Đầu tư 400 triệu USD phục hồi rừng vì lợi ích sức khỏe con người và ứng phó với biến đổi khí hậu

Phục hồi rừng là giải pháp tự nhiên để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhờ tác dụng loại bỏ khí các-bon khỏi không khí và góp phần vào việc tăng khả năng thích ứng và chống chịu của khí hậu.

AstraZeneca vừa công bố khoản đầu tư trị giá 400 triệu USD (tương đương khoảng 9,4 nghìn tỷ VND) vào chương trình có quy mô toàn cầu mang tên AZ Forest, nâng tổng cam kết lên 200 triệu cây xanh được trồng tới năm 2030 và duy trì lâu dài.

Khoản đầu tư này bao gồm các dự án mới hoặc dự án mở rộng tại Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Ghana và Rwanda. Khoản đầu tư này nối tiếp cam kết ban đầu của chương trình AZ Forest do AstraZeneca khởi xướng năm 2020 để trồng và duy trì hơn 50 triệu cây xanh cho tới năm 2025. Sáng kiến này nhằm ghi nhận mối liên kết chặt chẽ giữa sức khỏe của con người và sức khỏe của hành tinh.

Thông qua AZ Forest đặt mục tiêu sẽ loại bỏ lượng khí thải còn lại trong khí quyển từ năm 2030 trở đi.

Tổng Giám đốc Điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot cho biết, cuộc khủng hoảng kép gây ra do biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đang gây tổn hại đến hành tinh và sức khỏe con người.

"Thông qua AZ Forest, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng địa phương và chuyên gia sinh thái để thực hiện phục hồi rừng trên quy mô lớn, cũng như hỗ trợ đa dạng sinh học và duy trì sinh kế cho người dân. Theo cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học của chúng tôi, AZ Forest sẽ loại bỏ khoảng 30 triệu tấn khí thải các-bon khỏi bầu khí quyển trong 30 năm tới"- ông Pascal Soriot nói.

AZ Forest là một chương trình thuộc chiến lược phát triển bền vững mang tên "Tham vọng không các-bon" nhằm tập trung giảm sâu phát thải các-bon, đóng góp cho mục tiêu hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5°C của Thỏa thuận Paris.

Ba phần tư diện tích đất trên toàn cầu đã bị xáo trộn đáng kể bởi các hoạt động của con người, với những ảnh hưởng sâu sắc lên các hệ sinh thái và sức khỏe dân số. Phục hồi rừng là giải pháp tự nhiên để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhờ tác dụng loại bỏ khí các-bon khỏi không khí và góp phần vào việc tăng khả năng thích ứng và chống chịu của khí hậu.

Thông qua việc bảo vệ tài nguyên nước, tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng, giảm nhiệt độ bề mặt trái đất và không khí, chống ô nhiễm không khí, những nỗ lực khôi phục cảnh quan rừng và đa dạng sinh học sẽ giúp củng cố sức khỏe con người, bên cạnh các lợi ích khác cho cộng đồng và nền kinh tế.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-tu-400-trieu-usd-phuc-hoi-rung-vi-loi-ich-suc-khoe-con-nguoi-va-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-16923063015094906.htm