Đau họng suốt 1 năm không thuyên giảm, đi khám phát hiện bệnh hiếm gặp

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhân Võ Thị D, 63 tuổi, trú tại Quảng Bình, bị dài mỏm trâm - một bệnh lý tương đối hiếm gặp.

Mảnh xương dài hơn 1 cm được cắt bỏ. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân D đến khám tại khoa Tai Mũi Họng với tình trạng đau vùng họng bên trái lan góc hàm và sau tai. Trước đó, trong suốt một năm qua, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng chỉ được chẩn đoán là viêm amidan và điều trị bằng thuốc mà không thuyên giảm.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị dài mỏm trâm trái, kích thước 38mm. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt mỏm trâm trái, lấy ra một đoạn dài 1,3cm.

Ca phẫu thuật do bác sĩ Trương Minh Quý, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, trực tiếp thực hiện. Bác sĩ Quý cho biết: "Mỏm trâm là mỏm xương một đầu gắn vào xương thái dương. Chiều dài bình thường của mỏm trâm là dưới 2,5cm. Khi mỏm trâm dài trên 3cm và ảnh hưởng đến chức năng gây khó chịu cho người bệnh, sẽ được can thiệp bằng phẫu thuật.

Dài mỏm trâm là bệnh lý có thể xảy ra với tất cả mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Biểu hiện ban đầu của bệnh dễ nhầm lẫn với viêm amidan thông thường. Khi nuốt hoặc thực hiện các động tác liên quan đến cơ vùng họng, đầu mỏm trâm sẽ cọ xát gây đau nhức, khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời, mỏm trâm sẽ ngày càng dài ra, ảnh hưởng đến các bộ phận xung quanh và gây viêm nhiễm, sưng đau.

Bác sĩ Quý khuyến cáo: "Khi có các triệu chứng như đau họng, nuốt vướng, ăn uống khó khăn, đau khi quay đầu, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời".

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dau-hong-suot-1-nam-khong-thuyen-giam-di-kham-phat-hien-benh-hiem-gap-368870.html