Đầu tư phát triển vùng dược liệu quý ở A Lưới và xúc tiến thương mại điện tử

A Lưới sẽ ứng dụng CNTT xây dựng hệ thống kết nối chuỗi giá trị dược liệu và sản phẩm từ dược liệu được quản lý truy xuất nguồn gốc dược liệu, xuất xứ chất lượng và xúc tiến thương mại điện tử để phát triển kinh tế xã hội.

Mô hình trồng sâm Bố Chính trên địa bàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế)

UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa ban hành kế hoạch triển khai nội dung "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý" trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2030.

Kế hoạch này nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 theo hướng khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường nhằm phát huy tiềm năng nguyên liệu và lao động tại chỗ nhất là lao động người dân tộc thiểu số , mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn huyện.

Mục tiêu đặt ra sẽ hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khu vực triển khai dự án.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nhằm hình thành ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững; Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống kết nối chuỗi giá trị dược liệu và sản phẩm từ dược liệu được quản lý truy xuất nguồn gốc dược liệu, xuất xứ chất lượng và xúc tiến thương mại điện tử cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể, dự án sẽ được triển khai trên diện tích 363,4 ha tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng và Hồng Bắc. Các loại dược liệu được trồng gồm nhiều loại như: ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, xạ can...

Dự án sẽ sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, dự án có tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng.

A Lưới là một huyện miền núi vùng biên giới, nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dân số ước khoảng 53.828 người, gồm 27 dân tộc sinh sống, trong đó có 5 dân tộc chính là Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. Người dân tộc thiểu số chiếm trên 77,09% dân số toàn huyện.

Năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn huyện A Lưới trong 75 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 5.399 hộ nghèo chiếm 38,2%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 5.137 hộ chiếm 95,1%. So với mặt bằng chung, đời sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, việc hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào khu vực triển khai dự án. Ngoài ra, giúp hình thành ý thức bảo tồn nguồn gene dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/dau-tu-phat-trien-vung-duoc-lieu-quy-o-a-luoi-va-xuc-tien-thuong-mai-dien-tu-post172164.html