Đầu năm, xuất khẩu ngành gỗ khởi sắc

Năm 2023, xuất khẩu ngành gỗ gặp khó khăn, không đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, sang năm 2024, tình hình xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu gỗ nói riêng đã ghi nhận các tín hiệu khả quan.

Khách hàng quốc tế tham quan sản phẩm tại hội chợ Quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024). Ảnh: V.Gia

Xuất khẩu tăng trưởng trở lại, song vẫn còn đó những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của ngành. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng phải nắm bắt được thông tin, xu hướng tiêu dùng của các thị trường lớn để thuận lợi hơn trong việc mở rộng biên độ xuất khẩu.

* Xuất khẩu tăng trưởng trở lại

Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) Trần Ngọc Liêm cho biết, gỗ và nội thất là ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và thuộc tốp 5 thế giới. Năm 2023, xuất khẩu đồ gỗ và nội thất chỉ đạt 16 tỷ USD, giảm 14,8%, giảm hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu chung của tất cả các ngành.

Tuy vậy, cũng theo ông Liêm, phân tích từ dữ liệu thống kê hải quan cho thấy, ngành này cũng có những điểm sáng và hồi phục từ cuối năm 2023, đầu năm 2024. Cụ thể, năm 2023, vẫn có các thị trường tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tốt như: Na Uy tăng 525%, Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Campuchia tăng 45%...

Đồng Nai có giá trị xuất khẩu ngành gỗ lớn thứ 2 cả nước, sau Bình Dương. Diễn biến thị trường thế giới do vậy cũng có sự tác động đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gỗ trên địa bàn. Dấu hiệu tích cực trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng đã xuất hiện trở lại.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, 2 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa có tín hiệu tích cực hơn. Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới, cùng với đó tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Xuất khẩu hồi phục rõ nét. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,6 tỷ USD (tăng 19,6% so với 2 tháng đầu năm 2023). Trong đó, mặt hàng gỗ xuất khẩu 2 tháng đầu năm là 279,3 triệu USD, tăng 69,7% so với cùng kỳ năm 2023.

VIFA EXPO 2024 là hội chợ tiên phong trong chuỗi hội chợ nội thất lớn nhất châu Á năm 2024. Ngay sau sự kiện này, các nhà mua hàng nội thất thế giới sẽ tiếp tục tham quan các hội chợ uy tín trong chuỗi, bao gồm IFEX Indonesia (từ ngày 29-2 đến ngày 3-3), MIFF Malaysia (từ ngày 1 đến 4-3), EFE Malaysia (từ ngày 4 đến 7-3), CIFF China (từ ngày 18 đến 21-3 và từ ngày 28 đến 31-3)…

* Cần nghiên cứu rõ xu hướng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu

Khởi đầu cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong ngành, từ ngày 26 đến 29-2, tại TP.HCM đã diễn ra hội chợ Quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024).

Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh, Trưởng ban Tổ chức hội chợ chia sẻ, hội chợ là dịp tăng liên kết với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hội chợ được tổ chức phù hợp theo tình hình mới, thu hút khách hàng mới, mở rộng thị trường xuất khẩu mới để bù lại các thị trường truyền thống đang suy giảm; từng bước xây dựng mạng lưới đa dạng, đa phương với chiến lược phát triển bền vững. Triển lãm được kỳ vọng sẽ là cú hích tạo đà tăng trưởng, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thay đổi cách tiếp cận với thị trường để vượt qua thách thức, nắm chắc cơ hội phát triển trở lại trong thời gian tới.

Đối với các doanh nghiệp, điều lưu ý trong xuất khẩu là phải nghiên cứu kỹ thị trường thế giới. Mặc dù đã có triển vọng hơn, song gỗ và nội thất là ngành đang phải đối mặt với một số vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn Trần Quốc Mạnh nhận định, ngành gỗ đang đối mặt với những rủi ro về nguyên liệu nhập khẩu, quy định chống phá rừng của EU, yêu cầu sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp. Ngoài ra, xung đột ở Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển ra thông báo dừng vận chuyển hàng hoặc thay đổi lịch trình khiến cước vận tải gia tăng cũng sẽ có ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải tính đến bài toán vừa đảm bảo chất lượng, vừa phải giảm được giá thành sản phẩm để cạnh tranh được trên thị trường.

Tương tự, bà Alessandra Tracona, đại diện Tổ chức CSIL Milano (Italy) chuyên nghiên cứu về thị trường gỗ trên thế giới cho hay, việc nắm rõ những xu hướng mua hàng của thế giới, nhất là các khu vực Mỹ, châu Âu sẽ là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202402/dau-nam-xuat-khau-nganh-go-khoi-sac-b905efb/