Dâu mới ‘lơ ngơ’ chuyện cơm nước

24 tuổi, Thy lấy chồng. Bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, mẹ chồng sai đi mổ cá, Thy thật thà đáp: ‘Con không biết mổ cá đâu. Con chỉ biết rán cá thôi. Canh cá hay cá kho con cũng... chịu’ khiến họ hàng bên nhà chồng nhìn Thy như ‘người ngoài trái đất’.

May có mẹ chồng đỡ lời: “Con không biết chỗ nào thì phải hỏi mẹ. Không biết thì học rồi sẽ biết. Có ai tự nhiên sinh ra đã giỏi rồi đâu”. Sau đó, mẹ chồng Thy kéo tay con dâu đến bên con cá và cái thớt, hướng dẫn làm thế này, làm thế kia... Hơn 1 năm làm dâu, bây giờ, chuyện mổ cá với Thy vẫn chưa thật “siêu” nhưng nói chung là cũng có “tay nghề”. Mỗi lần nhớ lại chuyện này, Thy tự nhận sao lúc đó mình “lơ ngơ như bò đội nón” thế, đã không biết làm lại không biết nói khéo để đỡ “mất điểm” với họ nhà chồng.

Ảnh minh họa

Cũng “lóng ngóng” chuyện cơm nước hồi mới làm dâu và cũng kém cả khoản ăn nói là Mai (Hà Đông, Hà Nội). Sau khi cưới, vợ chồng Mai về quê chồng ở hết một tuần mới lên. Quen ở nhà có người giúp việc và mẹ nên Mai đã chẳng bao giờ phải động đến mớ rau, miếng thịt. Hôm ấy, nhà chồng mổ ngan, mẹ chồng sai vặt lông ngan, Mai giãy nảy: “Sao lúc mua mẹ không nhờ người ta làm sạch cho?”.

Vừa hỏi xong thì Mai ngượng nghịu rồi tự giải đáp: “À, con quên. Ngan này bố mẹ nuôi nên không phải mua. Thế ở gần đây có chỗ nào thuê người ta vặt lông ngan không mẹ?”. Mẹ chồng Mai ngước lên, chưa kịp đáp thì bà chị dâu đã nhanh miệng: “Đây là quê chứ có phải thành phố đâu mà cái gì cô cũng đòi thuê với mướn”. Hôm sau, chuyện Mai không biết vặt lông ngan đã bị mấy bà, mấy chị “lan truyền” khắp họ.

Đến giờ, Mai vẫn thấy ân hận vì cho dù vụng về bếp núc thì mình cũng phải khéo ăn khéo nói ngay từ đầu.

Phượng (25 tuổi, nhân viên bán hàng) biết mình vụng và lười bếp núc (ở nhà, bố mẹ Phượng cơm nước hết phần của con gái) nên mấy ngày về quê chồng, Phượng nhiệt tình làm chân “lăng xăng” trong lúc mẹ chồng và chị chồng “đứng bếp”. Nhanh nhẹn và không biết là hỏi ngay nên người nhà chồng không ai phát hiện ra “sơ hở” không biết cơm nước của Phượng (tất nhiên trừ chồng Phượng). Khi hai vợ chồng về thành phố, chồng Phượng kiêm luôn “chân” nấu cơm trong nhà bởi anh rất giỏi nấu nướng và lại thương vợ.

Hai tháng sau có dịp về quê chồng ăn giỗ, lúc cả nhà quây quần, mẹ chồng bảo Phượng: “Con chịu khó mua thịt cá về tẩm bổ cho hai vợ chồng. Nhìn hai vợ chồng mày mà mẹ ngỡ tưởng ‘chết đói năm 45’. Thế con có chịu khó nấu nướng không?”, Phượng buột miệng: “Anh Tân nhà con nấu giỏi lắm mẹ ạ. Con chỉ giữ chân rửa bát thôi”. Biết lỡ lời, Phượng lúng túng trong khi mẹ chồng nén tiếng thở dài.

Sau chuyện này, Phượng thấy ngại với mẹ chồng quá nên quyết học nấu nướng từ chồng. Nguyên nhân chính cũng là do Phượng quen được “ăn sẵn”, lười và ỷ lại vào chồng thôi. Chứ một khi đã quyết thì chỉ vài tháng, Phượng đã nấu nướng được. Bây giờ, chuyện nội trợ chẳng làm Phượng sợ nữa.

Còn Dịu (Thanh Xuân, Hà Nội) mấy ngày đầu làm dâu, hễ mẹ chồng bảo làm món bún ốc, bún chả hay thịt kho tàu, canh cá nấu chua... là Dịu vớ ngay lấy cái di động: “Mẹ chờ con chút, con vào mạng search công thức nấu ăn trên mạng cái đã”. Cũng có khi, Dịu copy các món nhà chồng hay ăn vào laptop. Mẹ chồng muốn làm món gì, Dịu lại chạy đi bật laptop, vừa “ngó” công thức, vừa chuẩn bị sơ chế đồ ăn. Nhiều lần, thấy con dâu loay hoay với cái laptop cả chục phút mà chả ra “công thức” nào, mẹ chồng sốt ruột: “Thôi, để tôi nấu cho nhanh, chờ cô đến bao giờ”.

Đấy chỉ là những ngày đầu thôi. Bây giờ đã hơn 6 tháng làm dâu, lúc rảnh rỗi là Dịu lên mạng tham khảo công thức những món phổ biến. Sau đó, có gì khúc mắc là hỏi “cô giáo mẹ chồng”. Dần dần, quen tay, chuyện nấu nướng của Dịu cũng được cải thiện đáng kể.

Theo Ngọc Bình
Mevabe

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/yeuvasong/504034/index.html