Đau ngực không đi khám, nam bệnh nhân cấp cứu vì nhồi máu cơ tim

Đau ngực trái 2 năm nhưng không đến bệnh viện thăm khám, nam bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.

Chủ quan đau tức ngực... dễ mất mạng

Nam bệnh nhân 74 tuổi đến bệnh viện khám bệnh với biểu hiện đau thắt ngực trái kèm khó thở, bệnh nhân cho biết trong khoảng 2 năm gần đây có nhiều đợt đau tức ngực trái xong tự hết nên không đến bệnh viện thăm khám, đợt này bệnh nhân đau ngực trái khoảng 5 ngày nay đau từng cơn, đau tức nặng, lan lên cổ, mỗi cơn kéo dài 30 phút - 1 tiếng. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, tăng mỡ máu điều trị thường xuyên tại nhà.

Bác sĩ Piter, trưởng khoa tim mạch và cộng sự khoa Tim mạch đã tư vấn bệnh nhân nhập viện chụp động mạch vành qua da. Kết quả chụp ĐMV qua da có hình ảnh bệnh ba thân động mạch vành: xơ vữa gây hẹp 60% LAD(p), 80% LAD (m) đoạn chia đôi với nhánh Diagonal 1 quan trọng, Medina 1.1.1, 80% LCx(p), 80-90% RCA(p), 95% PLV (động mạch thủ phạm là RCA, PLV). Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp CT chênh lên.

Ekip can thiệp tiến hành nong, đặt 2 stent: Xlimus 2.5x20mm vào PLV (o-p), Synergy 3.5x38 mm vào RCA(p-m), sau can thiệp dòng chảy tái thông tốt, TIMI 3.

Bệnh nhân toàn trạng ổn định, đã chuyển về Khoa Tim mạch theo dõi và điều trị.

Đau ngực không đi khám, bệnh nhân cấp cứu vì nhồi máu cơ tim cấp.

Các bác sĩ khuyến cáo đến người dân: Nhồi máu cơ tim cấp là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm ngoài các triệu chứng điển hình như:

- Đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức;

- Khó thở;

- Tim đập nhanh;

- Đổ mồ hôi lạnh; Xây xẩm, chóng mặt

Một số bệnh nhân có triệu chứng như buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày có thể đau lan lên cổ và cánh tay nên người dân rất dễ nhầm lẫn với cơn đau dạ dày. Chính vì vậy khi có những biểu hiện trên người dân nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch để được kịp thời điều trị, tránh biến cố nguy hiểm tới tính mạng.

Cảnh giác triệu chứng bệnh

Bác sĩ Piter cho biết, nhồi máu cơ tim cấp trong thời đại này được coi là một gánh nặng và có nguy cơ rất cao đối với sức khỏe của người dân không chỉ ở người già mà cả người trẻ. Khi bị bệnh cần tái lưu thông mạch vành sớm để tránh biến cố nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, theo các quan sát gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa. Đã có không ít các trường hợp mắc bệnh được điều trị, can thiệp trong độ tuổi từ 40.

Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim chủ yếu là cơn đau thắt ngực ở vị trí sau xương ức lan lên trên dưới hàm, tay trái. Thi thoảng người bệnh bắt gặp cơn đau thượng vị như cơn đau của bệnh lý tiêu hóa.

Các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, bị đánh trống ngực, nôn, buồn nôn, thậm chí là lú lẫn, hay quên...

Người trẻ tuổi hoàn toàn không nên chủ quan với các dấu hiệu trên. Cần nắm bắt các triệu chứng của cơ thể để đánh giá, chẩn đoán bệnh và đi khám sớm nhất có thể tránh cơn nhồi máu cơ tim đột ngột gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/dau-nguc-khong-di-kham-nam-benh-nhan-cap-cuu-vi-nhoi-mau-co-tim-1961258.html