Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời

Để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2030.

Lan tỏa phong trào xã hội học tập

Mục tiêu chung của chương trình là phát động việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc xây dựng, triển khai có hiệu quả các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Hình thành, phát triển mô hình “Công dân học tập” đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Đặng Hoài Dũng cho biết, việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị được triển khai từ nay đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của chương trình, đến năm 2025, có 100% cán bộ và hội viên của hội khuyến học từ tỉnh đến cơ sở được học tập, quán triệt các chủ trương của Hội Khuyến học Việt Nam, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tất cả nhân dân sẽ được học tập, thông tin về xây dựng các mô hình học tập suốt đời. 90% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 75% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 80% cộng đồng (tổ nhân dân tự quản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 85% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thị Ngọc Diễm trao học bổng khuyến tài Doãn Tới cho các sinh viên

“Trong quá trình thực hiện, tỉnh quyết tâm sẽ có 3 huyện được công nhận danh hiệu “Huyện học tập”. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nỗ lực hoàn thiện, kiện toàn về cơ cấu tổ chức của các trung tâm học tập cộng đồng, đảm bảo chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội khuyến học cơ sở tham gia quản lý, điều hành các trung tâm học tập cộng đồng. Việc này nhằm nâng cao chất lượng, nội dung hoạt động phong phú, phù hợp với nhu cầu của mỗi địa phương…” - ông Đặng Hoài Dũng chia sẻ.

Góp phần xây dựng quê hương

Những năm qua, bằng sự nỗ lực của các cấp hội trong tỉnh, sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã phát triển tại nhiều địa phương. Thông qua phong trào, đã xuất hiện nhiều “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, có rất nhiều con em của các gia đình, dòng họ đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, sau khi ra trường, tình nguyện trở về quê hương, tham gia vào hệ thống chính trị, góp công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đi đầu trong số địa phương có phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, trước hết phải kể đến huyện Chợ Mới, Châu Phú, Thoại Sơn, TP. Long Xuyên và TX. Tân Châu. Đây là các địa phương có truyền thống hiếu học. “Gia đình chúng tôi rất vui mừng khi cháu tốt nghiệp đại học, quay trở lại quê hương, mang kiến thức đã học phục vụ cộng đồng, xã hội” - bà Trần Thị Mai (xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới) chia sẻ.

Ở xã Nhơn Mỹ ngày nay, không chỉ có gia đình bà Mai mà nhiều gia đình khác cũng có con trở thành các kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, họ mang kiến thức đã học về phục vụ nhân dân. “Tôi rất tán thành với phong trào xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Nhờ phong trào này được đẩy mạnh mà trình độ dân trí ngày một nâng lên, ứng xử giữa người với người ngày càng thân thiện, hiểu biết nhau, từ đó có sự giúp đỡ lẫn nhau. Thanh niên địa phương đã biết lấy con chữ để phát triển bản thân, đặc biệt là con em các gia đình nghèo hiếu học thì tỷ lệ thành công rất cao…” - bà Mai chia sẻ thêm.

Để thực hiện được mục tiêu của chương trình, UBND tỉnh An Giang đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp hội khuyến học trong tỉnh, hệ thống chính trị tại cơ sở là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập. Phát triển nguồn lực thông tin, duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, thu hút nhân dân thường xuyên tham gia học tập về các nội dung giáo dục, chuyển giao công nghệ, phổ biến khoa học - kỹ thuật, nhằm áp dụng có hiệu quả vào hoạt động lao động, sản xuất - kinh doanh tại địa phương…

“Hội Khuyến học tỉnh An Giang sẽ tổ chức tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay của các đơn vị, tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục thực hiện việc xây dựng và công nhận “Cộng đồng học tập cấp xã”, “Đơn vị học tập”; xây dựng và công nhận “Công dân học tập”, “Huyện học tập”, “Tỉnh học tập”. Có như vậy thì việc thực hiện chương trình mới đạt hiệu quả cao” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Đặng Hoài Dũng khẳng định.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/day-manh-phong-trao-hoc-tap-suot-doi-a355257.html