Dấu son thành Điện Hải

Thành Điện Hải là biểu tượng tuyệt vời về lòng yêu nước của quân dân ta trên mặt trận Đà Nẵng trong buổi đầu kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỷ XIX.

Thành Điện Hải xứng đáng là biểu tượng kiên cường trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc ở mặt trận Đà Nẵng giữa thế kỷ XIX. Ảnh: XUÂN DŨNG

Sách “Thành Điện Hải - Lịch sử kiến trúc và vai trò trong cuộc kháng chiến chống Tây xâm lược ở Đà Nẵng (1858-1860)” của Nguyễn Quang Trung Tiến và Huỳnh Đình Quốc Thiện (NXB Đà Nẵng, 2020) đã viết rất cụ thể và rất sâu về quá trình hình thành cùng những bước “chìm nổi” của thành. Bài viết này đề cập chủ yếu đến nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải.

Tầm nhìn của nhà Nguyễn về vị trí chiến lược của Đà Nẵng

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các vua đầu nhà Nguyễn cho xây dựng hệ thống các công trình phòng thủ nhiều đến vậy ở Đà Nẵng, từ Hải Vân Quan xuống đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải dưới chân núi Hải Vân rồi chạy dọc ven biển đến bán đảo Sơn Trà và vào bên trong sông Hàn với hai thành kiên cố là An Hải ở bờ đông và Điện Hải ở bờ tây. Tất nhiên, hệ thống công trình phòng thủ này trước hết nhằm đánh chặn từ xa để bảo vệ kinh đô Huế nhưng về tổng thể là nhằm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công nước ta qua cửa biển Đà Nẵng mà mục tiêu đầu tiên là chiếm thành Điện Hải. Như vậy, nếu tính từ khi vua Gia Long cho xây đồn Điện Hải ở vị trí sát mép nước vào năm 1813, thì cách đến 45 năm, và nếu tính từ khi vua Minh Mạng cho xây thành Điện Hải ở vị trí ngày nay (khởi công năm 1822, hoàn thành năm 1823), thì cách đến 35 năm.

Rõ ràng là, các vua đầu nhà Nguyễn có tầm nhìn xa về vị trí chiến lược của Đà Nẵng, và có ý thức trách nhiệm cao trong việc bảo vệ Đà Nẵng cũng như bảo vệ Tổ quốc trước họa ngoại xâm khi cho xây dựng hệ thống công trình phòng thủ gồm nhiều đồn lũy, pháo đài, nhất là thành Điện Hải bên bờ sông Hàn.

Góp phần quan trọng vào thắng lợi ở mặt trận Đà Nẵng

Trong buổi đầu kháng Pháp, nhiều đồn lũy, thành quách trên đất nước ta nhanh chóng thất thủ trước sức tấn công mạnh mẽ của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Sau khi thất bại trong chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” tại mặt trận Đà Nẵng, thực dân Pháp đưa quân vào tấn công thành Gia Định vào ngày 17-2-1859, và thành này chỉ cầm cự được vài giờ rồi thất thủ, các tướng giữ thành là Võ Duy Ninh và Lê Từ đã tự vẫn.

Thực dân Pháp tấn công thành Vĩnh Long lần đầu năm 1862, và thành chỉ cầm cự được 3 ngày (20 đến 23-3) rồi thất thủ; chúng tấn công thành Vĩnh Long lần thứ 2 vào ngày 20-6-1867. Trước sức mạnh của kẻ thù, kinh lược Phan Thanh Giản quyết định trao thành, tránh đổ máu vô ích, tuyệt thực 17 ngày rồi uống thuốc độc tự vẫn.

Thực dân Pháp đem quân ra tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất ngày 20-11-1873, tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy chỉ chống cự được vài giờ rồi thành thất thủ, ông bị thương và nhịn ăn mà chết. Con trai ông là Nguyễn Lâm cũng hy sinh. Chúng tấn công Hà Nội lần thứ 2 vào 25-4-1882, thành cũng chỉ cầm cự được một buổi sáng rồi thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn để giữ tròn khí tiết.

Trong khi đó, quân dân ta ở Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương đã quần nhau với giặc bên trong và chung quanh thành Điện Hải suốt 18 tháng trời. Thành Điện Hải đã hai lần thất thủ vào tay thực dân Pháp vào ngày 2-9-1858 và ngày 29-4-1859, nhưng quân ta đã chiến đấu kiên cường, bao vây kẻ thù rồi chiếm lại được thành một cách ngoạn mục, làm cho chúng thất bại về mặt quân sự và rút khỏi Đà Nẵng vào tháng 2-1860.

