Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Thuận Châu đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cải tạo chất lượng đàn; xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi nhốt gắn với trồng cỏ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mở ra hướng xóa nghèo bền vững cho người dân.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân bản Nà Cà, xã Phổng Lăng.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân bản Nà Cà, xã Phổng Lăng.

Theo thống kê, huyện Thuận Châu hiện có 60.000 con trâu, bò. Để chăn nuôi đại gia súc chuyển dịch theo hướng hàng hóa, huyện tập trung quy hoạch, cơ cấu lại ngành chăn nuôi; chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nhân dân về phát triển chăn nuôi bền vững. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, lựa chọn giống đủ tiêu chuẩn lai tạo với giống địa phương.

Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Các cơ quan chuyên môn và các xã đã tăng cường hướng dẫn người dân vệ sinh khu vực chăn nuôi, phun tiêu độc khử trùng, chủ động phòng, chống các loại bệnh dịch nguy hiểm, như viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả lợn châu Phi...; nhân rộng, khuyến khích các hộ dân chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Xã Tông Cọ có 1.298 hộ thì có 884 hộ nuôi trâu, bò. Nhiều năm nay, bà con đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ. Hiện, tổng đàn trâu, bò của xã đạt gần 5.000 con.

Ông Lò Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã thông tin: Riêng năm 2021, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển 25 ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả và diện tích lúa không đủ nước sang trồng cỏ. Đến nay, toàn xã có hơn 140 ha cỏ voi, đảm bảo phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã còn tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi; phối hợp với cơ quan chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc và tổ chức tiêm phòng đầy đủ.

Thăm trang trại chăn nuôi bò của gia đình ông Lò Văn Toan, bản Thúm Cáy, chúng tôi thấy chuồng trại được chia thành từng ô và vệ sinh sạch sẽ. Ông Toan chia sẻ: Gia đình tôi hiện đang nuôi vỗ béo nhốt chuồng 25 con bò giống địa phương. Việc quan trọng nhất trong nuôi bò vỗ béo là tìm được nguồn con giống chất lượng như bò lai Pháp, Brahman có tầm vóc lớn, nuôi lớn nhanh và lượng thịt cũng nhiều. Để đảm bảo nguồn thức ăn, tôi đã cải tạo đất, trồng 1 ha cỏ voi và thu mua thêm cỏ của các hộ dân trong bản. Phát triển kinh tế theo mô hình này, gia đình thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Còn tại xã Phổng Lái, thời gian qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ chăn thả sang nuôi trâu, bò nhốt chuồng; mở rộng diện tích trồng cỏ, trồng ngô dày để lấy thức ăn. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, cách chăm sóc đàn vật nuôi, ủ chua thức ăn để dự trữ cho đàn gia súc; xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn.

Ông Sùng A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giúp người dân có vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế, chăn nuôi, hiện tổng dư nợ hơn 24 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã đã có trên 2.200 con trâu, bò.

Chị Nùng Thị Chăm, bản Bó Nhai, xã Phổng Lái, cho biết: Năm 2013, gia đình tôi vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm chuồng trại và nuôi bò thương phẩm. Đến nay, đàn bò thường xuyên duy trì từ 20-30 con. Mỗi năm thu nhập của gia đình gần 200 triệu đồng.

Để phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, huyện Thuận Châu đang tập trung quy hoạch, gắn với đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, hướng tới thị trường; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô và thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chăn nuôi.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/day-manh-phat-trien-chan-nuoi-dai-gia-suc-49195