Dấu hiệu phân biệt hàng thật/giả thương hiệu 'Made in Japan'

Hướng tới các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam (15/3), từ ngày 15/3/2024 đến 19/3/2024, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa đón khách tham quan Phòng trưng bày với chủ đề: 'Nhận diện hàng thật – hàng giả Made in Japan' tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đại biểu và khách quan tham tại phòng trưng bày.

Phòng trưng bày nhận diện hàng giả - hàng thật đã ra mắt từ cuối tháng 11/2021, tới nay Tổng cục QLTT đã tổ chức hàng chục chương trình trưng bày với nhiều sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Sự kiện nhằm cung cấp thông tin, cách nhận biết để người tiêu dùng cũng như khách tham quan có thể nhận diện được hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu... từ đó tăng tính nhận diện, kiến thức để phân biệt, tránh mua phải những sản phẩm bị làm giả.

Phòng trưng bày trong đợt này có chủ đề: "Nhận diện hàng thật – hàng giả Made in Japan” với nhiều sản phẩm đến từ các thương hiệu Nhật Bản, được yêu thích tại thị trường Việt Nam như: Panasonic, Casio, Acecook, Ajinomoto, Uniqlo, Meiji, Honda, Yamaha,…

Tại Phòng trưng bày, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, đây là lần đầu tiên Tổng cục QLTT trưng bày các sản phẩm thật và giả với chuyên đề riêng là các thương hiệu của Nhật Bản. “Hiện nay, nhu cầu của người dân Việt Nam đối với các thương hiệu hàng hóa của Nhật Bản rất cao, cùng với đó cũng xuất hiện tình trạng gian lận thương mại đối với các thương hiệu này. Vì vậy, việc mở cửa Phòng trưng bày sẽ giúp người dân được trang bị thêm kiến thức trong mua sắm, tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình mua bán hàng hóa”.

Các chuyên viên của Tổng cục QLTT phối hợp cùng đại diện các doanh nghiệp đã trực tiếp hướng dẫn, đưa ra những điểm đặc trưng giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt các sản phẩm chính hãng.

Phòng trưng bày “Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan” mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu thông tin miễn phí từ ngày 15/3 đến hết ngày 19/3. Thời gian mở cửa từ 9h00 - 17h00 hàng ngày.

Một số lưu ý khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng Nhật Bản:

Người tiêu dùng nên kiểm tra mã vạch, đối chiếu với các thông tin ghi trên sản phẩm trước khi mua. Với các sản phẩm không ghi “Made in Japan, Made by Japan” hoặc ghi bằng ngôn ngữ quốc gia không đọc được, việc dùng mã vạch để xác định thông tin là rất cần thiết.

Ngoài kiểm tra bằng mã vạch người tiêu dùng cần chú ý đến các yếu tố khác như kiểm tra hóa đơn chứng từ, tem chống hàng giả, thông tin nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng hóa nhập khẩu, hình thức sản phẩm, độ bóng, đẹp, sắc cạnh của các đường viền, logo, vỏ bao bì, nội dung, bố cục, thông tin sản phẩm phải được ghi chi tiết, rõ ràng.

Hiện nay, hình thức làm giả vô cùng tinh vi, để đảm bảo mua hàng chính hãng thì người tiêu dùng nên đến các địa điểm phân phối hoặc trên các wedsite, sàn thương mại điện tử chính thức của nhãn hàng, tránh mất tiền oan.

Một số sản phẩm thật - giả và nhái thương hiệu được giới thiệu tại Phòng trưng bày:

Phòng trưng bày giới thiệu các sản phẩm thật và giả của nhiều nhãn hiệu Nhật Bản được ưa chuộng tại Việt Nam.

Mì chính Ajinomoto là một trong những sản phẩm bị làm giả số lượng lớn

Hiện nay trên thị trường, mỹ phẩm Transino rất được ưa chuộng bởi vậy không thể tránh khỏi tình trạng bị làm giả làm nhái

Hàng thật – giả kem chống nắng Skin Aqua

Một sản phẩm âm siêu tốc hàng giả (phải). Khi nhìn bằng mắt thường sẽ nhận ra ngay qua sự hoàn thiện sản phẩm không rõ nét, sơ sài.

Hàng thật – giả máy sấy tóc thương hiệu Panasonic

Khi nhìn bằng mắt thường hàng thật - giả giống nhau đến 90% rất khó phân biệt

Máy tính Casio rất tin dùng ở thị trường Việt bị làm giả

Các sản phẩm thật – giả đặt cạnh giúp người tiêu dùng so sánh

Dầu nhớt thương hiệu Honda thật – giả khó nhận biết

Sản phẩm mũ bảo hiệu Honda thật – giả vô cùng tinh vi

Bùi Nga – Thúy Vân

Nguồn Pháp Luật Plus: https://phapluatplus.vn/dau-hieu-phan-biet-hang-thatgia-thuong-hieu-made-in-japan-197052.html