Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu những tháng cuối năm

Ngày 14/11, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Chống buôn lậu - giải pháp trong những tháng cuối năm' nhằm cung cấp thông tin về hoạt động phòng chống buôn lậu; giải pháp mà các cơ quan chức năng tập trung triển khai, nhất là trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Các vị khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các khách mời tham gia tọa đàm gồm: Phó GS. TS. Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (chủ trì cuộc tọa đàm); Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an); ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên Phòng; ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.

Dưới đây là nội dung cuộc tọa đàm:

Tình hình buôn lậu trong những tháng đầu năm và đặc biệt giai đoạn gần Tết Nguyên đán có gì đáng chú ý thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Thanh Thế?

Ông Đàm Thanh Thế: Tác hại của buôn lậu thì chúng ta đã rõ, làm ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh xã hội. Kết quả bước đầu là đã bảo đảm yêu cầu. Tuy nhiên, năm 2016 tình hình buôn lậu còn diễn biến phức tạp ở 3 tuyến, gồm đường bộ, đường biển, đường không. Ví dụ đường bộ thì ở biên giới phía bắc, những loại hàng đối tượng nhằm vào là ma túy, đồ điện tử, gia dụng. Ở khu vực Tây Nam là mặt hàng thuốc lá, đường, đồ gia dụng. Đối với đường không thì buôn lậu đang diễn biến với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt tại TPHCM, các loại sản phẩm các đối tượng buôn lậu nhắm tới là động vật quý hiếm, ma túy, vũ khí, văn hóa phẩm đồi trụy. Về buôn lậu đường biển, chúng tôi nhận diện tình hình buôn lậu xăng dầu và khoáng sản diễn ra phức tạp.

PGS. TS Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia

Văn phòng Thường trực đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (BCĐ) tập trung chỉ đạo đối với các ban chỉ đạo bộ, ngành Trung ương và lực lượng chức năng. Mười tháng đầu năm 2016, phát hiện khoảng 172.000 vụ việc, tăng 2% so với cùng kỳ; truy thu khoảng 13.000 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện phát triển kinh tế theo định hướng thị trường, bảo đảm an ninh chính trị và an toàn cho người tiêu dùng sử dụng.

Như nhận định của ông Đàm Thanh Thế ở trên, các mặt hàng trọng điểm buôn lậu được tuồn về theo tuyến đường bộ nằm trong địa bàn kiểm soát của lực lượng biên phòng. Vậy, các lực lượng biên phòng đã có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn như thế nào, thưa ông Nguyễn Xuân Bắc?

Ông Nguyễn Xuân Bắc: Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, bộ đội biên phòng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ: Tăng cường tuần tra ở các địa bàn, khu vực trọng điểm, bố trí ở các địa bàn trọng điểm, tổ chức chốt chặt hoạt động buôn lậu qua biên giới; tăng cường hoạt động nghiệp vụ để phát hiện chủ đầu nậu; tăng cường phối hợp với các lực lượng có liên quan trên biên giới như hải quan, công an, đặc biệt là lực lượng C74 để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh với tình trạng buôn lậu qua biên giới; tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu.

Trong sự diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu thuốc lá trên một số tuyến biên giới, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch 964 tháng 4/2016 để huy động tổng lực, đấu tranh với hoạt động vận chuyển, buôn lậu thuốc lá qua biên giới. Kết quả của kế hoạch đã được các địa phương, hiệp hội thuốc lá ghi nhận. Con số đáng chú ý là số đối tượng bị bắt giữ giảm nhưng số lượng thuốc lá bị bắt giữ tăng và có những vụ bắt được số lượng thuốc lá rất lớn, lên tới hàng chục nghìn bao, chứng tỏ chúng tôi tập trung đánh vào chủ hàng lớn.