Chiến thắng của ta ở mặt trận Đà Nẵng là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như tinh thần yêu nước nồng nàn cùng sự dũng cảm hy sinh của quân dân; có các tướng lĩnh chỉ huy giỏi, triều đình luôn khích lệ, thưởng phạt nghiêm minh, và trong chiến thắng đó, có sự đóng góp của các công trình phòng thủ mà tiêu biểu nhất là thành Điện Hải. Thành Điện Hải xứng đáng là biểu tượng kiên cường trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc ở mặt trận Đà Nẵng giữa thế kỷ XIX.

Nỗ lực “giải cứu” thành Điện Hải

Là tâm điểm trong cuộc giao tranh giữa quân dân ta và liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860) nên thành Điện Hải bị tàn phá, hư hỏng là điều tất yếu. Sau khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa (1888), người Pháp phá sạch những hạng mục trong thành để xây dựng bệnh viện dã chiến cho quân đội Pháp năm 1895, rồi xây tiếp một Nhà nguyện ở góc Đông Nam thành vào năm 1900. Đó cũng là điều không tránh khỏi khi Đà Nẵng nằm hoàn toàn trong tay thực dân Pháp.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, một điều rất đáng tiếc là thành Điện Hải chẳng những chưa được bảo vệ mà còn bị xâm phạm. Tuy nhiên, trước thực trạng di tích quốc gia thành Điện Hải có nguy cơ cao biến thành một phế tích, cuối năm 2016, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao quyết liệt tham mưu lãnh đạo thành phố nhìn nhận lại giá trị và đề nghị có chỉ đạo khẩn cấp cứu thành Điện Hải.

Cụ thể là phải dừng ngay việc triển khai xây dựng Trung tâm Lưu trữ ở vùng đệm phía bắc thành Điện Hải, và đề nghị không chấp nhận chủ trương xây bãi đỗ xe ngầm hoặc bãi đỗ xe nổi tại đây. Đồng thời, đề nghị chỉ đạo lập ngay hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và công nhận thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2017. Tiếp đó, thành phố vận động 80 hộ dân và 3 cơ quan Nhà nước di dời khỏi phần lõi và phần đệm của thành, rồi đầu tư hơn 100 tỷ đồng phục hồi nguyên trạng tường cao hào sâu, đồng thời xây dựng công viên cây xanh ở phía bắc và phía tây của thành Điện Hải.

Giai đoạn 2 của dự án “bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải” gồm các hạng mục xây dựng ngay trong lòng thành, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê chuẩn đồ án kiến trúc, và được UBND thành phố đưa vào danh mục các công trình động lực, trọng điểm để đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện này hơi chậm, bởi chưa hạ giải được Bảo tàng Lịch sử đang tọa lạc giữa mặt thành.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử

Thành Điện Hải có lịch sử tròn 200 năm xây dựng (1823-2023) và chẵn 165 năm là “nhân chứng” cho một thời kỳ lịch sử bi hùng của dân tộc, là nơi lưu giữ ký ức thời kháng chiến không chỉ cho Đà Nẵng và còn cho cả nước. Nó gắn liền với tinh thần quả cảm cùng biết bao máu xương của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Việc bảo tồn thành Điện Hải nhằm góp phần phát huy truyền thống và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau là vô cùng cần thiết. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý của chúng ta hôm nay.

Những điều thật đáng tiếc đã xảy ra trong việc xem nhẹ yếu tố văn hóa và xâm phạm di tích văn hóa, lịch sử cần được các cơ quan chức năng nghiêm túc rút kinh nghiệm để không lặp lại, bởi nếu còn để lặp lại sẽ bị hậu thế chê trách, thậm chí phải trả giá như một nhà văn đã nói: “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

Đối với độ ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, giáo dục và phát huy truyền thống, cần thường xuyên nâng cao kiến thức về công tác quản lý di sản, tham mưu một cách tích cực, quyết liệt và trách nhiệm cho các cấp lãnh đạo. Nếu anh biết mà không tham mưu, hoặc tham mưu được chăng hay chớ, không đến nơi đến chốn, để đến khi di sản bị xâm hại thì trách nhiệm trước hết thuộc về những người được giao nhiệm vụ làm công tác văn hóa.

Dẫu qua bao biến động thăng trầm, nhưng cuối cùng thành Điện Hải vẫn tồn tại và hiện nay tiếp tục được thành phố đầu tư tu bổ, phục hồi. Thực sự đó là một điều rất may mắn cho nhân dân thành phố. Với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và với trách nhiệm của những người làm văn hóa trước đây cũng như hiện nay, chắc chắn rằng trong một ngày không xa, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thành Điện Hải sẽ là một điểm đến thú vị, bổ ích, là một địa chỉ không thể bỏ qua của người dân và du khách thập phương.

Tháng 8-2023
NSND HUỲNH HÙNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202308/dau-son-thanh-dien-hai-3954984/