Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 27-5-2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, bởi lần đầu tiên chúng ta chính thức tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã góp phần bảo đảm an ninh, duy trì hòa bình thế giới, thể hiện rõ cam kết, đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam chung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Việt Nam là thành viên chính thức của Liên hợp quốc từ năm 1977, nhưng đến năm 2014, chúng ta bắt đầu cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về việc này ?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa quân đội ra khỏi biên giới, tính từ khi Quân đội ta giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng. Việc chúng ta giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng rõ ràng mang tính chính nghĩa và nhân đạo cao, nhưng cũng vấp phải những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch vu cáo ta. Vì thế, việc Việt Nam đưa quân tham gia các hoạt động bên ngoài lãnh thổ là rất nhạy cảm, cho nên chúng ta phải rất thận trọng. Các hoạt động mà chúng ta tham gia là những hoạt động quân sự đặc biệt và mang tính đặc thù, cao cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Việc tiếp cận, nghiên cứu cho đến quyết định tham gia là một quá trình dài nhưng thật sự là nhu cầu cần thiết. Chúng ta phải có những bước đi thận trọng và nghiên cứu tỉ mỉ để tránh những sai sót khi đưa lực lượng, trang bị và thậm chí là những trang bị vũ khí quân sự ra bên ngoài.

Khi chúng ta nghiên cứu để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình từ năm 2005 đến 2014, có rất nhiều vấn đề được nêu ra. Sau hai năm triển khai, chúng ta đã có thể khẳng định, chúng ta chỉ tham gia các hoạt động mang tính chính nghĩa, nhân đạo cao, chỉ cứu giúp những người dân khốn khổ ở Nam Xu-đăng, ở Cộng hòa Trung Phi hay ở các nước khác mà Liên hợp quốc đã có phái bộ. Việc đó chỉ nâng cao vị trí chính trị và hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Chúng ta không hề gặp phải nguy cơ mất an ninh, an toàn cho quốc gia.

PV: Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thể hiện Việt Nam luôn có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Theo đồng chí, đây có phải là cơ hội hợp tác quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam ?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Chúng ta khẳng định, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, không chỉ về ngoại giao, không chỉ về kinh tế mà chúng ta hội nhập cả về quốc phòng- an ninh, cả về chính trị. Lần đầu tiên Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng- An ninh là người ra quyết định cho phép lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đến tháng 5-2013, Bộ Chính trị đã phê duyệt Đề án tổng thể Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh, cũng đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án riêng của Quân đội. Đó là Đề án "Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014- 2020 và những năm tiếp theo".

Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có lợi ích to lớn về nhiều mặt. Đầu tiên là việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngày 27-5-2014, khi chúng ta thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đánh giá rất cao. Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: "Đây là một hình thức bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình, ngay từ thời bình". Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trong bài diễn văn nhậm chức đã nói: "Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng là việc chúng ta giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có ý nghĩa chính trị to lớn và đồng thời cũng tạo thời cơ thuận lợi để chúng ta thu hút sự ủng hộ song phương. Đến nay, chúng ta đã ký kết sáu thỏa thuận về hợp tác quốc phòng trên lĩnh vực gìn giữ hòa bình với sáu nước đối tác là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a. Điều này rất quan trọng. Bởi vì, thông qua hợp tác mà các nước bè bạn đã giúp đỡ ta rất nhiều trong các lĩnh vực đào tạo, đối ngoại quốc phòng, trao đổi kinh nghiệm. Họ cũng đều đánh giá rằng, mở rộng quan hệ quốc phòng với Việt Nam, đưa hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình trở thành một trong những mũi nhọn.

Việc cử quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc còn tạo điều kiện hội nhập trong một môi trường đa phương mà chúng ta vốn chưa quen. Các đồng chí tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình rất nhanh chóng trưởng thành về phong cách, tác phong công tác, nâng cao trình độ ngoại ngữ và cả khả năng phối hợp quốc tế. Đây là một kênh quan trọng để Việt Nam học hỏi được các kinh nghiệm về tác chiến, vận hành trang thiết bị, về kỹ thuật, chiến thuật; học hỏi được kinh nghiệm phối hợp, hiệp đồng tác chiến ở trên thực địa, trong môi trường đa quốc gia, cùng với các nước có lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây cũng là dịp để Việt Nam vận dụng các kinh nghiệm về chiến dịch, chiến thuật trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước trước đây vào nhiệm vụ mới, được Đảng và Quân đội giao cho.