Để tiếp tục phát huy kế hoạch 964, chúng tôi tiếp tục triển khai trên tất cả các tuyến. Ngày 17/11 tới đây, chúng tôi tổ chức hội nghị đấu tranh chống buôn lậu trên biển, đồng thời thực hiện chống buôn lậu trên toàn tuyến để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng, của BCĐ 389 Quốc gia và Bộ Quốc phòng

Thời gian gần đây lực lượng công an đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu thuốc lá lớn. Qua các vụ án này, xin Trung tướng Đồng Đại Lộc đánh giá về phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu mặt hàng thuốc lá hiện nay?

Ông Đồng Đại Lộc: Theo tôi, vấn đề buôn lậu vẫn đang rất phức tạp, trong đó có thuốc lá. Về thuốc lá, chúng tôi có chuyên đề riêng về chống buôn lậu mặt hàng này. Riêng lực lượng công an, chúng tôi đã huy động các lực lượng đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam. Chúng tôi biết là hằng năm buôn lậu thuốc lá gây thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng. Trung bình một năm, chúng tôi bắt 4.000 vụ với khoảng 9 triệu bao thuốc lá.

Đấu tranh rất quyết liệt, có hiệu quả nhưng trên thực tế diễn biến còn rất phức tạp ở cả 3 tuyến. Riêng tuyến đường bộ, phía bắc tập trung ở Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh. Miền Trung tập trung ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Nam Bộ tập trung tại Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang. Đây là những địa bàn trọng điểm buôn lậu.

Buôn lậu thường hình thành đường dây từ phía nước ngoài vào nội địa, cũng có khả năng chúng móc nối với lực lượng chức năng trong quá trình được giao nhiệm vụ kiểm soát biên giới. Các đối tượng tập kết hàng ở ngoại biên, lợi dụng sông ngòi, đường mòn, lối mở và ban đêm để vận chuyển nhỏ lẻ vào nước ta, đưa vào các trung tâm, đô thị. Đây là thủ đoạn tương đối phổ biến, đặc biệt các đối tượng thường chuẩn bị vũ khí, công cụ để tấn công trở lại khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ. Hậu quả xảy ra là đã có những cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Thưa ông Nguyễn Trọng Tín, đối tượng buôn lậu ngày càng quyết liệt chống trả lực lượng chức năng, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Có người đã đưa ra hình ảnh “vỏ quýt dày nhưng móng tay chưa kịp nhọn” để ví von về tình cảnh của lực lượng chống buôn lậu ở một số địa phương. Ông có đồng tình với nhận định này không?

Ông Nguyễn Trọng Tín: Quản lý thị trường là một trong những lực lượng chức năng thực hiện chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Tôi hoàn toàn không đồng tình với câu ví von đó. Bởi vì chúng ta có cả một hệ thống chính trị, hệ thống lực lượng chức năng mà hiện tại chúng tôi đang ngồi đây và được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể. Biên giới có bộ đội biên phòng, hải quan tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Nội địa thì có lực lượng công an, quản lý thị trường. Nên cho dù chúng có dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì chúng tôi cũng không sợ và chúng tôi có tổ chức mạnh mẽ đã được chứng minh trong thời gian qua. Ví dụ như Chỉ thị 30 của Thủ tướng, trước và sau khi có Chỉ thị chúng tôi đã đánh mạnh các đối tượng và thu kết quả đáng kể. Chúng tôi đấu tranh với tinh thần kiên quyết, bền bỉ và có sự phối hợp đồng bộ của 4 lực lượng.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường

Tuy nhiên, trên thực tế, có ý kiến cho rằng công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá chưa được duy trì thường xuyên, liên tục. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Trong thời gian qua, Văn phòng BCĐ 389 đã có những đề xuất gì để khắc phục tình trạng trên?

Ông Đàm Thanh Thế: Bộ đội biên phòng có vai trò quan trọng trong bảo vệ biên giới, lực lượng hải quan cùng với lực lượng biên phòng chịu trách nhiệm canh giữ tuyến biên giới để làm sao ngăn chặn các vi phạm trong hoạt động thương mại, đặc biệt là buôn lậu. Trong nội địa là lực lượng công an, quản lý thị trường và thuế như quý vị đã biết. Chính phủ đã có Nghị định 01/2015 xác định địa bàn hoạt động của hải quan và công tác phối hợp của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nghị định này rất quan trọng để xác định phạm vi địa bàn của các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu. Vấn đề buôn lậu đang nóng lên như chúng ta đang trao đổi, đó là buôn lậu thuốc lá, ma túy, một số mặt hàng liên quan đến bảo tồn thiên nhiên.

