Đấu thầu qua mạng: Vì sao thành phố lớn quan ngại, Sơn La làm tốt?

Câu chuyện về tỉnh Sơn La trở thành một trong những địa phương thúc đẩy sớm hoạt động đấu thầu qua mạng được đưa ra tại 'Diễn đàn Đấu thầu qua mạng 2018' sáng 8/8 đã đặt ra câu hỏi: Vì sao thành phố lớn còn quan ngại trước xu thế tất yếu của phương thức đấu thầu thời công nghệ 4.0 này?

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn

Sơn La, EVN và những con số biết nói

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hình thức đấu thầu qua mạng được triển khai mạnh mẽ từ năm 2010 và tới nay cũng đã có những kết quả ấn tượng khi thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu qua mạng thay vì đấu thầu truyền thống.

Đặc biệt, Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực từ 01/03/2018 với nhiều điểm đột phá, trong đó mở rộng phạm vi đấu thầu qua mạng bao gồm cả các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá trị cao, áp dụng hình thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, và tối ưu hóa quy trình lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã giúp nhà thầu “săn” thông tin đấu thầu một cách nhanh chóng và đơn giản thông qua Hệ thống do các nội dung trong hồ sơ mời thầu qua mạng được tách bạch thành từng chỉ mục rõ ràng.

Những tiện ích này đã nhanh chóng được lãnh đạo tỉnh Sơn La, đặc biệt là Sở KH&ĐT Sơn La nhận thức rõ, sớm giúp các bên liên quan áp dụng ngày càng hiệu quả.

“Trong công tác đấu thầu, Sơn La nhận thức được ưu điểm của đấu thầu qua mạng. Từ năm 2017, Sơn La bắt đầu thực hiện đấu thầu điện tử và đã thực hiện được 53 gói đấu thầu điện tử. Từ đầu năm 2018 đến nay đã thực hiện được 115 gói đấu thầu điện tử”, bà Hà Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La chia sẻ.

Bà Châu cho biết, kết quả triển khai cho thấy, đấu thầu qua mạng đã đưa lại công bằng, minh bạch cho các bên, thu hút được nhiều nhà thầu quan tâm hơn. Chủ đầu tư/bên mời thầu giảm được các chi phí, thời gian. Phía nhà thầu không phải đi lại nhiều lần. Theo đấu thầu truyền thống, tỉ lệ tiết kiệm qua đấu thầu qua mạng đạt cao hơn đấu thầu truyền thống, có gói thầu giảm tới 9,5% nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ.

“Hiện Sơn La đang cố gắng thu hút nhiều nhà thầu tham gia Hệ thống. Các bên mời thầu cho biết tỉ lệ giảm giá trong đấu thầu chúng tôi thường thấy ở mức 1-2% nhưng có những gói đấu thầu qua mạng giảm đến 9,5% mà hiệu quả chất lượng công trình vẫn đảm bảo tốt. Các gói thầu mà Sơn La thực hiện chỉ trên 1 tỷ đến dưới 20 tỷ đồng là phổ biến nhưng chúng tôi thấy rất hiệu quả”, bà Châu nói.

Đại diện một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, bà Phạm Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Từ 2009 đến nay, đấu thầu qua mạng của EVN đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Bà Phạm Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu, EVN tham gia thảo luận tại Diễn đàn

“Chúng tôi không cố gắng đạt vị trí thứ nhất hay thứ hai, mà cái được là sự thay đổi về mặt nhận thức. Qua quá trình triển khai thực hiện, 2009 có hơn 10 gói thầu đấu thầu qua mạng, nhưng 2012 khoảng 200 gói, 2017 là xấp xỉ 4000 gói, từ 2018 đến nay là hơn 4500 gói. Các gói thầu trước đây chủ yếu là quy mô nhỏ, nhưng gần đây các gói lớn đã đã đấu thầu qua mạng, gói lớn nhất là xấp xỉ 200 tỷ đồng. Đó là những con số biết nói”, bà Hà nhấn mạnh.

Góc khuất cần loại bỏ

Câu chuyện về tỉnh Sơn La và thành tích vượt trội trong hoạt động đấu thầu qua mạng của EVN đã chứng minh cho Diễn đàn thấy rõ hơn để trả lời câu hỏi: Vì sao thành phố lớn quan ngại, tỉnh nhỏ Sơn La làm tốt, trong một xu thế tất yếu của phương thức đấu thầu qua mạng thời công nghệ 4.0?

Bàn sâu về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh về 3 trụ cột trong xây dựng hệ sinh thái cho đấu thầu qua mạng. Đó là khuôn khổ pháp lý, tạo ra cuộc chơi; xây dựng công cụ để chơi và môi trường để nhận thức đầy đủ về cuộc chơi.

“Tuy nhiên, trở ngại cho vấn đề này là cần thay đổi nhận thức. Chúng ta thảo luận những giá trị cốt lõi, lợi ích rõ ràng thế nhưng các bên lại không chịu tham gia. Nhiều thành phố lớn nói khó trong khi một tỉnh nhỏ như Sơn La làm tốt. Phải thay đổi được nhận thức, có sự đồng thuận chúng ta mới tạo được hệ sinh thái này”, ông Trương nói.

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh về 3 trụ cột trong xây dựng hệ sinh thái cho đấu thầu qua mạng.

Thẳng thắn hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng trong công tác đấu thầu tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương hiện nay, có 2 khó khăn lớn nhất, 1 là kỹ thuật, 2 là nhận thức. Trong đó, khó khăn về mặt nhận thức quan trọng hơn. Để thay đổi từ cách đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng, giai đoạn đầu tiếp cận mọi người không hứng thú lắm, bởi vì không còn góc khuất. Do đó, đến giờ mới có 18% gói thầu được thực hiện qua mạng, còn kém xa so với mục tiêu.

Ông Tuấn nhấn mạnh: Trong 119 cơ quan thực hiện đấu thầu, còn 41 cơ quan đơn vị chưa thực hiện một gói thầu nào qua mạng. Chúng tôi báo cáo Chính phủ để có biện pháp mạnh mẽ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị với công tác đấu thầu qua mạng. Nếu người lãnh đạo thực sự quyết tâm thì điều gì cũng có thể làm được.

Cụ thể hơn, Cục trưởng Cục Quản lý ffấu thầu cho biết: “Bàn của Thủ tướng đã có danh sách các bộ ngành, địa phương chậm thực hiện đấu thầu qua mạng và chúng tôi sẽ công khai danh sách này. Đặc biệt, những địa phương nào chỉ định thầu nhiều, tỷ lệ đấu thầu thấp đều sẽ công khai”.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp WB và ADB để hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và xây dựng thêm một số tiện ích khác, tạo thuận lợi cho người dùng. Bộ kỳ vọng vào sự chia sẻ và tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các nhà tài trợ như WB, ADB, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp để phát triển Hệ thống, từ đó, tạo môi trường bình đẳng và công bằng hơn cho các nhà thầu trong thời gian tới.

Nhật Tân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/dau-thau-qua-mang-vi-sao-thanh-pho-lon-quan-ngai-son-la-lam-tot-3140.html