Đẩy lùi tín dụng đen: Cần một khuôn khổ xử lý nợ xấu chặt chẽ

IFC cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu để giúp Việt Nam cải thiện khung pháp lý trong xử lý nợ xấu, xây dựng một khuôn khổ thể chế chặt chẽ, mạnh mẽ và thiết thực, dựa trên các nguyên tắc thị trường.

Chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh và hiệu quả của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ” ngày 16/4 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ban Sáng lập Hiệp hội kinh doanh Mua bán nợ tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định, cho vay tiêu dùng luôn được đánh giá là một lĩnh vực “nóng” và việc xử lý nợ xấu tại các công ty tài chính luôn là vấn đề cần được quan tâm.

Nợ xấu tại các công ty tài chính, vẫn ở mức "đáng báo động"

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của 15 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động vào khoảng 138.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống.

Bên cạnh dòng tín dụng tiêu dùng từ các ngân hàng và công ty tài chính, vẫn còn tình trạng người dân tiếp cận tới tín dụng đen. Dù các cơ quan quản lý đã vào cuộc quyết liệt, triệt phá nhiều đường dây tín dụng đen, nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ triệt để.

Ngoài ra, thời gian qua, các loại hình cho vay qua app với điều kiện cho vay lỏng lẻo, thủ tục đơn giản nhanh gọn, dễ tiếp cận, cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp… đã bùng phát, thu hút người dân vay qua các app mà không cần đến ngân hàng.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% cuối năm 2023 đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.

"Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng khó khăn," ông Nguyễn Quốc Hùng từ VNBA nói.

Trong khi đó, các công ty tài chính cũng đau đầu về hiện trạng khó thu hồi nợ do khách hàng chây ỳ không trả, thậm chí có hiện tượng khách hàng lập các hội nhóm trên mạng xã hội chia sẻ về cách thức trốn nợ, đại diện VNBA chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Đồng tình với chia sẻ của lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Lê Quốc Ninh - Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mc Credit) cho biết, mặc dù đã rà soát rất kỹ nhưng vẫn có nhiều trường hợp lách qua lỗ hổng hệ thống để 'bùng nợ'.

Ông Ninh phàn nàn rằng điều này gây ảnh hưởng xấu đến tín dụng cho vay tiêu dùng.

"Bản thân Mc Credit cũng đã phải trả những 'bài học' tương tự. Do đó, với khâu cho vay, Mc Credit sẽ phải kiểm duyệt kỹ càng hơn trong việc đánh giá khách hàng. Đối với những khách hàng đã vay, chúng tôi cũng liên tục rà soát có quá trình trao đổi, hướng dẫn khách hàng trong trường hợp họ thực sự khó khăn để giảm điều kiện trả nợ thông qua chủ trương của Ngân hàng Nhà nước," ông Ninh chia sẻ với Mekong ASEAN.

Ông Lê Quốc Ninh - Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mc Credit), đại diện Câu lạc bộ các công ty tài chính. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN.

Xây dựng thị trường ngăn chặn nợ xấu chặt chẽ

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng cũng như ngân hàng cần nâng cao chất lượng nợ và tiến tới xử lý tốt nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội vấn nạn người vay vốn bùng nợ hay bày cách không trả nợ ngân hàng.

Hiệp hội Ngân hàng đã kiến nghị các cơ quan chức năng gỡ bỏ các trang mạng nói trên nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện, vẫn có nhiều đối tượng vay cố tình không trả nợ.

Nhìn vào điểm chốt của vấn đề, ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam cho rằng, các bên liên quan cũng như cơ quan chức năng cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một khuôn khổ thể chế chặt chẽ, mạnh mẽ và thiết thực, dựa trên các nguyên tắc thị trường.

Đại diện IFC cho rằng, việc phát triển các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, hình thành một thị trường đẩy lùi nợ xấu hiệu quả đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý nợ xấu tiêu dùng.

Đại diện IFC Việt Nam tại hội thảo sáng 16/4. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN.

IFC sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu của mình để giúp Việt Nam cải thiện khung pháp lý trong xử lý nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thu hồi nợ, cũng như xây dựng một thị trường thu hồi nợ xấu, tạo điều kiện cho các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp có năng lực, có uy tín phát triển, ông Darryl Dong nói.

Điều này sẽ thu hút thêm đầu tư của khu vực tư nhân và hỗ trợ một hệ thống tài chính lành mạnh và có khả năng chống chịu tốt tại Việt Nam.

"Vấn đề này không hề dễ dàng nhưng tôi tin tưởng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và các thành viên thị trường sẽ giúp xử lý và ngăn chặn đà tăng của nợ xấu cho vay doanh nghiệp lẫn cho vay tiêu dùng," ông Darryl Dong chia sẻ.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/day-lui-tin-dung-den-can-mot-khuon-kho-xu-ly-no-xau-chat-che-post33747.html