Ðầu tư cho mạng lưới thư viện cấp huyện, xã

Những năm qua, hệ thống thư viện từ trung ương đến địa phương đã góp phần xây dựng văn hóa đọc, bổ sung tri thức và duy trì đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, mạng lưới thư viện tuyến huyện, xã gắn trực tiếp với đời sống văn hóa cơ sở lại phát triển chậm, thiếu bền vững, cần sớm có những giải pháp khắc phục.

Thư viện huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thu hút nhiều bạn đọc nhỏ tuổi.

Cả nước hiện có 663 thư viện cấp huyện và 2.716 thư viện cấp xã. Số huyện trên cả nước có thư viện chiếm 91%, số xã có thư viện chiếm 23,4%. Từ năm 2011 đến 2016, hệ thống thư viện cấp huyện, xã đã phục vụ hơn 42 triệu lượt bạn đọc. Bình quân mỗi năm, một thư viện cấp huyện, xã phục vụ hơn mười nghìn lượt bạn đọc.

Vụ trưởng Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà nhận định: Mặc dù các thư viện đã đổi mới, triển khai nhiều nội dung khác nhau nhưng hiệu quả chưa cao. Thư viện cấp huyện, cấp xã nhìn chung chưa thu hút được đông đảo người dân. Sách phục vụ người dân tộc thiểu số, người khiếm thị chưa được quan tâm xuất bản cho nên họ không đến thư viện. Về quản lý, các thư viện cấp huyện, xã tuy đã được trang bị máy tính nhưng chủ yếu vẫn vận hành theo mô hình truyền thống, ít tài liệu điện tử.

Số thư viện huyện được bố trí chung trụ sở với Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao chiếm tỷ lệ 72,4%, gặp nhiều khó khăn trong công tác phục vụ bạn đọc. Kinh phí đầu tư cho thư viện lại nằm chung trong tổng nguồn kinh phí cấp cho Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao, không có danh mục riêng, vì thế nhiều thư viện huyện bị "bỏ quên" do địa phương ưu tiên các hoạt động khác. Ðơn cử, ở tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có hai trong tám thư viện cấp huyện được cấp kinh phí hoạt động riêng. Yên Bái có chín thư viện huyện thì bảy thuộc Trung tâm văn hóa, thông tin; hai thuộc Phòng văn hóa, thông tin. Biên chế cho mỗi thư viện tuyến huyện chỉ từ một đến hai người, nhưng gần như đều phải kiêm nhiệm công việc khác. Ngay ở trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh, hệ thống thư viện quận, huyện cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ có chín trên tổng số 24 thư viện có trụ sở riêng nhưng hầu hết là nhà cấp bốn; năm trong số 24 thư viện chỉ có một phòng đọc nằm trong khuôn viên Trung tâm văn hóa; chín thư viện chỉ có một nhân viên phụ trách, số lượng sách phân bổ về rất hạn chế. Một nửa trong số 53 cán bộ, nhân viên thư viện quận, huyện chưa qua đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chín cán bộ phụ trách không có nghiệp vụ chuyên ngành.

Thư viện xã còn gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 30 thư viện xã. Tỉnh có nhiều thư viện xã nhất là Phú Thọ có 277 thư viện xã, tuy nhiên các thư viện này cũng không nằm ngoài những khó khăn của hầu hết các thư viện cơ sở trên cả nước. Không có trụ sở độc lập, chủ yếu đặt trong điểm bưu điện - văn hóa xã, hoặc hội trường UBND xã, nhà văn hóa khu dân cư…; kinh phí hoạt động hầu như không có; sách, tài liệu chưa đáp ứng được yêu cầu bạn đọc. Có những thư viện đã thành lập khá lâu song tài liệu được bổ sung rất ít, hoặc không có, thậm chí sách còn bị thất thoát. Cán bộ làm công tác thư viện chủ yếu kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên môn, phần lớn mới chỉ học qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày do thư viện tỉnh tổ chức. Việc trả lương cho cán bộ thư viện xã chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng nên đội ngũ này vừa thiếu, vừa không ổn định.

Thực trạng trên cho thấy việc thống nhất mô hình quản lý thư viện cấp huyện, xã rất cần thiết. Nhiều địa phương kiến nghị tách thư viện huyện thành đơn vị có thiết chế độc lập, thống nhất cơ quan quản lý để tránh tình trạng nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm thì thư viện mới hoạt động tốt, ngược lại sẽ rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng.

Có thể nói, việc đầu tư cho thư viện cấp huyện và xã còn quá thấp so với yêu cầu thực tế. Trước mắt cần tập trung xây dựng cơ sở vật chất gồm trụ sở, kho sách, phòng đọc và kinh phí hoạt động. Ðội ngũ cán bộ cần được đào tạo lại, tập huấn nghiệp vụ; cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm công tác, cống hiến. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo sức mạnh tổng hợp cả về vật chất, trí tuệ và tinh thần để làm phong phú thêm các hoạt động của thư viện công cộng. Chú trọng vận động, khai thác nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế. Hiện nay tại một số địa phương đã hình thành thư viện tư nhân, nhưng đối tượng đọc chưa đông đảo. Nên chăng cần có sự gắn kết thư viện tư nhân với hệ thống thư viện huyện, xã để tạo điều kiện cho phong trào đọc sách ở cơ sở phát triển phong phú, đa dạng hướng tới một xã hội học tập.

NGUYỄN THU HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33702002-%c3%b0au-tu-cho-mang-luoi-thu-vien-cap-huyen-xa.html