Dạy con cách đối phó với kẻ bắt nạt

Theo các chuyên gia, có rất nhiều điều cha mẹ có thể làm để giúp trẻ chống lại những kẻ bắt nạt ở trường cũng như các nơi khác.

Có những kỹ thuật tự vệ mà trẻ có thể sử dụng để bảo vệ bản thân nếu bị tấn công.

Bằng cách chuẩn bị trước, cha mẹ sẽ trang bị cho con mình những kỹ năng để đối phó hiệu quả với kẻ bắt nạt. Quan trọng hơn, phụ huynh sẽ giúp trẻ có được sự tự tin và sức mạnh nội tâm. Đây là hai tài sản sẽ đồng hành và mang lại nhiều lợi ích cho trẻ đến hết cuộc đời.

Ngoài ra, khi hầu hết mọi người nghĩ đến việc tự vệ, họ nghĩ đến việc đánh trả hoặc sử dụng một loại vũ lực khác để bảo vệ bản thân.

Song, theo nghĩa rộng hơn, tự vệ bao gồm việc chủ động ngăn chặn các vấn đề trước khi chúng xảy ra. Nó cũng liên quan đến việc sử dụng sự quyết đoán để đáp lại những nỗ lực đe dọa của kẻ bắt nạt. Do đó, cha mẹ cần thảo luận về các chiến lược tự vệ này với con, để giúp trẻ tránh khỏi hành vi bắt nạt.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Những đứa trẻ cúi người và tránh ánh mắt của người khác có thể tỏ ra yếu đuối và dễ bị nhắm đến. Thật đáng tiếc, nhưng sự thật là những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của kẻ bắt nạt.

Việc giúp con học cách thể hiện sự tự tin bằng ngôn ngữ cơ thể được coi là một trong những chiến lược rất hữu ích.

Bước đi tự tin là một kỹ thuật đơn giản mang lại năng lượng tích cực và quyết đoán. Trẻ nên bước đi trong khi mở vai về phía sau và mắt nhìn lên (không phải xuống mặt đất).

Trong khi đó, giao tiếp bằng mắt một cách trung lập (không hung hăng) với những người xung quanh thể hiện khả năng lãnh đạo và sự tự tin.

Trẻ cũng cần mỉm cười với người khác để tạo ra cảm giác kết nối cũng như nâng cao lòng tự trọng. Cách làm này cũng giúp tránh khỏi sự cô lập xã hội, có thể góp phần gây ra tình trạng bắt nạt.

Cha mẹ nên dạy trẻ nói chuyện bằng giọng trung lập, bình tĩnh với kẻ bắt nạt. Bởi, cách làm này thường rất hiệu quả. Trẻ không cần phải đáp lại bất kỳ lời nhận xét không tử tế nào. Thay vào đó, trẻ chỉ có thể nói “Xin lỗi” hoặc “Tôi đang trên đường đến lớp, nói chuyện với bạn sau”. Trẻ cũng có thể chỉ cần giao tiếp bằng mắt và phớt lờ bất cứ điều gì kẻ bắt nạt nói.

Phụ huynh cũng hãy nhắc nhở con mình rằng, ngay cả khi cảm thấy tự ti, chẳng hạn như lúc bước vào một phòng ăn trưa đông người lần đầu tiên, trẻ vẫn nên bước đi một cách tự tin. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể quyết đoán ngay cả trước khi cảm xúc bên trong phù hợp với hành vi bên ngoài, trẻ có thể học cách thể hiện sự tự tin.

Những kỹ năng này cần có thời gian và sự luyện tập, nhưng trẻ sẽ thấy được kết quả nếu tiếp tục làm việc đó. Chúng không chỉ giúp trẻ đối phó với kẻ bắt nạt ở trường, mà còn hữu ích trong việc nói trước đám đông, phỏng vấn xin việc và gặp gỡ những người mới.

Đi cùng một nhóm

Những kẻ bắt nạt ít có khả năng nhắm vào người đi cùng một nhóm bạn. Phụ huynh hãy chắc chắn rằng, con mình biết về việc nên gắn bó với một hoặc nhiều người bạn khi có thể. Điều này đặc biệt đúng khi các em ở những khu vực trong trường được biết đến là “điểm nóng” bắt nạt, chẳng hạn như căng-tin, sân chơi, xe buýt, phòng tắm và phòng thay đồ.

Nếu con không có một nhóm bạn, phụ huynh hãy giúp chúng phát triển tình bạn. Ngay cả một người bạn thân cũng có thể góp phần ngăn chặn hành vi bắt nạt.

Nếu trẻ rơi vào tình huống có khả năng bị bắt nạt, việc sử dụng giọng nói tự tin và quyết đoán có thể giúp xoa dịu tình hình.

Tin tưởng vào trực giác

Cha mẹ cũng cần dạy con nhận thức được môi trường xung quanh. Mặc dù không muốn chúng sống trong sợ hãi, nhưng điều cần thiết là phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ cảnh giác nếu con ở đâu đó có khả năng gặp phải kẻ bắt nạt.

Nếu có điều gì đó không ổn, trẻ nên tin vào bản năng của mình và rời khỏi khu vực đó. Nếu điều đó là không thể thì đã đến lúc sử dụng các kỹ năng khác như ngôn ngữ cơ thể tự tin, giọng nói quyết đoán và nói chuyện với người khác.

Nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh cũng có thể giúp con tránh bị cướp bóc hoặc tấn công khi trưởng thành.

