Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp ở Vĩnh Linh

Năm 2019, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Linh đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được kết quả khá toàn diện. Cơ sở hạ tầng thủy lợi, nông thôn được quan tâm đầu tư; chính sách phát triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng; năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi tăng cao so với các năm trước. Kết quả này mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp của địa phương những năm tiếp theo phát triển theo hướng hàng hóa giá trị cao và bền vững.

 Mô hình trồng dưa trong nhà màng ở xã Vĩnh Trung, Vĩnh Linh. Ảnh: MH

Mô hình trồng dưa trong nhà màng ở xã Vĩnh Trung, Vĩnh Linh. Ảnh: MH

Thuận lợi cơ bản trong sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Linh là có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của người nông dân. Nhiều chính sách trên lĩnh vực “tam nông” tiếp tục đi vào cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển. Toàn ngành cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, đặc biệt là thực hiện nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII về “Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa”. Cùng với đó là sự đồng lòng từ phía người dân đã nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, góp phần hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2019.

Trên lĩnh vực trồng trọt, công tác chỉ đạo sản xuất tiếp tục được triển khai đồng bộ, chặt chẽ theo định hướng tái cơ cấu, chuyển đổi mạnh mẽ diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất chất lượng thấp sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao hơn, tiêu thụ trên thị trường thuận lợi hơn. Khuyến khích, hỗ trợ sử dụng giống mới, giống xác nhận, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất và mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Chính vì vậy, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng so với các năm trước. Sản xuất lúa được mùa cả 2 vụ, diện tích gieo trồng cả năm đạt gần 7.000 ha, sản lượng gần 35.000 tấn, đạt 103,7% so với kế hoạch. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, diện tích hồ tiêu đạt 1.330 ha, diện tích đưa vào kinh doanh 1.199 ha, sản lượng 1.439 tấn, tăng 715 tấn so với năm 2018. Diện tích cây cao su 6.587 ha, sản lượng ước đạt 8.352 tấn so với năm 2018.

Phát triển chăn nuôi từng bước trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Năm 2019, tuy dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi và lở mồm long móng, nhưng nhìn chung quy mô đàn gia súc, gia cầm tiếp tục duy trì khá ổn định so với năm 2018. Trong đó, đàn trâu hiện có 4.798 con; đàn bò 12.710; đàn lợn 39.000 con; tổng đàn gia cầm trên 650.000 con.

Lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản đạt kết quả tích cực. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, huyện tiếp tục duy trì, phát triển các đối tượng nuôi truyền thống và đưa một số đối tượng mới vào nuôi như cá trắm, trê lai, trê phi, mè, rô phi đơn tính, cá chép, cá rô đầu vuông... Lĩnh vực khai thác chú trọng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, du nhập nghề mới phù hợp với ngư trường, khai thác gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 5.489 tấn, tăng 403 tấn so với năm 2018.

Hiện nay, sự phát triển của nền nông nghiệp ở Vĩnh Linh tiếp tục hình thành các quan hệ sản xuất mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc tổ chức lại sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân. Trong năm đã xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa mẫu lớn 1.400 ha triển khai tại 25 HTX trên toàn huyện, trong đó có 95 ha lúa hữu cơ. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các mô hình CSA trên cây lúa, cây lạc, ngô và hồ tiêu và các mô hình nhân rộng của dự án WB7 trên cây lúa, sau khi đánh giá các mô hình đều có năng suất cao từ 60- 65 tạ/ha. Thực hiện mô hình trồng chanh leo liên kết với Công ty Cổ phần NAFOODS với diện tích 8,25 ha. Xây dựng 8 mô hình sản xuất nông nghiệp như: Trồng cây thìa canh, rau xà lách xoong trên đất lúa kém hiệu quả; nuôi ba ba thương phẩm; xây dựng hệ thống tưới phun sương cho trại sản xuất nấm; ghép cải tạo vườn bơ tại xã Vĩnh Trung; phát triển cây hương bài dưới tán vườn cao su; mô hình trồng cây ăn quả có múi, trồng sâm bố chính. Qua khảo sát, các mô hình đang phát triển tốt, khả quan về giá trị kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân và khắc phục dần tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp ở một số địa phương.

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2019-2020, huyện Vĩnh Linh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo hướng dẫn các chủ thể đăng kí thực hiện. Đến nay có 7 xã, thị trấn với 11 chủ thể sản xuất đăng kí tham gia chương trình OCOP với 13 sản phẩm gồm: Tinh bột nghệ của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung; tinh bột nghệ và dầu lạc Thịnh Thành của Công ty TNHH MTV Hùng Thịnh Thành; thanh long ruột đỏ của HTX Nông sản Tân Vĩnh Thủy, miến ngũ sắc, miến gạo, miến phở Loan Hảo của cơ sở sản xuất Loan Hảo; hạt tiêu đen Vĩnh Linh của HTX SXKD Hồ tiêu Vĩnh Linh; đậu xanh tằm của HTX Cổ Mỹ; bột sắn dây của HTX Huỳnh Công Đông; ném Vĩnh Linh của HTX DV NN Vĩnh Kim; nấm linh chi của cơ sở sản xuất Hải Hiệu; nấm linh chi đỏ của cơ sở sản xuất Linh Dương; nấm tràm sấy khô của cơ sở sản xuất nấm Trọng Dũng. Đặc biệt trong đó có 5/13 sản phẩm được UBND huyện hỗ trợ thực hiện gồm: Hạt tiêu, tinh bột nghệ, bột sắn dây, ném và thanh long ruột đỏ. Huyện cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân đưa sản phẩm nông sản sạch tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân mở rộng thị trường và tìm được nơi tiêu thụ ổn định. Đồng thời triển khai thực hiện đăng kí nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn.

Những kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp năm 2019 là cơ sở để huyện Vĩnh Linh tiếp tục phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao theo hướng liên kết sản xuất giữa người dân với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm giải quyết hiệu quả từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Mỹ Hằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145188