Tháng 5/2016, Chính phủ đã quy định quy chế phối hợp của các lực lượng trong công tác này. Với những chỉ đạo của Chính phủ, các lực lượng đã chủ động đấu tranh và có sự phối hợp trong các vụ việc có tính chất liên tỉnh, phức tạp. Ví dụ như ngay tại Hà Nội, các cơ quan đã phối hợp tốt, xóa bỏ được những đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả. Hay như vụ buôn lậu 2,5 tấn ngà voi tại cảng Cát Lái, TPHCM, lực lượng công an đã phối hợp các lực lượng chức năng khác xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp cũng có những tồn tại. Khi thi hành công vụ, chúng ta phải phối hợp để hình thành sức mạnh tổng hợp nhằm trấn áp các đối tượng và đạt được hiệu quả, bảo đảm an toàn cho cán bộ trong thi hành công vụ. Tôi đề cao vấn đề nắm bắt tình hình, chia sẻ thông tin. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm và phải tập trung toàn bộ lực lượng để đấu tranh với hoạt động buôn lậu. Vấn đề này, Văn phòng Thường trực sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để từng bước nâng cao chất lượng công tác.

Thời gian gần đây, so với số vụ buôn lậu bị bắt giữ, xử lý thì số vụ khởi tố vụ án không nhiều, không đủ sức răn đe, mặt khác tiến độ xử lý các vụ việc buôn lậu lớn gần đây còn chậm. Xin được biết quan điểm của ông Đồng Đại Lộc về nhận định này?

Ông Đồng Đại Lộc: Đúng là quá trình bắt giữ đã khó rồi, nhưng khi xử lý lại càng khó, nhất là bằng xử lý hình sự. Năm nay, chúng ta bắt giữ khoảng 1 vạn vụ buôn lậu nhưng khởi tố chỉ 542 vụ, liên quan 701 đối tượng. Tỉ lệ này đạt không đến 10%, những năm trước đây cũng như vậy. Đây là khó khăn xử lý về mặt hình sự. Có nhiều nguyên nhân, trước hết là buôn lậu bao giờ cũng có đường dây tổ chức hoạt động khép kín, chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi, đặc biệt ít bộc lộ sơ sót, những “ông chủ” thực sự không xuất hiện. Vấn đề thứ 2 là luật pháp còn nhiều vấn đề bất cập, trước hết quy định tại Điều 153 và 154 trong Bộ luật Hình sự thì yếu tố nước ngoài, yếu tố vận chuyển qua biên giới rất khó chứng minh, nhất là khi hàng vào trong nội địa thì càng khó khăn. Nếu bắt ngay tại biên giới thì dễ, nhưng vào nội địa rồi thì khó khăn. Tỉ lệ bắt giữ trong nội địa cao hơn biên giới. Hàng hóa bắt được phải quy ra giá trị bằng tiền và các bằng chứng phải giám định.

Đây là yếu tố góp phần gây khó khăn cho công tác điều tra. Quy định của Nhà nước và pháp luật về hàng cấm còn khác nhau. Trong luật về thương mại 2013 thì ngà voi, thuốc lá, sừng tê giác… là hàng cấm. Nhưng đến năm 2014, Luật Đầu tư ra đời thì quy định đây là hàng kinh doanh có điều kiện. Như vậy, việc xử lý lại thuộc các ngành khác nhau, quan điểm khác nhau. Đối với các vụ bắt giữ được, để chứng minh đối tượng cầm đầu rất khó khăn, khi chứng minh được, đối tượng đã bỏ trốn. Trong quá trình chỉ đạo điều tra những vụ án, chúng tôi cũng phải bồi dưỡng cho cán bộ chiến sĩ nâng cao thêm nghiệp vụ chống buôn lậu.

