ninh Bình là địa phương làm tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo. Cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo gắn với đẩy mạnh thực hiện chủ đề công tác năm 2022 "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính"; kỷ cương, kỷ luật trong triển khai thực hiện nhiệm vụ từng bước được đề cao.

Kết quả năm 2021, theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 tỉnh Ninh Bình đạt 89,36 điểm, xếp thứ 12/63 toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính PAR-Index năm 2021 tỉnh Ninh Bình đạt 87,29 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố.

Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Theo tinh thần Đại hội XIII, Đảng ta gắn xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là do bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy chú trọng công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai toàn diện, bám sát thực tiễn, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần giữ vững ổn định tình hình tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính". Công tác tổ chức cán bộ được quan tâm, thực hiện tốt công tác kiện toàn, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, cập nhật kiến thức; chú trọng công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên.

Trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh thành lập 15 tổ chức đảng, kết nạp 1.689 đảng viên mới, đạt 105,6% kế hoạch năm, nâng tổng số đảng viên trong toàn tỉnh lên 75.324 đồng chí với 679 tổ chức cơ sở đảng. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm. Công tác dân vận có nhiều đổi mới, thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tình hình hoạt động của các tôn giáo, kịp thời tham mưu cho cấp ủy xem xét, giải quyết. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn, tâm tư của cán bộ, đảng viên, qua đó đã tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; bãi bỏ, điều chỉnh và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội; xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh những đảng viên suy thoái, đã có tác dụng phòng ngừa, cảnh báo... Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của HĐND, công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục được nâng lên.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, đã tiếp thu và phản ánh kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ. Do vậy, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ngày càng được tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.

Xuân Trường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/day-manh-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-toan-quoc-lan-thu/d2022092908061980.htm