Đầu tư công là đòn bẩy phát triển kinh tế của Thủ đô

Năm 2024, kế hoạch đầu tư công của Hà Nội là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,4 lần so với Kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 19/1, tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa để thúc đẩy kinh tế nên Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo để đạt hiệu quả tốt nhất. Nhờ đó, kết quả giải ngân của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024, kế hoạch đầu tư công của Hà Nội là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,4 lần so với Kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục tập trung, quyết liệt chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024; trong đó, tập trung quán triệt thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nghiêm túc thực hiện chế độ giao ban định kỳ toàn thành phố hàng quý và các lĩnh vực hàng tháng. Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục đầu tư của các dự án.

Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy tiến độ các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, dự án có quy mô lớn, dự án chuyển tiếp để tập trung hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng và xác định đây là nội dung trọng tâm của năm 2024. Các quận, huyện, thị xã thúc đẩy việc giải ngân các dự án ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu, các dự án ngân sách cấp thành phố giao quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư; song song đó, có biện pháp để đảm bảo nguồn thu; đồng thời, chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024 phù hợp với nguồn thu, không được để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản...

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Hà Nội gấp 1,24 lần cả nước, thu ngân sách vượt 16,4% dự toán và hoàn thành 18/23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu; trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đáng chú ý, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đến hết 31/1/2024 sẽ đạt khoảng 52.500 tỷ đồng, tương đương với 91,6% kế hoạch năm 2023 và đạt 111,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2023, kết quả giải ngân hàng tháng luôn cao hơn so với năm 2022 và cao hơn trung bình hàng tháng của cả nước. Lũy kế giải ngân tính đến ngày 15/1/2024 của Hà Nội đã cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra.

Tại buổi họp báo, tình hình thiếu nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà được quan tâm. Liên quan đến nội dung này, ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc cấp nước trong Khu đô thị Thanh Hà thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5. Để cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 ký hợp tác và giao Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà, Công ty cổ phần Nước sạch Nam Hà Nội đầu tư xây dựng, vận hành quản lý, kinh doanh hệ thống cấp nước phục vụ cho toàn bộ cư dân trong Khu đô thị Thanh Hà.

Trước tình trạng thiếu nước tại Khu đô thị Thanh Hà, đầu tháng 10/2023, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương chỉ đạo Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà. Từ tháng 11/2023 đến nay, việc điều tiết nguồn cấp tập trung từ nguồn nước mặt sông Đuống cấp cho Khu đô thị Thanh Hà đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong Khu đô thị với lưu lượng trung bình từ 3.500-5.500 m3.

Để đảm bảo tăng cường bổ sung nguồn cấp nước cho khu vực Trung tâm và phía Tây Nam Thành phố (huyện Thanh Trì, quận Hà Đông…), đảm bảo an toàn, an ninh cấp nước, tăng áp lực cấp nước, tăng nguồn cấp (cho các khu vực cuối nguồn của hệ thống cấp nước sông Đuống hiện nay) cho khu vực quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, ngày 24/11/2023, UBND thành phố đã cho phép Công ty Nước mặt sông Đuống xây dựng trạm tăng áp cục bộ trên đường 70 (tại vỉa hè đầu tuyến đường nối cầu Hòa Bình đi Khu đô thị mới Nam Linh Đàm, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì). Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong tháng 1/2024.

Theo ông Mạc Đình Minh, từ 22h ngày 7/1 đến 6h ngày 8/1, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đã cắt nước tạm thời để triển khai đấu nối trạm tăng áp trên đường 70 (có văn bản thông báo cho khách hàng). Tuy nhiên, lượng nước cấp cho Khu đô thị Thanh Hà vẫn duy trì từ 2.125-2.517 m3/ngày đêm. Từ ngày 10/1 - 13/1, sau khi đấu nối, trạm bơm đã cấp tăng lưu lượng bổ sung trung bình từ 5.275-5.703 m3/ngày đêm để cấp bù lưu lượng. Từ ngày 14/1 đến nay, lượng nước tiêu thụ tại Khu đô thị Thanh Hà ổn định khoảng 3.600 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của toàn bộ cư dân trong khu đô thị.

Liên quan đến nội dung xây dựng đề án thu phí vỉa hè, ông Mạc Đình Minh thông tin, tháng 8/2023, thành phố đã có Quyết định về thành lập tổ soạn thảo đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn Hà Nội. Tổ soạn thảo gồm 36 người của 11 sở, ngành và đơn vị thành viên. Hiện nay, tổ soạn thảo đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo đề án.

Nội dung đề án đưa ra 3 nguyên tắc: Lòng đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích chính là giao thông; hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ, kết hợp với là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, sử dụng đúng mục đích và phạm vi cho phép. Toàn bộ đề án đang được soạn thảo và lấy ý kiến, sau khi lấy ý kiến các sở, ngành, tổ soạn thảo sẽ báo cáo thành phố và thông tin cụ thể về đề án.

Nguyễn Thắng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-tu-cong-la-don-bay-phat-trien-kinh-te-cua-thu-do/321639.html