Đầu xuân, tới Thị Cấm xem kéo lửa, thổi cơm thi

Cứ đến mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) và khách thập phương lại có mặt tại đình làng để tham gia Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống.

Các đội thi tước, bẻ nứa thành những mảnh nhỏ để tiện cho việc nhóm lửa.

Đúng 11 giờ, phần thi lấy nước, kéo lửa bắt đầu. Các đội thi đã cử ra một người cầm bình bằng đồng tham gia thi chạy đến bờ sông Nhuệ lấy nước về nấu cơm. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, nước phải được lấy ở sông và đun sôi từ trước.

Tiếp đó, mỗi đội cử ra 4 nam thanh niên tham gia phần thi kéo lửa. Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát. Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng lên, dùng mồi lửa này để thổi cơm. Khi đó, không gian đình làng Thị Cấm nghi ngút khói lửa, vang dội tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ của dân làng, du khách. Các thành viên ra sức thổi vào bó rơm để lửa bén to. Mồi lửa đầu tiên bén rơm cũng là lúc không khí trong sân đình trở nên náo nhiệt.

Khẩn trương sàng lại gạo...

Năm 2021, hội thi thổi cơm làng Thị Cấm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mỗi hạt gạo chứa đựng cả tâm tình của người nấu.

Các đội có khoảng 30 phút từ lúc kéo lửa đến khi cơm chín.

Không khí sôi động tại hội thi kéo lửa thổi cơm tại Thị Cấm.

"Với chúng tôi, hội làng đã trở thành một phần không thể thiếu để bắt đầu cho một năm mới bình an", một người dân hào hứng chia sẻ.

Việc nấu cơm theo cách thức truyền thống này đòi hỏi sự chính xác, kinh nghiệm của người tham gia.

Khi nồi cơm vừa cạn nước, các đội giấu vào trong đống than rơm chờ chín. Sau một tuần hương, các thành viên của Ban giám khảo đi tìm 4 nồi cơm trong rất nhiều đống tro rơm. Nếu các đội khéo giấu thì thời gian được kéo dài và cơm sẽ chín đều, nếu giấu vụng, bị giám khảo tìm thấy ngay đầu tiên thì cơm dễ bị sống.

Thành viên ban giám khảo, cũng là các cụ cao niên trong làng kiểm tra các phần thi.

Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, ban giám khảo xới bốn bát để dâng lên Thành Hoàng làng. Cơm sau đó được chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các đội tham dự.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/anh-dau-xuan-toi-thi-cam-xem-keo-lua-thoi-com-thi-post796469.html