Đầu tư tiền tỉ, từ Hà Nội lên Mộc Châu trồng dâu tây sạch

Khởi điểm vốn là “dân” kĩ thuật nhưng ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chủ tịch CTCP Xây dựng và Thương mại Phúc Hà và các cộng sự bất ngờ “rẽ nhánh” sang làm nông nghiệp. Bức xúc trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, ông quyết định đầu tư 1,3 tỉ đồng vào hệ thống công nghệ để nuôi dưỡng và phát triển 2.000m2 trồng dâu tây sạch tại xứ cao nguyên lạnh Mộc Châu - Sơn La.

Vườn treo trồng dâu tây của Phúc Hà tại Mộc Châu (Sơn La).

Lấy kỷ luật của công nghiệp để áp dụng sang nông nghiệp

Bắt đầu ra nhập thị trường từ năm 2015, vườn dâu tây Phúc Hà tại Mộc Châu (Sơn La) gồm 2 vạn gốc được nuôi dưỡng trong nhà lưới khép kín bằng hệ thống giàn treo để đảm bảo độ sạch và cách ly với môi trường gây bệnh. Ông Phúc chia sẻ: “Trước những bất cập của hệ thống nông nghiệp, tôi cho rằng chỉ khi lấy kỉ luật của công nghiệp để “ép” sang nông nghiệp thì năng suất, chất lượng mới đảm bảo được. Chúng tôi quyết định trồng cây trên giá thể thay vì trồng dưới đất như một số địa phương, tránh tình trạng sâu bệnh phát triển và khó quản lý”.

Thay vì đầu tư một cách manh mún, Cty quyết tâm rót vốn mạnh vào việc mua sắm các trang thiết bị theo phương châm “người ít nhưng máy móc nhiều” để tăng tính chuyên môn hóa như: đầu tư hệ thống trồng cây theo công nghệ tiên tiến của Israel với hệ thống nhà lưới, giàn treo, tưới tiêu nhỏ giọt. Cây dâu tây được chăm sóc bằng chất dinh dưỡng đủ thành phần giúp phát triển hoàn toàn sạch và cho trái đạt chất lượng dinh dưỡng cao.

“Khác với các vùng trồng dâu tại Đà Lạt, tôi nhập giá thể Klasman từ Đức với chi phí cao hơn gấp rưỡi để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Mỗi ngày, kĩ sư tại vườn đều theo dõi và quản lý chất dinh dưỡng thông qua các chỉ tiêu lý tính như độ pH, độ loãng/đặc của dung dịch và độ ngọt của quả… Qua đó điều chỉnh các chất đa lượng, trung lượng và vi lượng cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây”.

Với sự tư vấn của các chuyên gia của Nhật Bản và trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội về dinh dưỡng cho cây trồng, sản phẩm dâu tây của Phúc Hà bước đầu đã đảm bảo chất lượng và hình thức, được thị trường ưa chuộng. Khởi điểm với sản lượng đạt 60kg/tuần, trong thời gian tới dự kiến sản lượng sẽ lên tới 200kg, kì vọng 10 tấn/vụ đạt chất lượng VietGap.

Tạo sự khác biệt từ chất lượng

Hiện nay, dâu tây sạch loại 1 của Phúc Hà có giá 400.000/kg và loại 2 là 200.000/kg. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Cty, một trong những điểm quan trọng quyết định giá thành sản phẩm là độ ngon của dâu tây, đặc biệt là giống cây trồng. Sau khi được các chuyên gia tư vấn, Phúc Hà quyết định lựa chọn cây giống của New Zealand vốn được thị trường ưa chuộng. Tại Đà Lạt, người ta chủ yếu trồng giống Mỹ Đá và Mỹ Hương vì dễ trồng và ít sâu bệnh, song đổi lại chất lượng lại không ngon và ngọt bằng.

Khi được hỏi, liệu trong tương lai có mở rộng trồng sang các sản phẩm thiết yếu và giàu tiềm năng như rau sạch hay không? Ông Phúc thừa nhận: “Để cho ra đời sản phẩm sạch cần phải áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ban đầu chúng tôi tập trung vào mặt hàng dâu tây và hướng tới phục vụ nhóm đối tượng có thu nhập cao trước. Khi hoàn vốn đầu tư, ông cho biết sẽ mở rộng sang phân khúc tiềm năng là trồng rau sạch trái vụ…”.

Thời gian tới, ông Tuấn cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua kênh bán hàng online. Bên cạnh đó, Cty của ông cũng đang xúc tiến để đưa hàng vào các hệ thống siêu thị. “Điều cốt yếu trong kinh doanh thực phẩm sạch là cái tâm của người sản xuất vì quản lý rất khó. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao thu mua được thiết bị để kiểm tra nồng độ thuốc sâu, dư chất bảo quản… để khách hàng yên tâm khi bỏ tiền ra sẽ nhận được sản phẩm đúng chất lượng” - ông Phúc tâm niệm.

Khánh Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/dau-tu-tien-ti-tu-ha-noi-len-moc-chau-trong-dau-tay-sach-598102.bld