Trong lĩnh vực của mình, phía Hiệp hội Thuốc lá đã đồng hành và hỗ trợ cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trong công tác này như thế nào thưa ông Vũ Văn Cường?

Ông Vũ Văn Cường: Trước hết, tôi rất đồng tình với những đánh giá của các vị khách mời từ đầu chương trình tới giờ. Đúng là tình hình buôn lậu hiện nay nhức nhối và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội. Hiệp hội Thuốc lá cũng rất mừng vì Đài Truyền hình Việt Nam đã có chuyên mục riêng về chống buôn lậu và hàng giả phát sóng hằng ngày. Riêng đối với ngành thuốc lá, thuốc lá là mặt hàng gọn nhẹ, dễ vận chuyển và mức độ chênh lệch giá cao nhất. Theo tính toán của chúng tôi, chênh lệch khoảng 4,5 lần. Tình hình buôn lậu thuốc lá tăng nhanh và siêu lợi nhuận. Mỗi năm buôn lậu thuốc lá khoảng 1 tỷ bao, làm thất thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng, làm hơn 1 triệu nông dân trồng cây thuốc lá và công nhân trong ngành sản xuất thuốc lá mất việc làm.

Thuốc lá nhập lậu không được kiểm tra về chất lượng sản phẩm, có hàm lượng nicotine rất cao, cao hơn nhiều so với mức cho phép. Thêm vào đó, còn có một số độc tố khác, cấm sử dụng trong thực phẩm. Thời gian qua, Hiệp hội Thuốc lá luôn đồng hành cùng BCĐ 389 quốc gia, các lực lượng chức năng, đặc biệt trong phối hợp thông tin, hỗ trợ kinh phí. Thời gian qua, chúng tôi đã nâng mức hỗ trợ từ 1.100 đồng lên 3.500 đồng cho bắt giữ, tiêu hủy 1 bao thuốc lậu. Sắp tới đây, chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính mức hỗ trợ là 4.500 đồng từ 1/1/2017.

Năm 2015, tổng kinh phí chúng tôi hỗ trợ cho các lực lượng chức năng bắt giữ tiêu hủy thuốc lá lậu là 34 tỷ đồng. Sang 10 tháng đầu năm 2016, con số này là 16 tỷ đồng nhưng hiệu quả là rất lớn. Ví dụ năm 2015, tiền nộp ngân sách của ngành thuốc lá tăng 1.000 tỷ đồng và đạt gần 20.000 tỷ đồng. Năm nay dự kiến cũng như vậy.

Trước tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp thì mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu lực lượng chức năng mở đợt cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Xin ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết những biện pháp mà lực lượng biên phòng sẽ tăng cường triển khai nhằm đánh chặn hoạt động buôn lậu ngay từ gốc?

Ông Nguyễn Xuân Bắc: Trên cơ sở kết quả của kế hoạch 964 tháng 4/2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, chỉ đạo của BCĐ 389, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đang chỉ đạo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm tham mưu cho Bộ Tư lệnh về thực hiện đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu từ nay tới dịp Tết, tập trung vào những giải pháp chủ yếu dưới đây:

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ biên giới và trong kế hoạch này, Bộ Tư lệnh chỉ đạo chúng tôi làm rất cụ thể, giao trách nhiệm đến từng đồn biên phòng, trong đó có nhiệm vụ tăng cường hoạt động tuần tra, bảo vệ biên giới, huy động các lực lượng địa phương như dân quân cùng phối hợp để bảo đảm khép chặt biên giới.

Thứ hai, tăng cường các công tác nghiệp vụ cơ bản để nắm được các đường dây, ổ nhóm, chủ đầu nậu để bố trí các chuyên án, kế hoạch trinh sát nhằm triệt phá các đường dây.

Thứ ba, giao cho Cục Phòng chống ma túy và tội phạm giám sát chặt chẽ, chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ đã bị bắt giữ.