Ngoài ra, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mở ra triển vọng hợp tác mới về kinh tế. Trung Quốc và Nhật Bản đã có những hoạt động kinh tế tại Nam Xu-đăng sau khi đưa lực lượng sang các Phái bộ ở các quốc gia này. Lãnh đạo các nước Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi cũng đề nghị nước ta có thể xem xét hợp tác về nông nghiệp, khai khoáng, bưu chính viễn thông trong tương lai.

PV: Tính đến nay, chúng ta đã cử 12 sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hoạt động của lực lượng này được đánh giá như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Qua hai năm, thực tế đã khẳng định, cán bộ của chúng ta có phẩm chất đạo đức tốt, nghiệp vụ quân sự cao, rất nhanh nhẹn, bền bỉ và khả năng hoạt động độc lập tốt. Có đồng chí của chúng ta đã được phân vào những vị trí quan trọng như sĩ quan tham mưu tổng hợp để báo cáo trực tiếp lên Cục Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và báo cáo lên lãnh đạo Liên hợp quốc. Có đồng chí đại úy được cử làm sĩ quan trang bị. Đồng chí này được Phái bộ trao quyền phê duyệt trang thiết bị cho các quốc gia để Liên hợp quốc bồi hoàn. Cán bộ sĩ quan của chúng ta tạo ra những tiền lệ chưa từng có trong các phái bộ. Đó là việc chúng ta bảo đảm tự cung tự cấp, tự trồng rau. Có đồng chí đi áp tải thuyền lương từ hai đến ba tuần liền trên sông, có khi bị một nhóm vũ trang muốn chặn thuyền cướp lương, nhưng cán bộ sĩ quan của Việt Nam đã linh hoạt giải quyết các mâu thuẫn một cách rất thông minh và hiệu quả, bảo đảm an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có đồng chí đã vận dụng được uy tín và thanh danh của Quân đội Việt Nam để thuyết phục các phe phái. Với cách thuyết phục ấy, chúng ta đã giải quyết được rất nhiều việc mà nhiều sĩ quan các nước khác gặp không ít khó khăn, thậm chí thất bại. Vì thế, Liên hợp quốc hiện đang rất tín nhiệm lực lượng của chúng ta. Trong buổi họp giữa Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5-2016 tại Nhật Bản, ông đã đề nghị Việt Nam cử thêm các suất cá nhân mà đặc biệt là các quân nhân nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trên thực tế, các lãnh đạo Liên hợp quốc, nhất là Chỉ huy Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi đánh giá cao trình độ, tính kỷ luật và khả năng sẵn sàng chiến đấu của sĩ quan Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chính quyền nước sở tại cũng đã hết lời ca ngợi sự đóng góp của Việt Nam.

PV: Được đánh giá là góp phần tích cực trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đồng chí có thể cho biết sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục thực thi công tác này như thế nào?

Đại tá Hoàng Kim Phụng: Dự kiến đến năm 2020, chúng ta triển khai 20-30 suất cá nhân làm các nhiệm vụ như: sĩ quan tham mưu, sĩ quan liên lạc, quan sát viên quân sự, trong đó có một số sĩ quan nữ. Việt Nam cũng sẽ triển khai ở cấp đơn vị, đó là một bệnh viện dã chiến quân số 70 người đang tập huấn tại Bệnh viện Quân y 175 và Đội công binh 268 người do Bộ Tư lệnh Công binh đang quản lý, sau đó sẽ chuyển cho Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chính phủ, mới đây, đã cấp nguồn kinh phí lớn và các cơ quan chức năng đang tiến hành mua sắm trang thiết bị để thành lập một bệnh viện dã chiến cấp hai nhằm sớm đưa vào hoạt động theo chương trình gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nhìn chung, hiện nay Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực để nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về tích cực mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đồng thời bảo đảm hiệu quả chiều sâu trong tham gia các hoạt động cụ thể tại thực địa, bên cạnh đó không ngừng phối hợp đào tạo, tập huấn về chuyên môn gìn giữ hòa bình theo chuẩn Liên hợp quốc và xây dựng Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam trở thành một trong số những cơ sở đào tạo, tập huấn, diễn tập, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên môn hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc tại khu vực cũng như trên thế giới về lĩnh vực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trung Hiếu

(thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/32027202-%c3%b0ay-manh-cong-tac-doi-ngoai-quoc-phong.html