Đầu xuân về thăm nhà văn Lê Lựu

(LĐ) - Đầu xuân năm nay, ngoài gia đình, người đầu tiên tôi đến chúc tết, như thường lệ, là anh Hữu Tính (nguyên Trưởng cơ quan thường trú miền Nam của Báo Lao Động) - một nhà báo đàn anh, người bạn vong niên có “nợ duyên”, quê ở nơi một trong 4 vị tháp bất tử theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đã hóa lên trời, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Và rồi, chúng tôi cùng đến thăm một “danh nhân quê hương” của Hưng Yên, một nhà văn đáng trân trọng của nền văn học Việt Nam đương đại, là Lê Lựu. Lê Lựu không chỉ là đồng hương tỉnh, mà còn là đồng hương phủ của nhà báo Hữu Tính. Đã sang tuổi 70, nhưng cứ xin phép được viết là anh. Nhà Lê Lựu ở thôn Mẫn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu. Đó là nơi “ngoại bối”, dân ngoài đê, sát sông Hồng. Dân phủ Khoái Châu xưa vốn là đất nghèo, nhưng dân quê Lê Lựu còn là “đệ nhất đẳng” nghèo. Quanh năm lụt lội. Dấu tích xưa của ngôi nhà Lê Lựu - giờ là nơi thờ tổ tiên - ở trên đất cao, sát sân là cái ao khá sâu, nhưng đã lâu không có nước. Thủy điện Hòa Bình đã khiến dân “ngoại bối” thoát cảnh lụt lội. Nhà gốc của nhà văn Lê Lựu cũng không giống nhà nào. Nhà xây, có một gác, nhưng vẫn ra dáng nửa quê nửa tỉnh. Nhưng đã có bếp tân thời, dùng gas và bên cạnh là nhà ông anh cùng con cháu... Nhà văn Lê Lựu vui mừng đón tiếp chúng tôi. Anh không tự đứng dậy được nữa. Mỗi bước đi đều phải có người đỡ. Chiếc bàn tiếp khách vẫn có cơi trầu. Tôi đã từng thấy Lê Lựu ăn trầu, bởi thế không ngạc nhiên khi thấy người cháu anh là cán bộ của huyện, comlê, cravát đàng hoàng vẫn ăn trầu. Mấy năm nay, Lê Lựu một lão nông - nhưng chỉ cày trên cánh đồng văn chương đầy nặng nhọc, đã yếu nhiều. Anh đã trải qua ba lần tai biến não, may còn nhẹ, chỉ không tự đi được. Da dẻ hồng hào và vẫn như xưa, Lê Lựu ăn khỏe, nhưng chỉ có đôi chân từng đi khắp cả nước, là nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời đến Mỹ, nay có bề khó có cơ hồi phục. Tôi thấy xót lòng vì không còn thấy tiếng cười vô tư sảng khoái của Lê Lựu, mà chỉ thấy nụ cười khẽ, khó nhọc như cậu trai mới lớn. Đôi mắt tinh anh, nhưng rất buồn, lúc nào cũng đang ngân ngấn nước. Anh khóc khi kể về những người họ hàng nhà thông gia mình vừa bị chết khi về quê ngày tết, rồi lại nghẹn ngào khi kể về căn nhà xưa ở phố Lý Nam Đế đã bán. Anh bảo, không biết vợ con đã đi đâu, gọi điện cho họ thì không thấy trả lời, vả lâu rồi, họ không gọi điện, thăm hỏi gì mình. Chúng tôi gắng gạt đi những chuyện buồn năm cũ, nhưng vẫn biết rằng, anh vẫn ở một mình ở căn phòng nơi làm trụ sở của “Hội Văn hóa doanh nhân” do anh làm giám đốc ở giữa phố Tam Trinh đầy buôn vặt, ồn ào quanh năm suốt tháng. Lê Lựu vẫn minh mẫn khi kể về những người bạn cũ, những người định ghé vai cùng anh lo cho sự nghiệp “văn hóa doanh nhân”, nhưng rồi không trụ nổi, để giờ người gánh vác vẫn là anh, đứng dậy là phải có người dìu... Ngày trước, đôi khi chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy đại tá, nhà văn Lê Lựu, một người nông dân “toàn phần” và như anh nói “ít học, ít đọc, vì lười nghĩ ngợi”, cách nghĩ, cách sống, lối ăn mặc thì ôi thôi, trăm phần trăm dân quê mà lại đi tìm cách “chỉ đạo” văn hóa cho giới doanh nhân. Sau rồi, anh đã làm được bao việc và nghĩ cho cùng, doanh nhân mình cũng hầu hết “quê ta từ đất dấy lên”, có đại gia giời cũng thô phác, quê mùa lắm, thì hà cớ gì một nhà văn như anh không đóng góp, chỉ bảo văn hóa cho giới doanh nhân nước mình? Khi tiễn chúng tôi, Lê Lựu vẫn cố gắng ra hiệu cho người cháu đỡ dậy để đưa tiễn, nhưng chúng tôi muốn anh cứ ngồi trên ghế trước sân nhà để chụp vài kiểu ảnh. Lê Lựu đã từng viết tiểu thuyết “Đại tá không biết đùa” và tôi tin anh không phải những người thích đùa, biết đùa. Thấy xót xa vì hồ nghi một cảm giác, có lẽ “lão nông” ấy giờ phải nghỉ ngơi, không thể cày ải thêm nữa trên cánh đồng văn chương. Nhưng dù số phận thế nào, Lê Lựu vẫn còn đó với bạn đọc văn chương, anh chưa thể “xa vắng” với chúng ta... Đỗ Quang Hạnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/dau-xuan-ve-tham-nha-van-le-luu/31754