Dấu tích ca từ trong Trường ca Dã tràng và ca khúc Trịnh Công Sơn

Trong nền âm nhạc Việt Nam, Nhạc Trịnh Công Sơn (TCS) là 'gu' thưởng thức âm nhạc của một bộ phận lớn công chúng. Giới mộ điều nhạc TCS ngày càng có thêm những khám phá mới về người nhạc sĩ này, dĩ nhiên, những khám phá được nhắc đến trước nhất là về âm nhạc.

TCS viết trường ca là chuyện ít người biết khi nhạc Trịnh đã thịnh hành trước và sau năm 1975. Chỉ đến khi ông mất, nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân (vốn người quê Quảng Nam, là bạn của Trịnh) đã dày công tìm hiểu và công bố trường ca Dã tràng ca. 3 năm sau ngày Trịnh qua đời, ca sĩ Ánh Tuyết đã công diễn trường ca và gần đây là Đức Tuấn trình bày.

Về tên gọi bài trường ca này, có khi đề là Tiếng hát dã tràng nhưng phổ biến vẫn là Dã tràng ca. Về năm ra đời, các tài liệu đưa ra những dữ liệu khác nhau (1962, 1963, 1964). Về thời điểm biểu diễn đầu tiên, tư liệu đưa ra khá thuyết phục là trường ca được biểu diễn trong lễ mãn khóa giáo sinh khóa 1 Trường Sư phạm Quy Nhơn năm 1964 mà TCS là giáo sinh khóa ấy.

Trường Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường đại học Quy Nhơn) được thành lập năm 1962, chuyên đào tạo giáo viên tiểu học và bổ túc sư phạm, thời gian đào tạo 2 năm, tuyển sinh Tú tài 1.

Trường ca Dã tràng ca gồm 2 phần, có 13 đoản khúc với những tiểu đề riêng. Phần 1 có 5 đoản khúc gồm: Lời biển vọng, Tiếng hát của dã tràng - bể cát và thân phận đó, Bãi cát chiều và lời vỗ về của người khách lạ, Niềm đau vô vàn của thân phận, Lời nói trên không. Phần 2 có 8 đoản khúc gồm: Tuổi 20 vào đời, Niềm đau khoảng không, Buồn vui và tuổi đó, Chốn nương náu, Lời buồn thánh, Bốn mùa là niềm vô vọng, Ngỏ ý và Chốn trú ẩn cuối cùng (đoản khúc 13 này có có tên phụ là Tình yêu mọc cánh thiên thần).

Đoản khúc thứ 10/13 có tên là Lời buồn thánh dễ khiến ta nhớ ngay đến ca khúc Lời buồn thánh của ông. Ca từ của đoản khúc trong trường ca và ca khúc khác nhau khá xa. Tuy vậy, có chỗ giống nhau là Tay dài gối giấc ngủ vùi/ nghe mình hóa thân lâu rồi (đoản khúc Lời buồn thánh) và Tôi xin năm ngón tay em thiên thần/ trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi/ tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn (ca khúc Lời buồn thánh).

Năm 1964, TCS tốt nghiệp và lên Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) dạy học, ca khúc Lời buồn thánh viết trong khoảng thời gian 1964 -1967, trước khi về Sài Gòn với ca từ Chiều chủ nhật buồn/ nằm trong căn gác đìu hiu. Có người từng nhận xét rằng, trường ca Dã tràng ca là đoàn chim “báo bão” hàng loạt ca khúc của TCS về thân phận con người, về tuổi trẻ và về dân tộc.

Dừng lại tên một vài đoản khúc hao hao tên các ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh này, có thể thấy: Đoản khúc 11 - Bốn mùa là niềm vô vọng: Xuân hạ thu đông, bốn mùa làm tóc trắng/ tôi gọi cơn đau cho nước vỡ nguồn; ca khúc Gọi tên bốn mùa: Rồi mùa xuân không về/ mùa thu cũng ra đi/ mùa đông vời vợi/ mùa hạ khói mây. Bốn mùa làm tóc trắng trong trường ca có khác bao nhiêu đâu các mùa không về, ra đi, vời vợi, khói mây trong ca khúc! Hay như đoản khúc 4 có ca từ còn dài mãi sau đời lên cơn đau thì trong Hạ trắng có câu Đời xin có nhau dài cho mãi sau…

Một trong những ca khúc được nhiều người thưởng thức là bài Biển nhớ với Ngày mai em đi/ biển nhớ tên em gọi về/ gọi hồn liễu rũ lê thê/ gọi bờ cát trắng đêm khuya. Còn trong Dã tràng ca, Trịnh viết: Trùng dương ơi đã mấy ngàn năm/ gọi miên man cho sóng triều lên/ quên dã tràng ngày đêm xe cát/ trùng dương ơi sao nỡ bỏ quên/ gọi cơn đau khi sóng triều lên/ công dã tràng muôn đời vỡ tan.

13 đoản khúc, dài ngắn khác nhau, 89 câu, Dã tràng ca có nhiều ca từ xuất hiện trong các ca khúc sau này của TCS. Sau này, Trịnh có viết trường ca Đóa hoa vô thường nhưng Dã tràng ca có ý nghĩa và vị trí đặc biệt trong sáng tác của ông: Một dự báo tài năng âm nhạc.

Trần Chiêm Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202404/dau-tich-ca-tu-trong-truong-ca-da-trang-va-ca-khuc-trinh-cong-son-a634c21/