Đầu tư xây dựng NTM: Hy vọng vào 'Thế cùng tắc biến'

UBND TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các cơ quan chức năng thành phố rà soát hủy bỏ nhiều qui định phí, lệ phí.

Đây là một tín hiệu đáng mừng từ các cơ quan quản lý cho câu chuyện lạm thu phí trong nhiều ngành, đặc biệt là ở nông thôn, nhất là phong trào “Xây dựng Nông thôn mới” .

Mùa xuân năm 1970, Hàn Quốc đã chứng kiến một trận hạn hán kéo dài khiến người nông dân không thể gieo mạ được. Chính phủ Hàn Quốc khi đó đặt nhiệm vụ tìm đối sách để giải quyết những vấn đề thiên tai này, đồng thời đề xuất một chiến dịch tái thiết nông thôn. Đó chính là tiền thân của Phong trào hiện đại hóa nông thôn "Saemaul” (có nghĩa là “làng mới”).

Chỉ trong năm 1970, Hàn Quốc đã đầu tư 9,2 tỷ won cho việc mở đường và thay mái nhà ở nông thôn. Kết quả là đã có 6.780 km đường được làm mới, hơn 7.300 sông “Làng mới” được cải tạo và số lượng các vụ mùa cũng tăng lên. Nhiều nhà máy được xây dựng xung quanh làng, đã tạo công ăn việc làm cho những người dân làng.

Vào thời điểm năm 1970 khi phong trào "Làng mới” bắt đầu, thu nhập của người nông dân chỉ bằng khoảng 67% thu nhập của các gia đình ở thành thị. Nhưng chỉ sau 4 năm thực hiện phong trào, tức là vào năm 1974, thu nhập của người nông dân đã đạt 623 USD (theo tỷ giá hiện nay) vượt cả thu nhập của người dân thành thị lúc đó vào khoảng 595 USD.

Ở Việt Nam, phong trào “Xây dựng Nông thôn mới” về cơ bản cũng không khác phong trào “Làng mới”. Tuy vậy, để được công nhận là xã nông thôn mới thì mỗi xã cần phải đáp ứng được 19 tiêu chí. Trong đó, nếu để ý thì có tới 8 tiêu chí là về hạ tầng - kinh tế xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường học…

Bởi vậy, có thể nói, “Xây dựng Nông thôn mới” về cơ bản cần rất nhiều tiền và việc xây dựng cơ sở hạ tầng là vấn đề then chốt. Chính vì thế mà việc thu phí, một phần vốn đầu tư, là cần thiết để thực hiện các mục tiêu trên.

Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là trong khi “Làng mới” dựa trên 3 yếu tố tinh thần cần cù - nỗ lực - hợp tác của người nông dân, nhấn mạnh vào con người, thì “Xây dựng Nông thôn mới” lại quá tập trung vào cơ sở hạ tầng với việc thu quá nhiều các loại phí từ người nông dân.

Ở phong trào “Làng mới” của Hàn Quốc, việc nâng cấp môi trường nông thôn lạc hậu chính là nguyện vọng cấp bách của người nông dân khi đó.

Rồi khi phong trào diễn ra, nhiều người nhìn thấy diện mạo của làng mình và làng kế bên đổi khác thì bản thân họ dần cũng tự nguyện gom tiền mở đường và xây cầu.

Triết lý phương Đông có câu “Thế cùng tắc biến” với hàm ý là trong khó khăn người ta sẽ tìm ra cách để thoát ra, vượt lên.

Trận hạn hán kéo dài năm 1970 là nguyên cớ để dẫn đến thành công của Phong trào hiện đại hóa nông thôn "Saemaul” bên Hàn Quốc.

Hy vọng tác động xấu của biến đổi khí hậu đang làm người nông dân Việt Nam gặp phải chồng chất những khó khăn, sẽ là động lực cho Chính phủ tạo đột phá với những chính sách gỡ nút thắt. Bài toán kêu gọi các nguồn đầu tư vốn vào phong trào “Xây dựng Nông thôn mới”, để người nông dân Việt Nam đỡ đi các thứ phí, lệ phí phải đóng góp cho “Nông thôn mới”...

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dau-tu-xay-dung-ntm-hy-vong-vao-the-cung-tac-bien-post173634.html