Đầu tư cho giáo dục là “lãi” nhất !

(DĐDN) TS Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Đại học Nguyễn Trãi khẳng định : “Đầu tư cho giáo dục là “lãi” nhất ! Đó chẳng phải là thứ có tiền mà mua được. Ai cũng nhìn thấy “lãi” cả đấy, nhưng làm để có “lãi” cũng khó lắm”.

“Từng là một người lính, tôi hiểu hơn ai hết món nợ ân tình. Và tôi đang tìm cách “trả nợ quá khứ” bằng nền tảng của thế hệ tương lai” - ông Luận trầm ngâm.

Kinh doanh không lợi nhuận

- Ông khẳng định đầu tư cho giáo dục rất lãi, vậy tại sao lại là “kinh doanh không lợi nhuận” ?

Tôi vẫn phải khẳng định rằng đầu tư cho giáo dục “lãi” nhất. Nhưng “lãi” của tôi không phải lợi nhuận như bạn nghĩ. Nếu ai đó đã từng quan niệm kinh doanh giáo dục là một ngành kinh doanh có “lời 4 mùa”, thì xin thưa, kinh doanh giáo dục còn khó hơn nhiều nếu chỉ đưa lợi nhuận lên trên hết.

Với tôi, khát vọng của một người làm thầy là được góp một phần nhỏ “đầu tư” cho thế hệ tương lai - có đủ tài, đức làm rạng danh quê hương đất nước. Và tôi nghĩ, đó chính là “lãi” tôi muốn nói với bạn. Vì vậy tôi muốn khẳng định lại rằng, tôi đến với giáo dục, đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho nguồn lực con người với mong muốn phát triển khả năng tư duy của các học trò, mong muốn thế hệ tương lai của đất nước có cơ hội phát triển hết khả năng của bản thân mình trở thành những người có tâm và trí. Tám năm khoác trên mình chiếc áo lính khát vọng lớn nhất của tôi là sống để trả nợ, tri ân đồng đội. Làm nên tương lai là khó nhất, nhiều chông gai và thách thức nhất và thành quả đạt được cũng đáng trân trọng nhất.

- Được biết, Nguyễn Trãi chuyên đào tạo các ngành kinh doanh. Nhưng theo thiển ý của tôi, kinh doanh là phải có lợi nhuận, cho mình, cho nhân viên của mình và cho xã hội ?

Tôi đồng ý. Kinh doanh đúng nghĩa, phụng sự xã hội là giá trị lý tưởng giúp doanh nhân có thể đạt được thành công bền vững, đồng thời được xã hội nể trọng. Thông thường, khi chia sẻ với học viên, chúng tôi thường đưa ra ba cách kinh doanh, kiếm tiền để mọi người suy nghĩ và lựa chọn con đường của mình:

Thứ nhất, “kiếm” bằng cách “mang”: Kiếm tiền bằng cách mang lại cho xã hội một giá trị nào đó thông qua việc cung cấp những sản phẩm dịch vụ hữu ích cho thị trường, người tiêu dùng. Thứ hai, “kiếm” bằng cách “gây”: Kiếm tiền bằng cách gây ra tai hại cho xã hội như sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại, ô nhiễm môi trường, vi phạm sở hữu trí tuệ… để kiếm lợi nhuận. Thứ ba, “kiếm” bằng cách vừa “mang” vừa “gây”: Kiếm tiền bằng cách vừa mang lại những giá trị nhất định nhưng cũng gây hại cho xã hội. Như trường hợp các Cty buôn lậu chẳng hạn. Một mặt họ vẫn đáp ứng nhu cầu hàng hóa, dịch vụ cho xã hội với giá tương đối rẻ, nhưng mặt khác lại trốn thuế, làm tổn hại đến những lợi ích chung của xã hội và gây hại cho ngành công nghiệp. Rõ ràng, chỉ cần làm rõ và phân định rõ ba điều đó, tôi tin các học viên của Nguyễn Trãi sẽ tự đúc rút được kinh nghiệm cho mình.

Và đầu tư mạo hiểm

- Còn nhớ, cách đây 5 năm (2008), khi khai trường với vài chục giảng viên nhưng chỉ vẻn vẹn có 16 sinh viên. Dù đến nay đã lên tới con số hơn 1.000 nhưng theo tôi đây vẫn là con số quá ít so với một trường đại học ?

Tôi lại nghĩ khác, chỉ cần 5 năm sau có nhiều người biết đến Nguyễn Trãi đã là hạnh phúc. Và không hề lạc quan nếu tôi vẫn cho rằng, có được một em đến với Nguyễn Trãi cũng đã là thành công. Vì vậy, ở thời điểm “trăm đại học đua nở” như năm 2008, 16 sinh viên với tôi đã là quá thành công. Tất cả hoài bão của tôi gửi gắm vào 16 sinh viên này tương đồng như hoài bão của phụ huynh khi họ gửi gắm con em họ cho chúng tôi.

Tôi còn nhớ, khi đó tôi đã nói với 16 sinh viên của tôi rằng mong muốn lớn nhất của tôi là : sau này các em phải là người trả lương cho người khác.

