Đẩy mạnh bảo vệ, phát triển nguồn gen

Thiên nhiên ưu đãi cho Vĩnh Phúc sự phong phú về các loài động vật, đa dạng các loài thực vật với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu, đặc biệt là nguồn gen thực vật, cây trồng. Cùng với đó công tác bảo tồn, khai thác ngày càng được chú trọng, thực hiện hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, nuôi trồng nấm dược liệu linh chi

Vĩnh Phúc nằm trong khu vực châu thổ đồng bằng sông Hồng. Do đặc điểm địa lý và quá trình phát triển lâu dài, nơi đây hình thành 3 vùng sinh thái rõ rệt: đồng bằng, trung du, miền núi.

Đặc điểm địa hình và khí hậu đa dạng làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao thể hiện ở sự phân hóa và độc đáo của các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước và các bậc phân loại, trong đó có bậc loài.

Khu hệ động, thực vật có trên 3.200 loài (thực vật, thú, chim, bò sát, lưỡng cư, động vật nổi và động vật đáy, côn trùng và nhện…). Trong đó số lượng loài quý hiếm bị đe dọa là 508 loài (thực vật 434 loài, động vật 74 loài).

Tính riêng vườn Quốc gia Tam Đảo đã có 904 cây có ích, thuộc 478 chi, 213 họ thuộc 3 ngành dương xỉ, hạt trần và hạt kín.

Trong các loài thực vật có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn như hoàng thảo Tam Đảo, trà hoa dài, trà hoa vàng, chùy hoa leo…; có 840 loài động vật, với 39 loài đặc hữu, 8 loài đang nguy cấp, 17 loài sẽ nguy cấp, 13 loài hiếm và 18 loài đang bị đe dọa.

Ngoài ra, sự đang dạng về nguồn gen giống cây, con bản địa đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương như su su Tam Đảo, dứa Hướng Đạo, gạo Long Trì. Nhiều cây dược liệu quý có thể phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe như trà hoa vàng, ba kích, hoàng đằng, hoa tiên, củ dòm…

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nguồn gen quý, hiếm của tỉnh có trong sách đỏ Việt Nam đang dần bị cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có chính sách đầu tư, bảo tồn thích đáng.

Thời gian qua, thông qua các dự án, nhiệm vụ khoa học, nhiệm vụ theo chức năng, việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen trên địa bàn tỉnh được một số cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện trên một số đối tượng nguồn gen động, thực vật (cây, con, vi sinh vật) được nghiên cứu bảo tồn hoặc được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận phát triển, bước đầu hình thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh hoặc lưu thông trên thị trường như cây nông nghiệp (dưa chuột nhắt Tam Dương, dứa Hướng Đạo, su su Tam Đảo, nho rừng Tam Đảo, bưởi diễn, lúa, đậu đỗ…); cây lâm nghiệp và dược liệu (trà hoa vàng Tam Đảo, ba kích, đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam, bạch đàn, keo tai tượng…); vi sinh vật: vi khuẩn lactobacillus, bacillus, xạ khuẩn streptomyces…

Một số nhiệm vụ khoa học điển hình, có giá trị bảo tồn các loài gen quý hiếm như: bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý hiếm trà hoa vạng đã thu thập được 14 loài trà hoa vàng có nhiều xuất xứ, trong đó có 1 loài kim hoa trà từ Trung Quốc và 1 loài trà cúc phương, với tổng cộng 270 cá thể bố mẹ.

Kết quả đã có hơn 30.000 cây trà hoa vàng thuộc 14 loài được trồng sinh trưởng, phát triển tốt trên diện tích 15 ha ở xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý bổ béo đen, vù hương và lá khôi… tại vườn Quốc gia Tam Đảo; bảo tồn và phát triển đàn ong mật, tạo ra được gần 1.900 đàn ong giống mới; bảo tồn và phát triển loài cá cóc Tam Đảo…

Song song với đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng, lâm sản ngày càng được coi trọng, góp phần ngăn chặn tình trạng chặt, phá rừng, buôn bán động vật hoang giã, tạo dựng môi trường sinh thái bền vững cho các giống, loài phát triển.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý, bảo tồn các nguồn gen trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, nhiều hệ sinh thái bị suy giảm; việc khai thác, đánh bắt tự nhiên các nguồn gen còn chưa được kiểm soát tốt; công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa và vai trò đối với công tác bảo tồn quỹ gen chưa được coi trọng đúng mức và thường xuyên.

Thực trạng trên là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội làm thu hẹp nơi cư trú của các giống, loài; do nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn quỹ gen, đặc biệt các nguồn gen quý hiếm còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc nhận dạng chưa đúng đối tượng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tình trạng buôn bán trái phép động vật, thực vật quý hiếm, dẫn đến một số nguồn gen có nguy cơ bị tuyệt chủng; ô nhiễm chất thải từ cá hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ảnh hưởng đến môi trường sống của các giống loài và do việc xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai xâm nhập….

Để đẩy mạnh công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn gen có giá trị, giai đoạn 2021-2025, đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, tập trung bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen các giống cây trồng, thủy sản bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu.

Trong đó phải điều tra, đánh giá tư liệu hóa 4 nguồn gen thủy sản quý, có giá trị kinh tế hoặc có nguy cơ tuyệt chủng và danh mục bảo tồn; các loại cây lim xanh, 3000 cây giống lát hoa, gù hương được bảo tồn; trên 70 loài cây dược liệu bản địa, 7 giống lan quý hiếm, 5 giống nấm ăn, nấm dược liệu được bảo tồn, phát triển.

Tiếp tục điều tra, xác định được các nguồn gen mới, quý hiếm, nguy cấp để đề xuất đưa vào danh mục cần bảo tồn; thu thập, lưu giữ nguồn gen mới của cây, cây lấy gỗ, cây dược liệu, hoa, thủy sản; tư liệu hóa nguồn gen dưới các hình thức: phiếu điều tra, phiếu mô tỏ, đánh giá, tiêu bản, hình vẽ, bản đồ phân bố, ảnh, ấn phẩm thông tin, cơ sở dữ liệu.

Lựa chọn, xác định các loại cây, con cần phải bảo tồn và hình thức bảo tồn theo đặc điểm sinh học của từng đối tượng theo cách nhân giống tại các trung tâm, trạm, trại… để hạn chế nguy cơ tuyệt chủng.

Xác định các giải pháp khoa học, kỹ thuật để khai thác, phát triển một số loài cây quý hiếm, có giá trị khoa học, phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Bài, ảnh: Khánh Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74344/day-manh-bao-ve-phat-trien-nguon-gen.html