Đau lòng nghi can mắc bệnh tâm thần đánh một học sinh tử vong

Ông Nguyễn Văn Thanh (phải) kể lại sự việc với phóng viên Báo Phú Yên

Cho rằng cháu Nguyễn Thị Thanh Trúc (lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du, huyện Đồng Xuân) tông xe vào mình nên Huỳnh Kim Tâm (SN 1968, trú thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) cầm nạng gỗ đánh vào đầu làm Trúc tử vong tại chỗ. Sự việc khiến dư luận hết sức hoang mang và lo lắng.

Buổi sáng định mệnh

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào 6 giờ 30 ngày 6/10/2019, Tâm (bị cụt chân phải) điều khiển xe lăn, đem theo một nạng gỗ đi trên đường bê tông liên thôn, hướng từ chợ Đông Thạnh về nhà Tâm ở thôn Thạnh Đức. Khi về còn cách nhà khoảng 50m, thấy cháu Nguyễn Thị Thanh Trúc (SN 2008, ở cùng thôn) điều khiển xe đạp điện đến theo hướng ngược chiều, Tâm nghĩ Trúc tông vào mình nên cầm nạng gỗ đánh 2 cái vào đầu, làm Trúc ngã xuống đường từ vong tại chỗ.

Ông Nguyễn Văn Thanh (cha nạn nhân) cho biết: “Thời điểm xảy ra sự việc, gia đình không ai hay biết, đến khi thấy hàng xóm vào báo thì cháu tử vong rồi. Ông Tâm là người không bình thường. Trước đó, ông từng được đưa vào trại tâm thần chữa bệnh, nhưng một thời gian lại có những hành vi bất thường. Có đợt phát bệnh, gặp ai ông cũng muốn đánh. Từ khi bị rắn cắn phải bỏ đi một bên chân, tâm tính ông thay đổi. Tuy nhiên, tôi vẫn không thấy chính quyền địa phương đưa ông đi chữa bệnh để đem lại sự bình yên cho thôn xóm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Xuân Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: “Gia cảnh ông Tâm hết sức khó khăn, không chỉ riêng ông bị tâm thần mà em gái ông cũng có biểu hiện la hét, đập phá đồ đạc khiến người dân địa phương lo lắng. Hiện những đối tượng này được giao cho trạm y tế xã quản lý để khám và chữa bệnh. Còn việc đưa người mắc bệnh tâm thần đi chữa bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của gia đình người bệnh. Vì hiện nay, pháp luật chưa có một quy định nào về việc bắt buộc đưa người tâm thần đi chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh khi người bệnh chưa phạm tội”.

Trở lại vụ án mạng đau lòng, theo lời ông Thanh, thời điểm xảy ra sự việc là lúc cháu Trúc đi mua dây buộc tóc ở quán tạp hóa về. Sau khi đánh cháu Trúc tử vong, ông Tâm bỏ về nhà. Khi công an đến nhà, ông Tâm đang ngồi ăn uống. “Sau khi cháu Trúc mất, gia đình ông Tâm có hỗ trợ 10 triệu đồng để lo mai táng phí. Nhưng chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm điều tra, xử lý ông Tâm theo quy định pháp luật”, ông Thanh bức xúc nói.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Huỳnh Kim Tâm về tội giết người dưới 16 tuổi với tính chất côn đồ. Các quyết định khởi tố đã được Viện KSND tỉnh phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Cần sự vào cuộc của chính quyền và đoàn thể

Theo số lượng thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 người mắc bệnh tâm thần. Trong đó, 1.433 người bị tâm thần phân liệt, 657 người bị rối loạn tâm thần và 397 người chưa xác định được dạng tật cụ thể. Tuy nhiên chỉ có 30 người bệnh tâm thần được nuôi dưỡng ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, số còn lại có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng vẫn đang đi lang thang hoặc lưu trú tại gia.

Vì tỉnh chưa có trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần chuyên biệt, nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý đối tượng này. Trong khi đó, thực hiện đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, theo lộ trình đề ra cho toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, ngành LĐ-TB-XH Phú Yên tập trung huy động sự tham gia của toàn xã hội để trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đề án đặt ra là vậy, song dư luận cũng đã nhiều lần cảnh báo, nhiều vụ án mạng đau lòng liên quan đến người bị bệnh hoặc có triệu chứng mắc bệnh tâm thần vẫn liên tiếp xảy ra ở Phú Yên.

Theo luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên), đối với những nghi phạm gây án mạng có dấu hiệu của bệnh tâm thần như trường hợp ông Tâm, cơ quan điều tra sẽ tiến hành đưa đi giám định. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định người đó mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm họ gây án, thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện. Trong trường hợp, cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi, đối tượng vẫn bị xử lý hình sự, nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ do mắc bệnh.

Cũng theo luật sư Nguyễn Hương Quê, hiện công tác quản lý và chữa trị cho người mắc bệnh tâm thần chưa nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng những vụ án mạng đau lòng liên quan đến người mắc bệnh tâm thần trong thời gian gần đây.

“Do vậy, các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh, cần sớm đưa họ đi khám và điều trị. Càng sớm điều trị thì người bệnh nhanh chóng ổn định, tỉ lệ khỏi bệnh càng cao, càng tránh được những hậu quả đáng tiếc, đau lòng xảy ra”, luật sư Nguyễn Hương Quê khuyến cáo.

Được biết, khi hay tin về cái chết thương tâm của cháu Thanh Trúc, luật sư Nguyễn Hương Quê đã nhận lời tham gia trợ giúp pháp luật và tham gia tố tụng hoàn toàn miễn phí cho gia đình cháu…

Báo Phú Yên sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

“Trách nhiệm quản lý người bị tâm thần trước hết thuộc về phía gia đình người bệnh. Là người trực tiếp gần gũi với người bệnh, gia đình nên đưa người bệnh đi chữa bệnh tại cơ sở chuyên khoa để tránh những sự việc đáng tiếc và cũng là tạo điều kiện cho người bệnh có thể hòa nhập với cuộc sống. Tuy nhiên, việc đưa người tâm thần đi chữa bệnh vẫn còn bị nhiều gia đình bỏ qua. Song chỉ cần lơ là trong quản lý sẽ dễ dẫn đến những vụ việc thương tâm, đáng tiếc do người tâm thần gây ra”.

Luật sư Nguyễn Hương Quê (Đoàn Luật sư Phú Yên)

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/230624/dau-long-nghi-can-mac-benh-tam-than-danh-mot-hoc-sinh-tu-vong.html