Dấu xưa làng cổ

Thấp thoáng mái đình cổ kính, những nếp nhà hàng trăm năm tuổi, bức tường đá ong, gạch đỏ ẩn mình nơi ngõ nhỏ, đường làng quanh co, cây đa, giếng nước... làng cổ Sơn Vi (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao) hiện hữu, đan xen cùng những ngôi nhà cao tầng hiện đại giữa vùng quê nông thôn mới như một dấu lặng thời gian đầy yên bình và hoài niệm.

Đình Sơn Vi tọa lạc bề thế, uy nghiêm trên một mảnh đất rộng lớn.

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp ghé thăm Sơn Vi với sự dẫn dắt của ông Bùi Ngọc Quế - Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, một người con Sơn Vi nặng nghĩa tình đã có hơn 30 năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương mình. Nằm ở vùng đất giữa của huyện Lâm Thao, làng Sơn Vi xưa có tên nôm là Kẻ Vây, đọc trại thành Kẻ Vầy. Mảnh đất đậm đặc dấu tích khảo cổ học của nền văn hóa Sơn Vi này cũng là nơi có nền văn hóa lâu đời, còn tồn tại và lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước.

Đó là đình Sơn Vi - Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, còn được gọi là Điền Lạp Cung (nơi đến du ngoạn của Vua Hùng) được xây dựng năm Tân Tỵ 1521, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVI. Theo thần phả, đình thờ Thành hoàng làng là lục vị Đại vương - các hộ tướng của Hùng Vương thứ 18.

Để tưởng nhớ công ơn phò vua đánh tan quân giặc Thục tại chiến lũy làng Vầy, giữ yên nước Văn Lang, giúp dân khai hoang lập ấp... của các ngài, vua Lê đã ra sắc chỉ sắc phong các ngài là Phúc Thần bậc “Thượng đẳng tối linh” và cho phép dân làng xây đình, lập miếu thờ để con cháu muôn đời khói hương thờ phụng.

Ngôi đình cổ bề thế, uy nghiêm với những đường nét chạm trổ công phu, tinh tế lắng đọng dấu vết thăng trầm của hàng trăm năm lịch sử. Trong đình còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị, đặc biệt là cuốn Thần phả gốc bằng chữ Hán Nôm quý giá “Phúc Thần Ngọc phả lục (Hội tích bội chung) Sơn Vi Lục Vị Đại Vương”, do Tiến sĩ Nguyễn Bính thời Lê phụng soạn năm Nhâm Thân 1572. Đây là những di vật quý của làng được nhiều thế hệ nâng niu, gìn giữ, bảo vệ.

Gắn liền với truyền thuyết lịch sử về các vị thành hoàng được thờ tại đình làng Sơn Vi còn có lễ hội cầu phết đặc sắc. Từ xa xưa, Xuân Thu nhị kỳ, cứ đến ngày mùng ba Tết là các nơi về trẩy hội Sơn Vi đông như nước chảy, nô nức tham gia xem hội cầu. Trải qua ngàn đời, lễ hội cướp cầu đánh phết làng Sơn Vi được các tầng lớp nhân dân bảo lưu, gìn giữ và truyền lại qua các thế hệ, trở thành truyền thống văn hóa đặc sắc, in dấu trong chiều sâu tâm thức người Việt, tạo nên nét đẹp văn hóa nơi Đất Tổ cội nguồn.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Quảng Nam ở khu 13 đã có tuổi đời trên 300 năm.

Những con ngõ nhỏ quanh co men theo vườn cây lá xanh ngắt dẫn bước chúng tôi đến với ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Quảng Nam (khu 13)- một trong bảy ngôi nhà cổ còn được lưu giữ ở Sơn Vi. Thời gian dường như ngưng đọng trong ngôi nhà gỗ năm gian hơn 300 năm tuổi, trải bao mưa nắng, gió sương vẫn vẹn nguyên nét trầm lặng, cổ kính. Những tấm gỗ mít nguyên màu nguyên thớ, được giữ nguyên vẹn, tự nhiên cho tháng năm tô lên rêu phong ẩn hiện. “Tôi tự hào vì được sinh sống dưới nếp nhà cổ quý mà ông cha đã tạo dựng nên. Thế hệ chúng tôi và các thế hệ con cháu trong dòng tộc vẫn luôn trân trọng, gìn giữ để ngôi nhà có thể trường tồn mãi với thời gian” - Ông Nguyễn Quảng Nam chia sẻ.

