Đây là 6 việc quan trọng mà chị em nào cũng phải làm được để giảm nguy cơ vô sinh

Những lời khuyên cơ bản nhưng vô cùng hữu ích dưới đây sẽ giúp chị em bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình tốt nhất.

1. Cảnh giác với những dấu hiệu bất thường ở "vùng kín"

Khi gặp vấn đề không ổn, "vùng kín" sẽ có những biểu hiện ra ngoài, rõ nhất là sự bất thường của dịch âm đạo. Trong trường hợp này, chị em cần lưu ý để đi khám kịp thời, tránh để bệnh nặng hơn.

Tính chất khác thường của dịch âm đạo là một dấu hiệu cho thấy một số loại nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu có các triệu chứng khác liên quan như dịch âm đạo có màu trắng như bột, ngứa ngáy, hôi, đau rát... thì thì có thể bạn đã bị viêm âm đạo do nấm hay phối hợp với trùng roi. Nếu dịch âm đạo có màu xanh hơi vàng và mùi hôi kèm đau bụng dưới nữa thì cần đi khám ngay vì có thể do nhiễm khuẩn cấp ở tử cung.

Những bệnh phụ khoa này có đặc điểm là dễ tái phát. Tuy nhiên, mỗi lần tái phát, bệnh có thể phát triển theo một hướng khác. Vì vậy, nếu bệnh tái phát, chị em cần đi khám chứ không được chủ quan và dùng lại đơn thuốc cũ, nếu không có thể dẫn đến dùng thuốc không đúng bệnh và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

2. Có quan hệ tình dục an toàn

Thực hành tình dục an toàn không chỉ là để tránh mang thai ngoài ý muốn mà quan trọng hơn còn là bảo vệ cả hai khỏi những bệnh lây truyền qua đường tình dục - một trong những yếu tố làm giảm cơ hội thụ thai .

Theo Trung tâm Quản lý và Phòng chống dịch bệnh của Mỹ, phụ nữ có nguy cơ lây mắc các nhiễm trùng qua đường tình dục cao và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn so với nam giới.

Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, chlamydia và bệnh lậu, nếu không được điều trị sẽ tăng nguy cơ đau vùng chậu mãn tính và thai ngoài tử cung đe dọa tính mạng của người mẹ. Chlamydia và bệnh lậu cũng có thể gây ra vô sinh. Người mẹ đang mang thai mắc những bệnh này cũng có thể tăng nguy cơ tử vong cho thai nhi trong bụng.

Ngoài bao cao su, không biện pháp tránh thai nào có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy, hãy nói chuyện với nhau về tình trạng sức khỏe, lịch sử tình dục của cả hai trước khi "quan hệ" để có cách phòng bệnh tốt nhất. Bên cạnh đó, nên chung thủy với 1 bạn tình cũng là điều quan trọng đảm bảo sức khỏe và an toàn tình dục cho bạn.

3. Ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý, giữ vệ sinh sạch sẽ

Ăn uống lành mạnh để các cơ quan trong cơ thể khỏe mạnh, bao gồm cả cơ quan sinh sản, đặc biệt là buồng trứng. Buồng trứng khỏe mạnh mới có thể giữ cân bằng hormone, trứng phát triển và có chất lượng tốt. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ là hạn chế các thực phẩm chứa quá nhiều dầu mỡ, hóa chất, đồng thời tăng cường ăn các loại giàu củ quả, thực phẩm giàu chất xơ, giàu vitamin, khoáng chất...

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Đan Mạch được công bố trên tạp chí Fertility and Sterility của Hội Y học Sinh sản Mỹ, chị em nên dành 30 phút để vận động mỗi ngày để tăng khả năng thụ thai. Những hình thức vận động phù hợp sức khỏe như đi bộ, tập aerobic mỗi ngày được các nhà khoa học khuyến khích nhiều hơn và cần tránh tập luyện quá sức có thể dẫn đến rối loạn các chức năng cơ thể.

Vệ sinh "vùng kín" sạch sẽ là cách đơn giản nhất để phòng ngừa các viêm nhiễm ở bộ phận này. Khi vệ sinh "vùng kín", tránh thụt rửa hoặc làm từ sau ra trước và nên vệ sinh bằng nước sạch, nhất là trong những thời điểm có nguy cơ viêm nhiễm cao như trong ngày "đèn đỏ" hoặc khi có quan hệ tình dục. Nếu dùng dung dịch vệ sinh để rửa thì nên dùng loại dịu nhẹ để không làm ảnh hưởng đến độ pH của "vùng kín". Ngoài ra, chị em cần mặc quần áo thoáng khí, tránh "ngồi lì" ở văn phòng mà nên vận động để hoạt động lưu thông trong cơ thể diễn ra tốt hơn.