Thứ tư, tăng cường phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là các chương trình, biên bản ghi nhớ với các lực lượng của nước láng giềng như Trung Quốc và Lào. Trong thời gian vừa qua, hoạt động nắm thông tin từ xa nhờ phối hợp với lực lượng của các nước láng giềng đã tỏ ra có hiệu quả.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động nhân dân ở khu vực biên giới không tiếp tay cho buôn lậu, đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm cho bà con để bà con có thu nhập ổn định, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác định chống buôn lậu phải có bàn tay sạch nên chỉ đạo của Thường vụ là gắn trách nhiệm của người đứng đầu, đơn vị nào để xảy ra điểm nóng về buôn lậu trên địa bàn, lĩnh vực của mình phụ trách thì người đứng đầu tại đơn vị đó của bộ đội biên phòng phải chịu trách nhiệm trước Bộ Tư lệnh, trước pháp luật.

Thưa Trung tướng Đồng Đại Lộc, xin ông cho biết các biện pháp mạnh mà lực lượng công an sẽ tập trung thực hiện trong đợt cao điểm chống buôn lậu từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu?

Ông Đồng Đại Lộc:Lực lượng công an trước, trong và sau tết bao giờ cũng tổ chức các đợt cao điểm tấn công chống các loại tội phạm từ hình sự, ma túy, kinh tế và buôn lậu. Từ giờ đến cuối tháng 11, Tổng cục Cảnh sát sẽ có lệnh tổ chức tấn công tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm buôn lậu. Trước hết, chúng tôi đã làm thật tốt nhiệm vụ cơ bản, trong đó có nhiệm vụ điều tra cơ bản, đặc biệt đi sâu, nắm các đường dây, các tổ chức và sau đó, lập các chuyên án đấu tranh. Chú trọng vào các địa bàn trọng điểm, các tuyến trọng điểm và đặc biệt là mặt hàng trọng điểm, trong đó có xăng dầu, thuốc lá... Tiếp theo, chúng tôi tập trung đẩy nhanh tiến độ các vụ án đang thụ lý điều tra, làm rõ các đối tượng phạm tội và đặc biệt, sẽ có một số vụ án chúng tôi mở rộng để phát hiện thêm đối tượng. Vấn đề tiếp theo, chúng tôi đang tiến hành sàng lọc rất nhiều các luồng thông tin liên quan đến các tổ chức, đường dây, cá nhân buôn lậu các loại trên các tuyến, tập trung làm sớm trước 15 tháng Chạp (Bính Thân).

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát

Thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu từ nay đến dịp Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng lậu trên thị trường nội địa?

Ông Nguyễn Trọng Tín: Chống buôn lậu không phải một sớm một chiều giải quyết được mà phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và cả các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp vào cuộc. Tình hình năm nào cũng vậy, trước, trong và sau Tết, hoạt động buôn lậu diễn ra rất mạnh do nhu cầu tiêu dùng của người dân rất lớn. Theo tôi, các văn bản chỉ đạo đã rõ ràng, Chính phủ có Nghị quyết 41, một Nghị quyết xuyên suốt cho các lực lượng, các bộ ngành cũng như là BCĐ 389 ở các địa phương, các ngành ở địa phương phải thực hiện.

Riêng đối với Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã có kế hoạch 1630 từ tháng 6, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cũng như Sở Công Thương ở các tỉnh, thành phố đều phải vào cuộc. Lực lượng quản lý thị trường địa phương phải phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, chống hàng giả gian lận thương mại, đặc biệt là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu lần này, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến những mặt hàng trọng tâm trọng điểm cần phải tập trung, được thể hiện trong Chỉ thị 30 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Thứ hai là Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Để bình ổn thị trường, các lực lượng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường chúng tôi, phải quyết liệt tập trung xây dựng kế hoạch để đánh đúng, đánh trúng. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các đồng chí bên Tổng cục Cảnh sát cũng như Bộ đội Biên phòng là phải xác định ngay từ tuyến đầu, tuyến buôn lậu, mặt hàng buôn lậu và địa bàn xảy ra buôn lậu. Địa bàn của chúng ta dài, rộng, giáp biên giới Trung Quốc rất hiểm trở, tuyến đường biển cũng rất rộng nên các đối tượng buôn lậu luôn rình rập chúng ta, kể cả giờ cao điểm, lúc thay ca, ngày lễ, ngày nghỉ… để hoạt động.

