Dạy con, cần có sự phối hợp

Một điều dễ dàng thấy được là trong gia đình người cha thường ít quan tâm theo sát việc học của con bằng mẹ. Nguyên nhân bởi vì người đàn ông thường xem trọng việc ngoại giao bên ngoài mà ít theo sát những công việc trong nhà, họ quan niệm rằng những việc nhà cửa, con cái là trách nhiệm của người phụ nữ.

Chính vì công việc làm ăn quá bận rộn nên đàn ông thường dành ít thời gian để lo cho gia đình, mải lo công việc, bạn bè, chu toàn các mối quan hệ bên ngoài xã hội. Hơn thế nữa, nhiều người đàn ông cảm thấy khó lòng cởi mở, tâm sự được với con vì từ nhỏ họ đã dành ít thời gian cho con, ít lắng nghe con nên khi con cái càng lớn khoảng cách giữa cha và con càng dần xa, chỉ có người mẹ chăm sóc, gần gũi với con từ nhỏ nên việc tâm sự với con dễ dàng hơn. Vậy là trách nhiệm dạy dỗ con, theo dõi việc học hành của con cái mặc nhiên trở thành nhiệm vụ của người mẹ. Có phải vì lý do này mà cha ông ta mới cho rằng “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” hay không và trong gia đình việc cha giáo dục con cái là tốt hay mẹ giáo dục con cái là tốt?

“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” có phải là quan niệm đúng?

Người bà và người mẹ là hai người gần gũi, yêu thương chăm sóc trẻ từ nhỏ nên có sự ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Chính vì thế chúng ta hay thấy khi trẻ khóc thường gọi bà, gọi mẹ chứ ít khi gọi cha. Vì vậy việc giáo dục, dạy bảo của bà, của mẹ đối với trẻ là hết sức quan trọng. Người mẹ chăm sóc, dạy bảo con đúng cách từ nhỏ sẽ giúp con hình thành những thói quen tốt, suy nghĩ tích cực, tính tự giác… Ngoài ra mối quan hệ thân thiết giữa mẹ và con giúp cho việc giáo dục con cái dễ dàng hơn. Mẹ là người hiểu tính cách con mình nhất. Những khi con gặp thất bại, được mẹ an ủi động viên thì đó sẽ là nguồn sức mạnh tinh thần lớn nhất cho con. Hay ở giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, có mẹ chỉ bảo, hướng dẫn, tâm sự… con cái sẽ cảm thấy mình không cô đơn, bớt lo lắng và tự tin vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý này. Ngược lại, nếu mẹ có thái độ chưa đúng với con, hay quát nạt, trách phạt… thì trẻ sẽ dần thu mình lại, không dám tâm sự với mẹ và khi gặp khó khăn thường hay tìm sự trợ giúp từ bạn bè, người ngoài. Như vậy trẻ sẽ dễ nghe theo những lời xúi giục không tốt từ bạn bè, làm những việc bốc đồng có thể gây ra hậu quả mà bản thân trẻ chưa ý thức được điều đó.

Mặc dù việc giáo dục dạy dỗ từ bà, từ mẹ quan trọng như vậy nhưng phụ nữ thì có điểm yếu là sống tình cảm, thường giải quyết mọi việc bằng tình cảm. Đối với con cháu, họ càng yêu thương vô điều kiện, luôn hy sinh cho con, cho cháu. Nhiều khi họ nuông chiều trẻ một cách thái quá, điều đó sẽ dẫn đến tâm lý ích kỷ, ỉ lại ở trẻ. Khi gặp khó khăn, thay vì tìm cách giải quyết thì trẻ sẽ chạy ùa về méc bà, méc mẹ để được bênh vực, được giải quyết giùm. Cứ thế lâu ngày trẻ càng trở nên hống hách, ỉ lại hơn. Vậy thì nói “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” quả thật không sai.

Tuy nhiên, ngày nay các bà mẹ trẻ với tư tưởng tiến bộ, họ mong muốn con mình phát triển toàn diện nên đã bỏ công sức nghiên cứu nhiều phương pháp nuôi dạy con cái của các nước khác trên thế giới và lựa chọn cách giáo dục con từ khi mới mang thai. Có người mẹ kiên trì tập cho con tự ăn, tự chơi… tuân thủ phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, cũng có người rèn con vào nề nếp khuôn khổ từ khi mới sinh, ăn giờ nào, ngủ giờ nào, chơi giờ nào… Hơn thế nữa, để con phát triển toàn diện, người mẹ thời đại mới còn cho con tham gia các lớp học kỹ năng, năng khiếu từ rất sớm. Chính nhờ sự đầu tư giáo dục của mẹ mà trẻ em ngày nay lanh lợi, thông minh, có nhiều trẻ tuổi còn nhỏ mà đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Như vậy thì quan niệm “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” có lẽ cũng không còn phù hợp lắm với thời đại ngày nay.

Vậy trong gia đình, sự giáo dục từ cha có vai trò gì?

Gia đình được tạo dựng lên bởi cả cha và mẹ. Cách sống, cách đối nhân xử thế của cả cha và mẹ đều ảnh hưởng đến con. Mẹ là người thân thiết, gần gũi, dễ bảo ban con, nhưng vai trò của người cha cũng hết sức quan trọng. Việc giáo dục con theo lý tính và sự nghiêm khắc của người cha sẽ giúp trẻ phát triển khả năng tự lập, tuân thủ quy tắc. Mẹ cho con tình yêu, cha cho con sự mạnh mẽ. Nhất là những gia đình có con trai thì việc giáo dục của người cha càng quan trọng hơn nữa. Nếu không có cha giáo dục, con trai sẽ trở nên dịu dàng, nữ tính, ảnh hưởng của mẹ. Nhất là những tâm sự “đàn ông” với nhau thì chỉ có ba mới có thể hướng dẫn cho con trai được.

Như vậy, trong gia đình, việc giáo dục cần có sự phối hợp của cả mẹ và cha. Giáo dục con chưa bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi một quá trình kiên trì, nỗ lực, nhẫn nại. Làm cha mẹ chưa bao giờ là dễ, thế nên chỉ khi nào ta ý thức được đầy đủ trách nhiệm của người cha thì mới mong giáo dục con thành công.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/day-con-can-co-su-phoi-hop-117336.html