Đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Thời gian qua, tình hình khô hạn diễn ra ở nhiều địa phương, dẫn đến các nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, miền Trung, Nam bộ và Tây Nguyên. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây cháy rừng liên tiếp xảy ra ở các tỉnh như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng... Cháy rừng liên tiếp xảy ra không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên rừng, mà còn đe dọa đến tính mạng và tải sản của người dân.

Cháy rừng không chỉ ảnh hưởng đến tài nguyên rừng mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và tính mạng người dân

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương (Bộ TNMT) và Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT), mùa khô năm 2017 tình hình thời tiết nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Những tháng đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng tăng cao hơn mức trung bình nhiều năm, dự báo tổng lượng mưa sẽ giảm và thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Vì thế, nhằm tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng Bộ NNPTNT đã gửi Công điện đến Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng với các nội dung chính như:

Chủ động thực hiện triển khai các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; các ngành liên quan thuộc tỉnh có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm bốn tại chỗ, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng…

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về cháy rừng; tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy theo quy hoạch, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn.

Kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương. Coi công tác Phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo các cấp…

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời...

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-manh-cong-tac-phong-chay-chua-chay-rung-49121.html