Đầu năm Nghệ An khan hiếm thợ xây dựng

Đầu năm nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng, công trình Nhà nước tăng cao, tuy nhiên tại Nghệ An lại khan hiếm lao động thợ xây khiến nhiều công trình khó đảm bảo theo tiến độ so với dự kiến.

Ra Tết một số công trình ở huyện Yên Thành chưa thể xây dựng do thiếu thợ xây dựng. Ảnh: Văn Trường

Khan hiếm thợ xây

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, theo đó, lực lượng thợ xây thường làm không hết việc. Nhất là dịp cuối năm và sau Tết, những người thợ xây trở nên "đắt khách" khi mà nhu cầu đủ thợ đủ “quân” để chạy đua cho các công trình.

Những ngày đầu năm, có mặt tại một công trình xây dựng nhà cao tầng có vốn Nhà nước tại Trung tâm Y tế Yên Thành, thấy có khá ít lao động đang thi công tại công trường. Đại diện đơn vị thi công chia sẻ: Căn nhà cao tầng đã xây xong phần thô, hiện đang giai đoạn hoàn thiện, ngày bình thường có hơn 30 lao động cả thợ xây và phụ hồ. Nhưng sau Tết đã hơn 20 ngày nhưng chỉ có 16-17 lao động, hiện chúng tôi đang liên lạc để gọi thợ, nếu không đủ "quân" sẽ ảnh hưởng đến tiến độ.

Ngoài ra, các công trình dân sinh ở huyện Yên Thành đang thiếu lao động sau Tết. Ông Trần Văn Hải - một người dân ở xã Trung Thành (Yên Thành) chia sẻ: Từ ngày 16/1 (âm lịch) đã đào xong móng nhà nhưng chủ thầu đang thiếu thợ, chỉ có 2-3 thợ nên tiến độ chậm. Chủ thầu chỉ mới có 2-3 thợ, hiện đang tích cực gọi thêm thợ ở các xã lân cận nhưng chưa tìm ra. Việc khó tìm thợ khiến chúng tôi bị đảo lộn kế hoạch, không thể vào ở nhà mới để kinh doanh, buôn bán theo dự kiến, chưa kể là thời gian kéo dài giá cả vật liệu có biến động có thể tăng cao.

Công trình xây dựng nhà dân ở xã Trung Thành (Yên Thành) đang đào móng nhà. Ảnh: Văn Trường

Ông Trần Minh Tâm - một chủ thầu ở huyện Diễn Châu cho biết: Trong Tết chúng tôi hợp đồng xây dựng 3 căn nhà cho dân, đều đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng ra Tết thiếu thợ trầm trọng. Lâu nay tổ thợ của tôi lúc nào cũng duy trì được từ 15-17 lao động, tuy nhiên, sau Tết có một số thợ xây lại vào miền Nam làm các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn nên thiếu hụt thợ, giai đoạn này bổ sung tìm thợ rất khó khăn.

Cùng cảnh ngộ, ông Lương Thanh Minh - một chủ thầu ở huyện Quỳnh Lưu cũng đang lâm vào cảnh “đỏ mắt đi tìm thợ”, khi có các hợp đồng các công trình thi công đã ký kết phải đảm bảo hoàn thành nhưng ra Tết thì không dễ tìm thợ. “Chúng tôi đang cần thêm khoảng 8-10 lao động nữa, trong đó chủ yếu là thợ xây có tay nghề để thi công 2 công trình vừa nhận trong Tết, nhưng kiếm mãi cũng chưa đủ thợ”, ông Minh nói thêm.

Ngoài công trình dân sinh, địa bàn Nghệ An ra Tết triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm như các dự án đường cao tốc, dự án đường ven biển, các dự án xây dựng khác của các huyện cũng đang gặp tình trạng thiếu lao động xây dựng. Theo tìm hiểu được biết, nhiều lao động bận việc ở quê thường phải hết tháng Giêng mới lên công trình, hoặc do không có hợp đồng giữa nhà thầu và lao động nên có thể họ tự tìm được nơi khác làm việc có mức lương cao hơn, vì vậy, các chủ thầu xây dựng rất bị động.

Một số công trình ở huyện Anh Sơn đang phải chờ bổ sung thêm thợ xây. Ảnh: Văn Trường

Thợ xây thu nhập cao nhưng ít người theo nghề

Qua tìm hiểu cho thấy, dù nghề thợ xây có thu nhập khá tốt, thợ chính từ 10-12 triệu đồng/người/tháng, thợ phụ từ 6-7 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên, hiện nay lao động trẻ rất ít người theo nghề này. Chia sẻ về vấn đề này, anh Lưu Văn Nam - một thợ xây ở huyện Diễn Châu cho rằng: Thợ xây là công việc chủ yếu làm ngoài trời, nặng nhọc, vất vả, luôn đối mặt với nguy hiểm, mất an toàn lao động, hầu hết không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thậm chí có khi làm các công trình xa nhà, phải ngủ lại ở lều, ở lán. Chưa kể chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, tái tạo sức lao động không đảm bảo khoa học, thời gian làm việc kéo dài, từ sáng sớm đến tối muộn, có khi làm xuyên cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Trong khi lao động ở nông thôn bây giờ hầu hết đổ vào miền Nam làm ở các khu công nghiệp, các nhà máy, lương ổn định, làm việc trong môi trường "nắng không đến mặt, mưa không đến đầu", được hưởng nhiều chế độ phúc lợi…

Ra Tết, một công trình dân sinh ở huyện Diễn Châu đang chờ thợ xây dựng. Ảnh: Văn Trường

Do khó khăn trong việc thu hút lao động xây dựng, nhiều đội thầu xây dựng đã phải đưa ra các giải pháp như thực hiện chế độ đãi ngộ tốt với những thợ xây, tìm kiếm thợ mới, thợ trẻ bằng cách nâng mức trả nhân công cao hơn. Bên cạnh đó, đầu tư máy móc, thiết bị nhằm giảm sự nặng nhọc cho người thợ, cũng như tăng năng suất lao động. Một số chủ thầu đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc có giá lên tới hàng chục triệu đồng như máy trộn hồ, máy làm sắt thép, máy tời vật liệu...

Tuy nhiên, đó chỉ là các giải pháp tạm thời, để ổn định cho nghề xây dựng, cần những giải pháp căn cơ hơn, thay đổi cách quản lý theo hướng bảo đảm quyền lợi sức khỏe, đời sống lâu dài cho người lao động, hướng đến một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt là phải đầu tư hệ thống dàn giáo, cốt pha, đảm bảo an toàn cho người lao động, có như vậy mới giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động trong ngành xây dựng như hiện nay.

Văn Trường

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/dau-nam-nghe-an-khan-hiem-tho-xay-dung-post285631.html