- Được biết, ông là một trong những người đầu tiên thành lập DN chuyên đưa học sinh đi du học tự túc. Đây cũng được coi là một cách kinh doanh mạo hiểm ở thời đó, thưa ông?

Tôi có dịp đi nhiều nước, tiếp cận với hội họa, tôi cũng từng khát khao theo đuổi sự nghiệp này. Nhưng rồi đến các nước Đông Âu, tôi nhận thấy trong lúc khủng hoảng, họ đã từ chối cấp học bổng cho sinh viên quốc tế, trong đó có VN. Tôi rất trăn trở về điều này. Năm 1992, tôi gặp một giáo sư người Canada, trao đổi mối quan tâm của tôi và vị giáo sư này đã sẵn sàng nhận sinh viên VN. Thế là cánh cửa du học bắt đầu mở ra với tôi và lần đầu tiên, Cty TNHH Ladeco đã hình thành và phát triển mô hình giáo dục tự túc sau khi vượt qua rất nhiều khó khăn về thủ tục.

Tuy nhiên, chi phí du học thường cao, thủ tục cũng không phải dễ vì thế trong đầu tôi xuất hiện ý tưởng chuyển giao công nghệ đào tạo, hay nói “nôm na” là nhập khẩu giáo dục. Từ 2+2 (2 năm trong nước, 2 năm nước ngoài) rút dần còn 3+1 và tiến tới 4+0 - hoàn toàn tổ chức trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế hay còn gọi là du học tại chỗ. Kèm theo mô hình 4+0, không chỉ là vấn đề hỗ trợ đầu tư kinh phí mà tạo cơ sở điều kiện cho sinh viên thực tập, hỗ trợ giảng viên thực hành, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên thông qua việc trả thù lao lao động thực tập cho họ. Về học phí thì phải áp dụng chính sách tín dụng cho sinh viên. Có như vậy thì mới triển khai chương trình đào tạo quốc tế trong điều kiện của VN.

- Có lẽ, cũng khó đưa chương trình và cách đào tạo quốc tế vào điều kiện của VN hiện nay, thưa ông ?

Từng đưa hàng vạn sinh viên VN đi du học, tôi khẳng định điều này nằm trong tầm tay. Vấn đề là thỏa thuận liên kết như thế nào để đáp ứng yêu cầu của mỗi bên và cuối cùng là khâu kiểm định chất lượng phải đạt chuẩn quốc tế.

Khát vọng của một người làm thầy là được góp một phần nhỏ “đầu tư”” cho thế hệ tương lai - có đủ tài, đức làm rạng danh quê hương đất nước.

Trường Đại học Nguyễn Trãi dù còn rất non trẻ nhưng đã thỏa thuận nguyên tắc liên kết với Trường Đại học Barcelona của Tây Ban Nha, đào tạo giảng viên với một số đại học ở Đức như Trường Hamburg, Kinh tế kỹ thuật ứng dụng Berlin... và một số trường ở Anh, Philippines để trao đổi giáo trình, giảng viên, sinh viên.

- Nhưng tôi vẫn băn khoăn, chuẩn đầu vào của các trường dân lập rất thấp, thậm chí “vơ bèo vạt tép”. Vậy ông làm cách nào để sinh viên của mình có thể tiếp cận với chương trình và phương pháp đào tạo quốc tế?

Không chỉ riêng bạn mà đã có nhiều người cho rằng, sinh viên ngoài công lập là sinh viên hạng hai. Tôi lại không nghĩ thế, vì cơ hội cho các bạn trẻ là như nhau. Vấn đề là mình tạo ra được môi trường để các em có thể khám phá bản thân, đánh thức tiềm năng của mình, vượt lên chính mình. Tôi thường lấy những ví dụ thực tế như Edison từng bị coi là thiểu năng trí tuệ mà trở thành nhà phát minh vĩ đại. Adam Cor từ một cậu bé không biểu hiện tài năng gì lúc nhỏ mà 17 tuổi đã thành tỉ phú hay như các vận động viên khuyết tật, họ vẫn có được những vinh quang chói lọi trên đường đua… Tại sao các em sinh viên của tôi lại không làm được cái gì đó cho bản thân các em cũng như cho gia đình và xã hội. Tôi còn nhớ một câu nói “Phải biết nói có với mọi thành công và nói không với thất bại, bi quan chán nản” - và câu nói này luôn được tôi truyền tới các thế hệ sinh viên của mình với tâm thế phải luôn biết hướng lên phía trước dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

- Xin hỏi ông câu cuối, như ông nói, hiện VN đang “trăm đại học đua nở” và những người đầu tư vào giáo dục (trong đó có giáo dục đại học) hiện đang là những nhà đầu tư mạo hiểm ?

Chúng tôi là những nhà đầu tư tương lai và tôi tin chúng tôi sẽ thành công !

- Xin cảm ơn ông !

Mai Thanh thực hiện

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20121122095637160cat113/dau-tu-cho-giao-duc-la-lai-nhat-.htm