Đầu tư hạ tầng giao thông mở đường cho nông nghiệp, nông thôn

Trong những năm qua, cùng với sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển mạng lưới giao thông ...

Kỳ I: “Thay áo mới” cho đường quê

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, người dân xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng hiến đất, đóng góp ngày công làm đường GTNT.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, người dân xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng hiến đất, đóng góp ngày công làm đường GTNT.

(baophutho.vn)

- Trong những năm qua, cùng với sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT), tạo thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, thông thương hàng hóa, giúp các địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Sức mạnh của sự đồng thuận
Xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy chỉ sau mấy năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt của xã nông thôn miền núi đã đổi thay rõ rệt. Nói về những ngày đầu bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở địa phương, ông Nguyễn Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã nhớ lại: Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM hầu hết các tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã đều nhỏ, xuống cấp từ lâu ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và giao thương của người dân. Vì vậy, chủ trương tu sửa, mở rộng các tuyến đường liên thôn, xã, nội đồng… đều được người dân ủng hộ, sẵn sàng hiến đất vườn, đất ruộng, đóng góp ngày công lao động, góp tiền cùng xi măng được Nhà nước hỗ trợ để chung tay xây dựng NTM. Là huyện thứ 2 trong tỉnh đạt chuẩn NTM, Thanh Thủy có hơn 860km đường giao thông các loại, trong đó có hơn 100km đường trục liên xã, gần 600km đường liên thôn, liên xóm, nội đồng… 5 năm qua, huyện đã tranh thủ tối đa sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường trục chính; thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường huyện, liên xã, thôn, xóm và nội đồng.Các xã tích cực làm đường bê tông xi măng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh thông qua các dự án làm giao thông, phát động phong trào toàn dân tham gia hưởng ứng chiến dịch làm đường GTNT, huy động sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã… Tổng kinh phí huyện Thanh Thủy huy động được trong 5 năm qua đạt trên 7 nghìn tỷ đồng. Với đặc thù là đầu mối giao thông vận tải quan trọng tạo nên sự liên kết Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc, huyện Tam Nông xác định hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Huyện đã tập trung nhiều nguồn lực với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để hoàn thành tiêu chí giao thông.Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã thực hiện đầu tư, nâng cấp, đưa vào khai thác, sử dụng gần 135km các tuyến đường huyện và đường GTNT trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng kinh phí thực hiện trên 440 tỷ đồng. Đến nay, 66,6km đường huyện đã cứng hóa 100%; đường trục xã đã cứng hóa được 57,55km, đạt tỷ lệ 93,73%; đường trục thôn xóm đã cứng hóa được 202,69km, đạt tỷ lệ 82,55%; đường ngõ xóm đã cứng hóa 175,57km, đạt tỷ lệ 79,83%; đường trục chính nội đồng tỷ lệ cứng hóa đạt 32,58%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông toàn huyện đạt 73,98%. Hiệu quả đạt được trong phát triển GTNT ở Tam Nông cho thấy sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm hướng đến xây dựng diện mạo mới cho địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh xác định GTNT đóng vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tháo gỡ những điểm “nghẽn” trong phát triển kinh tế- xã hội, vì vậy, tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng GTNTvới mục tiêu bê tông hóa, cứng hóa, nhựa hóa các tuyến đường nối liền huyện với xã, xã với các thôn xóm, đường nội đồng, giao thông kết nối các vùng, miền.

Thi công xây dựng đường giao thông liên xã ở thị xã Phú Thọ.

Thi công xây dựng đường giao thông liên xã ở thị xã Phú Thọ.

Đường mới, nông thôn đổi mớiXã miền núi Quảng Yên, huyện Thanh Ba mới được thành lập sau khi sáp nhập từ các xã Quảng Nạp, Năng Yên, Thái Ninh. Những năm về trước, các tuyến đường chạy qua các khu dân cư là đường đất, đi lại khó khăn, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn, rất bất tiện.Ông Vũ Khắc Khương- Chủ tịch UBND xã thông tin với chúng tôi: Năm đầu tiên sau khi sáp nhập, xã huy động nguồn lực, dựa vào sức dân ưu tiên đầu tư hệ thống GTNT, làm mới, cứng hóa được trên 11km đường trục liên xã, 11km đưỡng ngõ xóm. Đến nay, các tuyến đường trục liên xã, liên thôn đã được cứng hóa đạt trên 63%, đường trục chính giao thông nội đồng được cứng hóa đạt 100%, đảm bảo cho giao thương, sinh hoạt và sản xuất. Các hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng, mua sắm máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,6 triệu đồng/người/năm. Không chỉ ở Quảng Yên, các xã miền núi trên địa bàn tỉnh cách đây 5 năm về trước có rất nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, tình trạng chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã bụi; ổ gà, ổ trâu khắp đường khiến việc đi lại của bà con rất khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất. Được sự quan tâm của tỉnh, huyện cùng với ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp và bà con nhân dân, hàng ngàn km đường nông thôn đã được cứng hóa theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Khi các tuyến GTNT được hoàn thành đã giúp cho hàng nghìn mô hình kinh tế ở các địa phương phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2020, tỉnh xác định, xây dựng và phát triển GTNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực cải thiện hệ thống GTNT trong xây dựng NTM đã nhận được sự đồng thuận to lớn của người dân. Có thể nói, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn khó khăn đối với công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường GTNT do các địa phương đều bị cắt giảm đầu tư công nhưng nhờ tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tính đến hết năm 2020, mạng lưới đường GTNT trên địa bàn tỉnh có 10.880km, tỷ lệ cứng hóa đạt 70,7%, tăng 14,2% so với năm 2015, trong đó có 6.626km đường bê tông xi măng, 234km đường bê tông nhựa, 910km đường láng nhựa, 208km đường cấp phối, còn 2.902km đường đất. Có được kết quả như vậy chứng tỏ chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc vận động xây dựng GTNT thực sự hợp với ý nguyện của nhân dân. GTNT được đầu tư đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn và cải thiện điều kiện sống của người dân. Đến hết năm 2020, tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 95 xã (sau sáp nhập) đạt chuẩn NTM, 310 khu dân cư NTM. Mặc dù vậy, GTNT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, cần giải pháp tháo gỡ để góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững.

Kỳ II: Phát triển, hiện đại hóa giao thông nông thôn

Nhóm phóng viên Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202106/dau-tu-ha-tang-giao-thong-mo-duong-cho-nong-nghiep-nong-thon-177526