Tập trung vào an toàn

Đôi lúc, trẻ không nhận ra rằng, khi mọi thứ có vẻ như đi sai hướng, chúng nên quay lại và bỏ đi. Phụ huynh hãy trấn an con rằng, việc bỏ đi không phải là hèn nhát. Thay vào đó, hãy nhắc nhở trẻ rằng, cần có can đảm để rời khỏi tình huống đang căng thẳng trước khi mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát. Xác định khi nào tình huống sắp trở nên tồi tệ hơn và bỏ đi là một trong những cách tốt nhất để tránh bị bắt nạt.

Bỏ đi thay vì chống trả luôn là chiến lược tốt nhất khi đối mặt với kẻ bắt nạt. Đánh nhau có thể nhanh chóng dẫn đến bạo lực và thương tích. Thay vào đó, trẻ nên bỏ đi và nói cho người lớn biết chuyện gì đang xảy ra.

Trong những tình huống nguy hiểm, trẻ có thể tâm sự với huấn luyện viên, phụ huynh, cố vấn trường học, hiệu trưởng hoặc giáo viên.

Sử dụng giọng nói quyết đoán

Nếu trẻ rơi vào tình huống có khả năng bị bắt nạt, việc sử dụng giọng nói tự tin và quyết đoán có thể giúp xoa dịu tình hình. Nhiều khi, những kẻ bắt nạt đang tìm kiếm một mục tiêu dễ dàng. Giống như ngôn ngữ cơ thể, giọng nói mạnh mẽ, tự tin có thể khiến kẻ bắt nạt phải lùi bước.

Hãy cho trẻ tập nói một cách quyết đoán ở nhà. Khi trẻ gặp tình huống khó khăn, điều đó sẽ diễn ra dễ dàng hơn.

Bỏ đi thay vì chống trả luôn là chiến lược tốt nhất khi đối mặt với kẻ bắt nạt.

Thu hút sự chú ý

Phụ huynh hãy chắc chắn rằng, con mình biết, việc gây ồn ào không chỉ là chấp nhận được mà còn được khuyến khích nếu ai đó đe dọa hoặc làm tổn thương trẻ về mặt thể chất.

Ngoài việc sử dụng giọng nói mạnh mẽ, trẻ còn có thể la hét hoặc lớn tiếng. Mục đích là để xua đuổi kẻ bắt nạt bằng cách thu hút sự chú ý đến tình huống đó, đặc biệt là từ người lớn hoặc giáo viên. Chiến thuật này cũng rất quan trọng nếu trẻ bị người lạ tấn công do có ý định bắt cóc.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là mỗi tình huống bắt nạt đều khác nhau. Nếu con không bị kẻ bắt nạt làm tổn hại về thể chất và có thể thoát khỏi tình huống đó một cách an toàn, thì bỏ chạy là lựa chọn tốt nhất. Bởi, việc la hét có thể khiến sự căng thẳng leo thang hơn nữa.

Tham gia lớp học tự vệ

Các phụ huynh có thể cân nhắc việc đăng ký cho con mình tham gia một lớp học tự vệ. Một trong những lựa chọn phổ biến nhất cho trẻ em là taekwondo. Mặc dù thường được coi là một trong nhiều môn võ thuật,

taekwondo ban đầu được phát triển như một cách để tự vệ. Hiệp hội Taekwondo Mỹ cũng đưa ra một số lựa chọn dành riêng cho trẻ em. Taekwondo và các môn võ thuật khác cũng dạy trẻ sự tự tin và tự chủ. Nhiều khi, ngăn chặn kẻ bắt nạt liên quan đến việc biết cách ứng phó với một tình huống một cách bình tĩnh và tự tin trước khi để nó chuyển sang bắt nạt thể chất.

Sử dụng kỹ thuật tự vệ

Mặc dù việc khuyến khích trẻ đánh nhau không bao giờ là một ý kiến hay, nhưng vẫn có những kỹ thuật tự vệ mà chúng có thể sử dụng để bảo vệ bản thân nếu bị tấn công.

Ví dụ, trẻ có thể học cách chặn một cú đấm hoặc nới lỏng ngón tay của kẻ bắt nạt khỏi cổ tay mình, cũng như biết cách thoát ra trong trường hợp bị khống chế.

Cha mẹ cũng có thể hỏi trường học của con mình về chính sách tự vệ. Một số trường học có chính sách không khoan nhượng và sẽ đình chỉ học tập cả kẻ bắt nạt lẫn nạn nhân trong trường hợp bạo lực thể chất xảy ra. Hãy chắc chắn rằng, phụ huynh nắm rõ hậu quả có thể xảy ra nếu con mình sử dụng các kỹ thuật tự vệ.

Bởi vì bắt nạt có thể có tác động lâu dài đến những năm trưởng thành, điều quan trọng là phải thảo luận với con mình về cách tránh tình huống đó trước khi nó xảy ra, hoặc cách giải quyết nếu không thể tránh được. Mặc dù không thể luôn trông chừng con mình, nhưng cha mẹ có thể trang bị cho trẻ những kỹ năng để ứng phó với hành vi bắt nạt.

Trong quá trình này, cha mẹ cũng sẽ cung cấp cho con mình những công cụ hữu ích khi chúng lớn lên để trở thành một người độc lập. Bằng cách chỉ cho con mình cách đối phó với những kẻ bắt nạt ở mọi lứa tuổi, trẻ sẽ được trang bị tốt để xử lý hiệu quả mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống.

Theo Very well family

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-con-cach-doi-pho-voi-ke-bat-nat-post675750.html