Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất

Năm 2023 là một năm được đánh giá 'đầy ắp' những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế của các nước châu Âu gần như không có, trong khi đó, khu vực châu Á, tăng trưởng cao là Trung Quốc, khoảng 5%, các nước khác chỉ trên dưới 1%, hoặc 2-3%, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,05%, cao nhất thế giới.

Trong đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế với con số tăng trưởng ấn tượng 3,83%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nhân dịp cuối năm Quý Mão, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến về “bức tranh” toàn cảnh tươi sáng của nông nghiệp năm qua.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2023, bên cạnh những khó khăn chung, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với những thách thức riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất trong nước và xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại là “điểm sáng” của nền kinh tế. Ông có thể cho biết những thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm qua?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Năm 2023 là năm rất khó khăn đối với toàn thế giới, nền kinh tế đất nước và ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, toàn ngành còn phải hứng chịu những thách thức riêng, ảnh hưởng trực tiếp, như hạ tầng còn yếu kém, chế biến chưa sâu, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu. Tuy vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt được con số tăng trưởng tích cực 3,83%. Đây là tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục, kể từ năm 1989 khi nước ta xuất khẩu lô hàng gạo đầu tiên, năm 2023, lần đầu tiên xuất khẩu gạo vượt mốc 8 triệu tấn, với giá trị khoảng 4,78 tỷ USD, khẳng định vị thế hạt gạo Việt trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022); trong đó có 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Năm 2023 cũng là năm lần đầu tiên lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới thu về 1.200 tỷ đồng, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp.

Ngoài ra, năm 2023 cũng là lần đầu tiên ghi nhận kết quả Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, điều này mang lại những kỳ tích cho ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Chúng ta cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo; Festival bảo tồn và phát triển làng nghề; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai... Qua đó, giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông-lâm-thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt chúng ta đã phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Nhìn nhận từng lĩnh vực cụ thể, có thể thấy lúa gạo mặc dù giảm về diện tích nhưng tăng về sản lượng và năng suất, vẫn về đích 43,5 triệu tấn. Ngành chăn nuôi năm nay ghi nhận tăng trưởng 5,72% với nhiều con số tích cực từ thịt, trứng, sữa. Ngành thủy sản, trồng trọt cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ.

Phóng viên: Trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, để có được những kết quả trên, theo ông, có những yếu tố khách quan và chủ quan gì?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Theo tôi, trong điều kiện nền kinh tế cả nước năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức và riêng với ngành nông nghiệp, khó khăn, thách thức lớn nhất đó là tình hình giá cả vật tư đầu vào tăng cao, chi phí sản xuất lớn trong khi thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn đối mặt với việc các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật của các nước… Trước bối cảnh đó đòi hỏi toàn ngành NN&PTNT phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong định hướng mới về chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn để phù hợp, thích ứng với sự thay đổi đó.

Nhìn vào kết quả của một năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: Cần nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương.

Tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, hành động quyết liệt, sáng tạo, bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và bà con nông dân.

Bên cạnh đó, cần quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác phối hợp thông qua đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Lựa chọn những giải pháp đột phá để định hướng sản xuất, như mở cửa thị trường xuất khẩu, đồng thời coi trọng thị trường trong nước, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…

Đồng thời, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nông nghiệp, nông thôn, củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Phối hợp, đồng hành, tìm giải pháp kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch; nhất là kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng và lên sàn thương mại điện tử. Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội; thường xuyên quan tâm đời sống, an sinh của người dân. Chú trọng công tác truyền thông, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, xác thực cho các cơ quan báo chí, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội về nông nghiệp, nông thôn, nông dân…

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Phóng viên: Với những kết quả ngành nông nghiệp đã đạt được, chúng ta có kỳ vọng như thế nào về những triển vọng phát triển năm 2024 và điểm nhấn của năm tới sẽ là gì, thưa ông?

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ đánh giá lại những kết quả trên, từ nguyên nhân đến những tồn tại hạn chế để đưa ra các giải pháp phù hợp để năm 2024 tăng trưởng, năm 2025 về đích, đạt đúng mục tiêu của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XII về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%. Đây là tiềm năng lợi thế về rau quả, trong đó có những đóng góp tích cực của mặt hàng sầu riêng. Diện tích sầu riêng là 112 nghìn ha có thể cho thu hoạch khoảng 400 nghìn tấn. Nhưng chúng ta mới chỉ thu hoạch ở diện tích hơn 60 nghìn ha, phần còn lại đang thiết kế cơ bản năm tới sẽ được thu hoạch. Năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD, nếu thời gian tới ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được hoàn tất, giá trị sầu riêng sẽ tăng lên.

Ngoài ra, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, đó là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối, thống nhất kiểm dịch, khắc phục thủ tục hành chính và mã đóng gói thì sản lượng rau quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024.

Mặc dù vậy, dự báo trong năm 2024 nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2,0-2,2%; chăn nuôi là 4,0-5,0%; thủy sản là 3,7 - 4%.

Phóng viên: Để đạt được mục tiêu của năm 2024, ngành nông nghiệp đã có những kế hoạch và hành động cụ thể nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Để đạt được những mục tiêu đề ra, tới đây ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm. Thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông-lâm-thủy sản. Chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng...

Mục tiêu cụ thể của chúng tôi năm nay sẽ là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế.

Về thị trường, đối với thị trường Trung Quốc, các nghị định đã từng bước được ký kết, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn. Cụ thể, lợi thế về hạ tầng, có trao đổi hai chiều thuận lợi hơn, cắt giảm thủ tục hành chính để kiểm dịch thực vật được nhanh hơn và tốt hơn, chính xác hơn… Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng đang rất tiềm năng là dừa và yến tươi có cơ cấu thị trường với Trung Quốc rất lớn. Thời gian tới, chăn nuôi phải tăng đà tăng tốc, lâm nghiệp và các sản phẩm khác cũng đều phải phát huy đồng bộ. “Tất cả các dòng sông cùng chảy” thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đề ra với sản lượng và giá trị lớn hơn năm 2023.

Ngọc Yến (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/day-manh-co-cau-lai-nong-nghiep-de-dat-muc-tieu-tang-truong-cao-nhat-i720122/