Chúng tôi xác định đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại là một cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ, đòi hỏi phải có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo cùng với Thứ trưởng tập trung kiểm tra tình hình trên địa bàn, kiểm tra công tác bình ổn thị trường nội địa, vì liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả ở trong thị trường nội địa, kể cả hàng hóa dự trữ phục vụ bà con trước, trong và sau Tết, không để mặt hàng nào “cháy”, không để mặt hàng nào của các doanh nghiệp, các thương hiệu uy tín bị hàng nhái, hàng giả trà trộn… Đây cũng là mục tiêu chúng tôi xác định trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; chúng tôi quán triệt các địa phương, các trung tâm thương mại, siêu thị không để tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tuồn vào làm thiệt hại cho người dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi giáo dục cho cán bộ chiến sĩ trong toàn ngành, toàn lực lượng, xác định nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại lâu dài, đặc biệt trong những tháng, quý cao điểm. Chúng tôi cũng đề nghị các ngành chức năng tiếp tục phối hợp một cách chặt chẽ theo quy chế phối hợp của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, các nhà báo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân ý thức được trách nhiệm khi phát hiện hàng lậu, hàng giả thông tin cho lực lượng chức năng biết và kịp thời xử lý nhanh gọn.

Có một thực tế, tội phạm buôn lậu ngày càng tinh vi, táo tợn, như vụ việc gần đây khi một cán bộ Quản lý thị trường đã bị các đối tượng buôn lậu tấn công dẫn tới tử vong trong khi làm nhiệm vụ.. Là ngành đang bị thiệt hại rất lớn vì thuốc lá nhập lậu, thưa ông Vũ Văn Cường, Hiệp hội Thuốc lá có đề xuất gì trong việc nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu?

Ông Vũ Văn Cường: Năm 2014, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp để chống buôn lậu thuốc lá như Chỉ thị số 30, Quyết định 2371, Thông tư 19. Năm 2015, lượng thuốc lá nhập lậu giảm 30%, ngân sách Nhà nước thu tăng hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đầu năm 2016 tình hình buôn lậu thuốc lá có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và manh động. Nguyên nhân theo chúng tôi đánh giá là do luật pháp của chúng ta còn nhiều kẽ hở, còn chồng chéo; chế tài xử phạt các đối tượng buôn lậu theo hướng nhẹ đi. Trong khi Chính phủ đang tăng hình phạt thì các bộ luật mới như Bộ luật Hình sự 2015, tại Điều 190,191 lại bỏ quy định về số lượng các mặt hàng phạm pháp theo tiêu chí lớn, rất lớn và đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như đã quy định trước đây tại Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam

Theo quy định tại bộ luật mới, mức quy định vi phạm tối thiểu là 100 triệu đồng mới xử lý hình sự thay vì trước đây buôn lậu thuốc lá 500 bao là đã bị xử lý hình sự. Như vậy, mức xử phạt nhẹ đi khoảng 4,5 lần và việc xử lý rất khó vì phải thêm một bước xác định giá trị, phải có một hội đồng thẩm định giá gồm rất nhiều thành phần tham gia nên rất phức tạp và chậm có kết quả.