4. Tránh stress, căng thẳng

Mặc dù nhiều nhà khoa học cho rằn không có mối liên hệ rõ ràng giữa trạng thái stress, căng thẳng với tỉ lệ vô sinh nhưng không ít chuyên gia sức khỏe lại có suy nghĩ khác. Bác sĩ Allen Morgan, giám đốc Viện nghiên cứu về sinh sản Shore tại Lakewood, Mỹ cho rằng: Khi stress, căng thẳng, cơ thể sản sinh ra các hormone là cortisol hoặc epinephrine - các hormone liên quan đến nội tiết. Không những thế, bác sĩ Morgan còn cho rằng tâm trạng căng thẳng ảnh hưởng đến lượng protein trong nội mạc tử cung (làm giảm lượng protein), đồng thời hạn chế lưu lượng máu đến tử cung nên giảm khả năng thụ thai thành công.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Emory, Atlanta, Georgia cũng đã tiến hành nghiên cứu và thừa nhận rằng giảm stress có thể làm tăng cơ hội thụ thai của người phụ nữ. Kết luận này được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội châu Âu về Nhân Sinh sản và Phôi học ở Prague.

Do vậy, giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng là vô cùng cần thiết đối với mọi chị em, nhất là những người có kế hoạch chuẩn bị sinh con. Hãy dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để luyện tập yoga, thư giản sẽ khiến bạn tăng cường sức khỏe và tăng khả năng thụ thai.

5. Lựa chọn biện pháp tránh thai thích hợp

Có một số phương pháp an toàn và hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn. Chúng bao gồm các biện pháp tránh thai trong tử cung (màng ngăn âm đạo), phương pháp nội tiết tố (thuốc uống, que cấy, thuốc tiêm), bao cao su và ngừa thai vĩnh viễn (triệt sản ở nam giới)...

Sử dụng các phương pháp ngừa thai hiệu quả có thể làm giảm đáng kể khả năng có thai ngoài ý muốn. Chuyên khoa Sức khỏe sinh sản của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) đã tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học quan trọng về sự an toàn và hiệu quả của các biện pháp tránh thai. Bất kì biện pháp tránh thai nào cũng có tác dụng phụ và có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục, tâm trạng, cân nặng của người dùng. Những tác dụng phụ này nếu diễn ra về lâu dài có thể sẽ ảnh tác động không nhỏ tới sức khỏe của chị em, chẳng hạn như làm rối loạn nội tiết , gây viêm nhiễm...

Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ về sức khỏe của mình để chọn được biện pháp phù hợp nhất.

6. Đi khám phụ khoa định kì

Khám phụ khoa định kỳ là một việc cần thiết để phụ nữ bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của chính mình. Nếu được thăm khám định kỳ, bệnh nhân và bác sỹ sẽ chủ động việc phát hiện bệnh, nhờ đó việc điều trị sẽ dễ dàng và không bị tốn kém.

Các bác sĩ sản khoa khuyên chị em nên đi khám phụ khoa ít nhất 1 lần/năm bắt đầu từ độ tuổi 21 hoặc sớm hơn nếu đã có quan hệ tình dục trước tuổi này. Đối với những chị em có tiền sử mắc bệnh phụ khoa thì nên đi khám 6 tháng/lần. Thông thường, các thủ tục khám phụ khoa bao gồm cả soi tươi, siêu ấm, soi cổ tử cung, kiểm tra tế bào âm đạo (pap smear)... Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định cần và không cần thực hiện những xét nghiệm hay kiếm tra nào.

Mặc dù các thủ tục khám phụ khoa có thể khiến chị em cảm thấy một chút khó chịu nhưng lại rất quan trọng đối với sức khỏe tình dục và sinh sản nên chị em không được bỏ qua. Khám phụ khoa định kì sẽ giúp phát hiện sớm những bệnh phụ khoa hoặc viêm nhiễm có nguy cơ đe dọa khả năng sinh sản của người phụ nữ nếu không được điều trị sớm.

Hơn nữa, thăm khám phụ khoa, chị em còn được trao đổi trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề liên quan để có được khả năng thụ thai cao nhất.

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/day-la-6-viec-quan-trong-ma-chi-em-nao-cung-phai-lam-duoc-de-giam-nguy-co-vo-sinh-20160711030022706.chn