Đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 2/11, nhiều đại biểu cho rằng, đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực, đem lại hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện đầu tư công năm 2023 và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Mặc dù thực hiện kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường nhưng đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Theo đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa), thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án, công trình trọng điểm quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.

Tuy nhiên, trên tổng thể, công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện. Trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách khoáng sản... còn nhiều vướng mắc. Trong nhiều trường hợp, đây là những điểm nghẽn làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án công trình, do đó cần được sớm tháo gỡ.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư còn phân tán vào nhiều chương trình, chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược, trọng điểm quan trọng của quốc gia. Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả. Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nền nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước. Xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình trọng điểm của ba Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm phát huy vai trò của đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi tổng cầu của thế giới và trong nước suy giảm.

Đại biểu tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, một yêu cầu hiện nay trong đầu tư công là chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu; từng công trình, dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Điều này càng có ý nghĩa khi nguồn lực của đất nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Phân tích nguyên nhân của những hạn chế trong vấn đề đầu tư công hiện nay, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, công tác lập kế hoạch vẫn chưa sát, một số cơ quan, địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn nên tình trạng đề xuất trả lại vốn vẫn còn. Nhiều dự án do lập, thẩm định, phê duyệt còn kéo dài, chưa sát với thực tiễn nên còn điều chỉnh nhiều lần, làm ảnh hưởng đến kế hoạch vốn và tiến độ giải ngân, tiến độ thi công. Một số dự án, chương trình giải ngân đạt tỷ lệ còn thấp, đạt dưới 50%. Đại biểu cho rằng, để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có biện pháp cụ thể, nỗ lực quyết tâm hơn nữa.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Âu Thị Mai phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đồng tình với các giải pháp trên, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan.

Dẫn chứng từ thực tế, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho biết, hiện nay khi triển khai thực hiện mỗi dự án, mỗi công trình cần chuyển 10 ha đất lúa, 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và 50 ha đất rừng sản xuất trở lên phải xin ý kiến các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy định này làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư tại địa phương.

Theo đại biểu Âu Thị Mai, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phân chỉ tiêu sử dụng đất và ban hành nghị quyết phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trong đó xác định rõ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cuối kỳ quy hoạch và chỉ tiêu được phép chuyển mục đích các loại đất trên sang mục đích phi nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đại biểu tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đỗ Bình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-tu-cong-la-dong-luc-dan-dat-thuc-day-tang-truong-kinh-te/313864.html