Chúng tôi muốn kiến nghị với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, tại Điều 190,191, nên quy định số lượng cụ thể là nếu buôn lậu thuốc lá 500 bao hay 1.000 bao thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy việc áp dụng sẽ dễ dàng hơn, nhanh chóng và hiệu quả hơn thay vì quy định mức giá trị 100 triệu đồng như hiện nay. Luật Thương mại quy định buôn lậu thuốc lá là buôn lậu hàng cấm, nhưng trong Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 thì quy định kinh doanh sản phẩm thuốc lá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Quy định như vậy thì cũng đúng đối với kinh doanh thuốc lá trong nước như chúng tôi là hợp pháp. Còn đối với thuốc lá lậu thì không thể là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được, vì thuốc lá lậu là mặt hàng bất hợp pháp, phạm pháp và phải khởi tố hình sự.

Chính vì quy định trong Luật Đầu tư tại Công văn số 06 ngày 26/1/2016 của TAND Tối cao hướng dẫn việc xét xử các vụ án về buôn lậu thuốc lá, hướng dẫn xử lý các hành vi buôn lậu thuốc lá, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu theo Luật Đầu tư, nhưng nội dung lại chỉ đạo là đưa ra xét xử hành vi mua bán vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nếu có yếu tố qua biên giới. Còn ở trong nội địa phải chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy các vụ án buôn lậu thuốc lá thời gian vừa qua là không xét xử được. Chính vì vậy, khi các chế tài nhẹ đi, tình hình buôn lậu lại gia tăng nhanh trong đầu năm 2016. Đề nghị Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị 30 về chống buôn lậu thuốc lá; tăng cường kiểm tra các điểm bán thuốc lá công khai. Đề nghị Chính phủ tăng kinh phí, công cụ cho lực lượng chức năng chống buôn lậu vì các đối tượng buôn lậu có công cụ, phương tiện hiện đại hơn của lực lượng chức năng (có tình trạng các đối tượng buôn lậu dùng tàu tốc độ nhanh hơn đuổi theo lực lượng của chúng ta để cướp lại hàng…).

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam hằng năm đóng góp khoảng 400 tỷ đồng cho Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Y tế quản lý. Số tiền này chủ yếu sử dụng cho công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Chúng tôi được biết Quỹ này đang dư rất nhiều (khoảng 50-70%) trong khi các lực lượng chức năng thì đang thiếu kinh phí. Vậy chúng tôi đề nghị Quỹ này nên chuyển về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính điều hành. Bộ Tài chính có trách nhiệm điều hòa từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Để làm được điều này, Chính phủ phải đề nghị Quốc hội sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Với vai trò là đơn vị tham mưu cho Chính phủ, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã có đề xuất để gì để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chống buôn lậu trong giai đoạn cao điểm Tết sắp tới?

Ông Đàm Thanh Thế: Với trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho BCĐ 389 trong xây dựng các cơ chế, chiến lược đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, để đáp ứng được yêu cầu các chương trình của các lực lượng từ nay đến Tết, Văn phòng Thường trực đã tham mưu cho đoàn công tác liên ngành gồm các bộ, ngành, đặc biệt là lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát tập trung khảo sát toàn bộ tuyến biên giới. Trên cơ sở đó, thấy được những vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là những sơ hở, thiếu sót. Chúng ta xây dựng những chương trình đấu tranh chống buôn lậu từ nay đến trước, trong và sau Tết.

Chúng tôi đã tham mưu một kế hoạch cao điểm và xác định những mặt hàng cần nhận diện để ngăn chặn như buôn lậu pháo, ma túy, công cụ hỗ trợ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, liên quan đến sức khỏe người dân. Chúng tôi đề xuất để BCĐ 389 chỉ đạo các tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng cùng vào cuộc. Chúng tôi cũng đề xuất phải kiểm tra, đôn đốc, đánh giá các tập thể cá nhân. Lãnh đạo cơ quan chức năng phải thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó mới chỉ đạo điều hành. Ngoài việc tổ chức triển khai, cũng cần tập trung kiểm tra, khen thưởng kịp thời cũng như phê bình, kỷ luật những trường hợp tiếp tay, bao che. Tôi tin chắc rằng nếu làm được việc đó, tình hình buôn lậu gian lận thương mại từng bước được hạn chế./.

Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/day-manh-phong-chong-buon-lau-nhung-thang-cuoi-nam/291580.vgp