Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ

Phân bón hữu cơ không chỉ làm giàu cho đất, tốt cho cây trồng mà còn tạo ra nông sản hữu cơ, an toàn. Lợi ích thì đã rõ, song trên thực tế, việc sử dụng phân bón hữu cơ chưa tương xứng với tiềm năng về nguồn phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chưa đáp ứng hết nhu cầu sản xuất sạch của nông dân.

Vườn thanh long ruột đỏ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn) được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ.

Vườn thanh long ruột đỏ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn) được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ.

Phân bón hữu cơ đã được người dân sử dụng rộng rãi từ lâu trong canh tác nông nghiệp. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có trên 320.000 ha các loại cây trồng, trong đó có đến 80% diện tích đều có sử dụng một phần phân bón hữu cơ truyền thống hoặc phân hữu cơ sản xuất quy mô công nghiệp. Đa số các loại phân bón hữu cơ được các hộ dân tự sản xuất theo cách truyền thống là sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, chất thải, bã thải chăn nuôi thu gom ủ mục hoặc tự sử dụng các chế phẩm sinh học, men vi sinh cùng phế, phụ phẩm nông nghiệp, như vỏ cà phê, rơm rạ, vỏ sắn, phân trâu bò, phân lợn... để ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Tuy nhiên, thói quen sử dụng chủ yếu phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp vẫn đang phổ biến, hoặc tình trạng người dân sử dụng phân bón hữu cơ không cân đối với các giai đoạn phát triển của cây trồng.

Ngay sau khi Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ được ban hành, tỉnh ta đã có nhiều chính sách về phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Cụ thể, trong 2 năm (2019-2020) tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 245 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; 12 mô hình ủ phân hữu cơ trên địa bàn 12 huyện, thành phố với số lượng 13.000 tấn. Qua theo dõi, đánh giá các mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ cho thấy cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng tỷ lệ các loại vi sinh vật trong đất làm đất tơi xốp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá bán sản phẩm tăng hơn từ 10-30% so với sản phẩm khác.

Từ kết quả của mô hình sản xuất hữu cơ, ủ phân hữu cơ đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng hợp lý phân bón trong trồng trọt; nâng cao sự hiểu biết của người sản xuất về tác dụng, sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần chuyển một phần từ sử dụng phân bón vô cơ sang sử dụng phân bón hữu cơ. Trong đó, đã có một số mô hình sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học. Điển hình là HTX Trường Tiến, bản Củ 2, xã Chiềng Ban (Mai Sơn). HTX có 12 ha cây ăn quả có múi và 18 ha cà phê trồng xen bơ, trong đó, 12 ha trồng cây ăn quả đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Với các nguyên liệu sẵn có từ vỏ cà phê, lõi ngô, phân chuồng và bã dong riềng... các thành viên HTX đã ủ thành phân hữu cơ thay thế hoàn toàn phân hóa học để chăm bón vườn cây ăn quả. Hiện nay, chi phí sản xuất phân hữu cơ chỉ có giá khoảng 2.000 đồng/kg, rẻ hơn so với giá các loại phân vô cơ bán trên thị trường. Mặt khác, lại tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Từ khi sử dụng phân bón hữu cơ, hàng năm, HTX tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí mua phân bón; vườn cây sử dụng phân bón hữu cơ đất được cải tạo, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, sản lượng quả tăng khoảng 30%.

Trước nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất hiện nay, đã có một số doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 2 công ty sản xuất phân bón hữu cơ là Công ty cổ phần Nông nghiệp xanh Tây Bắc (bản Giỏ, phường Chiềng Sinh, Thành phố) và Công ty cổ phần Năng lượng sạch Sơn La (xã Nà Bó, Mai Sơn). Bên cạnh đó, các đại lý kinh doanh buôn bán phân bón cũng đã nhập phân bón hữu cơ chế biến công nghiệp để cung ứng cho nông dân.

Để khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm nông sản sạch, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, HTX về sản xuất hữu cơ; hướng dẫn nông dân sử dụng men vi sinh tự sản xuất phân bón hữu cơ, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả để áp dụng tại địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, trong đó có phân hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/day-manh-san-xuat-nong-nghiep-su-dung-phan-bon-huu-co-30443