Đầu tư hệ thống giáo thông kết nối trung tâm, cơ hội lớn cho đồng bằng sông Mê Kông cất cánh

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (hay còn gọi là đồng bằng sông Mê Kông), sắp tới đây, một loạt các dự án giao thông lớn sẽ được triển khai đầu tư xây dựng, mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương được coi là vựa lúa lớn nhất cả nước này...

Bộ GTVT cho biết, "Dự án giao thông kết nối trung tâm đồng bằng sông Mê Kông" với tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) trên 1,2 tỷ USD là một trong những dự án xây dựng hạ tầng lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực này . Theo báo cáo của Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư, phạm vi xây dựng của dự án nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ. Điểm đầu của dự án là tuyến tránh Mỹ An (tỉnh Đồng Tháp), điểm cuối giao với tuyến tránh Thốt Nốt (tỉnh An Giang). Theo biên bản ghi nhớ của Hội nghị liên hợp giữa các nhà tài trợ ADB, AusAID, EDCF và Chính phủ Việt Nam, Dự án giao thông kết nối trung tâm đồng bằng sông Mê Kông bao gồm 6 dự án thành phần. Trong đó 5 dự án thành phần là: cầu Cao Lãnh và đường dẫn, tuyến nối Cao Lãnh- Vàm Cống, cầu Vàm Cống và đường dẫn, tuyến nối QL91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, bổ sung 5,7 km từ tỉnh lộ 943 đến QL91, Bộ GTVT đã tổ chức họp thẩm định. Hiện nay, hồ sơ dự án đầu tư đã được chỉnh sửa bổ sung theo kết luận họp thẩm định và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2010. Ngoài ra còn một dự án thành phần nữa là tuyến Mỹ An- Cao Lãnh, hiện Bộ GTVT đang xem xét báo cáo giữa kỳ do Tư vấn SMEC thực hiện. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án giao thông kết nối trung tâm đồng bằng sông Mê Kông là 1,205 tỷ USD. Theo đề xuất của Ban QLDA Mỹ Thuận, tỷ lệ bố trí nguồn vốn là: từ phía các nhà tài trợ 72,5% (tương đương 874 triệu USD), vốn đối ứng của Việt Nam là 27,5% (tương đương 331 triệu USD). Dựa vào tính chất kỹ thuật của các dự án thành phần và cam kết của các nhà tài trợ, Ban QLDA Mỹ Thuận đề xuất phương án vốn cho dự án là từ phía EDCF khoảng 200 triệu USD; trong đó bao gồm chi phí xây lắp, tư vấn thiết kế, giám sát và dự phòng cho cầu chính của cầu Vàm Cống. Vốn đối ứng của Việt Nam sẽ dùng cho xây dựng đường dẫn (cầu dẫn và đường dẫn), tư vấn, giám sát và dự phòng cho phần đường dẫn cầu Vàm Cống. Phần vốn đối ứng cũng để thực hiện chi phí giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án, chi phí quản lý dự án, kiểm định, bảo hiểm và thuế. Phần vốn của ADB và AusAID khoảng 674 triệu USD, dùng cho chi phí xây dựng, tư vấn, lập thiết kế kỹ thuật, giám sát và dự phòng cho các dự án thành phần cầu Cao Lãnh và đường dẫn, tuyến nối Cao Lãnh- Vàm Cống, tuyến nối QL91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; bổ sung 5 km từ tỉnh lộ 943 đến QL91, tuyến Mỹ An- Vàm Cống. Theo kế hoạch, Dự án giao thông kết nối trung tâm đồng bằng sông Mê Kông sẽ được triển khai làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2011 đến 2013 và giai đoạn 2 từ 2013 đến 2015. Cuối tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị liên hợp giữa các cơ quan Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ của dự án kết nối này. Tại hội nghị này, hầu hết các vấn đề chính của dự án như nguồn vốn, kế hoạch triển khai đều được Bộ GTVT, các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và các nhà tài trợ thống nhất. Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới là tập trung đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực hạ tầng đường bộ, đường sắt và các cảng hàng không, sân bay... ngang tầm quốc tế nhằm mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Việc đầu tư dự án này có ý nghĩa và lợi ích rất to lớn đối với khu vực đồng bằng sông Mê Kông, nơi được coi là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Ngoài việc kết nối các vùng trung tâm của khu vực đồng bằng sông Mê Kông, dự án này còn mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế- xã hội và giao thương, đi lại của người dân trong vùng. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cho rằng, các phương án đề xuất về nguồn vốn của dự án là rất tối ưu và rất thuận lợi để triển khai. Chính vì vậy, các cơ quan, đơn vị chức năng cần khẩn trương xúc tiến các công đoạn chuẩn bị để khởi công dự án theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cũng lưu ý các nhà tài trợ, tư vấn, thiết kế và các cơ quan của Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng để chuẩn bị và đầu tư dự án cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của khu vực đồng bằng sông Mê Kông.../.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=425359&co_id=30065