Ngôi nhà cổ của ông Bùi Kim Đĩnh (khu 13) còn lưu giữ nhiều món đồ cổ quý giá.

Theo ông Bùi Ngọc Quế, những ngôi nhà cổ của làng Sơn Vi mang dáng dấp ngôi nhà của người Việt Mường với nét truyền thống chung là kết cấu năm gian, sáu hàng chân theo lối thượng thu hạ thách. Nơi quan trọng nhất của ngôi nhà là gian giữa - gian đặt bàn thờ tổ tiên được bài trí trang trọng thể hiện lòng thành kính của con cháu với thế hệ cha ông đi trước. Hai gian chái (buồng) ngăn cách với ba gian giữa bằng hai bức vách lịa, trước là bậu cửa. Trên những chồng bồn, kẻ, bảy, con lợn, câu đầu... được chạm khắc hoa văn tinh sảo. Cùng với ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Quảng Nam, làng Sơn Vi còn có ngôi nhà cổ của ông Bùi Ngọc Anh (khu 13) hiện còn lưu giữ được chiếc cổng mẫn duy nhất của làng, nhà cổ của ông Bùi Kim Đĩnh (khu 13) còn giữ nhiều món đồ cổ quý như sập gỗ, lư đồng từ thời tiền Lê...

Mỗi chiếc ủ ấm bền đẹp được hoàn thiện dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân đều mang hồn cốt của làng Sơn Vi.

Hầu hết những ngôi làng cổ đều lưu dấu nghề truyền thống, và Sơn Vi cũng vậy: Làm ủ ấm, sơn mài, dệt vải, làm mộc... Trong đó, không thể không nhắc đến làng nghề ủ ấm Sơn Vi. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, không biết nghề làm ấm ủ Sơn Vi có từ bao giờ, chỉ biết từ thời phong kiến, những nghệ nhân giỏi nhất của làng đã được tuyển chọn để làm ủ ấm cho vua chúa. Chiếc ủ ấm được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với rất nhiều công đoạn dưới bàn tay khéo léo của những người thợ làng lành nghề. Nứa dùng làm nan, bông vải vụn dùng làm lõi, ván xoan mỏng làm đáy, sơn keo để gắn và sơn ta dùng để quét màu trang trí.

Ông Nguyễn Đình Hảo - Trưởng làng nghề ủ ấm Sơn Vi, người đã có gần nửa thế kỷ sống cùng nghề tâm sự: “Thời kỳ thịnh vượng cách đây vài chục năm, làng nghề có cả trăm hộ sản xuất tấp nập. Chiếc ủ ấm dần vươn ra khỏi lũy tre làng, trở thành vật dụng phổ biến ở nhiều tỉnh, thành và thậm chí còn được xuất ngoại, đem lại thu nhập ổn định nhiều gia đình và lao động địa phương. Mỗi chiếc ủ ấm bền đẹp đều mang hồn cốt của dân làng Sơn Vi bởi nó được làm ra từ sự chăm chút và lòng tự hào tiếp nối của truyền thống cha ông”.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người dân làng Sơn Vi vẫn bảo tồn và phát huy được những nét đẹp truyền thống qua từng nếp nhà cổ, nhà thờ cổ, mái đình... Mong rằng, trước những khắc nghiệt của thời gian giữa dòng chảy biến thiên của thời đại, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu nơi làng cổ Sơn Vi sẽ luôn được bảo tồn, phát huy, tiếp tục vững vàng để song hành cùng nhịp sống hiện đại.

Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/dau-xua-lang-co/206631.htm