Đẩy mạnh di chuyển xanh, thông minh trong đô thị

Các đơn vị cho rằng, các phương tiện như xe bus điện và xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy được hiệu quả trong hình thành lối sống xanh, di chuyển xanh, thông minh, góp phần giải tỏa áp lực đô thị.

Sáng 30/11, trong khuôn khổ Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 đã diễn ra hội thảo chuyên đề về Di chuyển thông minh.

Tại hội thảo, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã làm rõ những kết quả trong thực hiện thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, về hiệu quả bảo vệ môi trường, từ tháng 12/2021 tới thời điểm hiện tại là hơn 6 triệu km, tương đương giảm với 183 nghìn kg CO2/năm, tương đương lượng hấp thụ của 8.749 cây xanh.

Về kết nối giao thông công cộng, có 105 trạm được kết nối với các bến Metro, xe buýt, BRT với hơn 402 nghìn chuyến,chiếm tỉ trọng 32,9% chuyến đi xe đạp. Về du lịch, đã có hơn 84 nghìn người nước ngoài sử dụng, trải nghiệm với 156.103 chuyến tham quan.

Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã làm rõ những kết quả trong thực hiện thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đáng kể, 16.9% hoạt động sử dụng để đi làm - “đây là một kết quả rất khích lệ”, ông Đỗ Bá Dân cho biết.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam, xe đạp công cộng là hình tượng kết nối hàng đầu về giao thông công cộng; là phương thức tối ưu di chuyển kết hợp - kết nối hiệu quả với phương tiện cá nhân và vận tải công cộng. Để phát huy hiệu quả từ mô hình này, cần phát triển đồng bộ 10 mô hình di chuyển xanh, gồm các mạng lưới: Metro, xe buýt, xe đạp, xe Scooter điện, phố đi bộ, đường dành cho người đi bộ, bãi đỗ xe, lòng đường, vỉa hè đỗ xe, mạng lưới vỉa hè cho thuê, thu phí nội bộ, bến metro cho thuê xe máy điện công cộng.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng lưới Metro, bổ sung các trạm xe đạp, xe máy điện cho thuê tại các bến Metro.

Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg, đến năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km; dự kiến năm 2024, hoạt động 8 nhà ga tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, các ga ngầm năm 2027 hoạt động...

Ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH ADVANTECH Việt Nam Technologychia sẻ về hiệu quả vận hành xe bus điện thông minh.

Riêng về mạng lưới xe đạp công cộng, ông Đỗ Bá Dân cho biết, Công ty sẽ mở rộng số trạm xe, số xe phục vụ 6 quận đã triển khai; đồng thời mở rộng ra các quận như Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên; mở rộng trạm xe ở tất cả các bến xe buýt, Metro, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, khu du lịch, khu mua sắm, khu đông dân cư.

Đồng thời bổ sung thêm quy hoạch dịch vụ scooter điện công cộng bởi đây là phương tiện nhỏ, thuận tiện di chuyển trong những không gian hẹp, cơ động, có thể phục vụ nhiều chức năng... đồng thời, xây dựng các căn cứ pháp lý hỗ trợ triển khai dịch vụ mới.

Để đẩy mạnh di chuyển xanh, thông minh, ông Đỗ Bá Dân cho rằng, cần có quy định rõ và bổ sung các không gian đi bộ phục vụ người dân di chuyển, tiếp cận với các mô hình xanh khác bởi đi bộ là một phần không thể thiếu trước khi tiếp cận và sau khi sử dụng các mô hình di chuyển xanh khác; đồng thời quy hoạch rõ vị trí bãi đỗ xe, lòng đường, vỉa hè xe phục vụ nhu cầu đỗ xe cửa người dân.

Việc quy hoạch rõ các vị trí vỉa hè có thể cho thuê sẽ đảm bảo không làm ùn tắc giao thông, giữ được lối đi cho người đi bộ và xe đạp. Thành phố cũng cần nâng cấp, kiện toàn 5 hệ thống thu thập dữ liệu giao thông gồm: Hệ thống camera giao thông; hệ thống xử lý vi phạm an toàn giao thông bằng hình ảnh; hệ thống trạm thu phí ở các cửa ngõ vào nội đô; hệ thống dữ liệu định vụ GPS xe kinh doanh, xe buýt; hệ thống CityVision...

Người dân lựa chọn xe đạp công cộng để di chuyển.

Làm rõ hơn về lợi ích của phương tiện di chuyển thông minh, cũng tại hội thảo, ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH ADVANTECH Việt Nam Technology đã chia sẻ về hiệu quả vận hành xe bus điện thông minh. Ông Hậu cho biết, đô thị nói riêng và đô thị Hà Nội nói chung hiện đang chịu nhiều áp lực liên quan đến hạ tầng, giao thông, môi trường, đây là thách thức lớn cần giải quyết. Bên cạnh những vấn đề trên, các đô thị cũng có nhiều thuận lợi về công nghệ, đó chính là yếu tố quan trọng có thể tận dụng để xây dựng đô thị thông minh với nhiều tiện ích thông minh.

Với lợi thế của mình, trong thời gian qua, Công ty đã làm việc với tập đoàn Vingroup để vận hành hệ thống xe bus điện tại Việt Nam. Trong 3 năm vận hành, xe bus điện đã thể hiện được lợi ích, phục vụ 44 triệu hành trình di chuyển; giảm phát thải 23.000 tấn khí C02 tương đương với hơn 1 triệu cây xanh.

Hệ thống xe bus điện hiện nay được trang bị nhiều công nghệ bên trong gồm: Máy tính trung tâm; camera AI giám sát hành vi, hỗ trợ lái xe an toàn; hệ thống tự động thông báo qua GPS; hệ thống wifi; màn hình cung cấp giải trí… Theo kết quả khảo sát, đa số người dân đều hài lòng với dịch vụ và những trải nghiệm khi sử dụng xe bus điện.

Trong thời gian tới, ông Hậu cho rằng hệ thống xe bus điện vẫn sẽ là giải pháp góp phần giải tỏa áp lực cho giao thông đô thị. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ cần nỗ lực hơn nữa để phát triển mạng lưới, cập nhật những xu hướng công nghệ để khai thác hiệu quả mô hình giao thông này.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-di-chuyen-xanh-thong-minh-trong-do-thi-163365.html