Đâu dễ trục lợi bảo hiểm!

Việc một phụ nữ thuê người chặt tay, chân để đòi bồi thường bảo hiểm là bài học cho những ai có suy nghĩ bất chấp tính mạng mình để rồi rước họa vào thân

Vụ thuê người chặt tay chân để trục lợi bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cho thấy không dễ gì để nhận tiền bồi thường bằng thủ đoạn cố ý gây thương tích cho mình.

Liên quan đến vụ việc chị Lý Thị N. (30 tuổi, trú huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) thuê Doãn Văn D. (trú huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chặt tay chân, tạo hiện trường tai nạn đường sắt để được bồi thường BHNT, ngày 24-8, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết đã ra quyết định không khởi tố vụ án chị Lý Thị N. do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm .

Có bị xử lý hình sự?

Dưới góc độ pháp luật, các luật sư đã mổ xẻ nhiều quy định về xử lý đối với chị N. và anh D. Theo điều tra, chị N. thuê anh D. chặt tay, chân của mình với giá 50 triệu đồng. Gần 23 giờ ngày 4-5, cả hai ra khu vực đường ray phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) ngồi đợi tàu. Khi thấy tàu đến gần, chị N. kê chân lên bảo D. chặt trước, sau đó chặt tay rồi bảo D. chạy nhanh đến trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm trình báo.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng do chưa lấy được tiền nên chị N. chưa đến mức bị xử lý hình sự về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ” mà chỉ có thể xử phạt hành chính về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo Nghị định 167/CP năm 2013 của Chính phủ.

Chị Lý Thị N. tại hiện trường và sau khi vụ việc xảy ra (ảnh dưới). Ảnh do công an cung cấp

Đối với Doãn Văn D., luật sư Thơm khẳng định bất chấp được đồng thuận, được thuê tiền thì hành vi của đối tượng là cố ý gây thương tích. “Đây là lỗi cố ý trực tiếp. Đối tượng D. buộc phải nhận thức hành vi dùng dao tác động vào chân tay người khác là trái pháp luật ” - luật sư Thơm phân tích. Tuy nhiên, tội danh này có bị khởi tố hay không (theo điều 105 - Bộ Luật Tố tụng hình sự) phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại (chị N.).

Đồng tình với phân tích của luật sư Thơm, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) đặt ra vấn đề xã hội đáng quan ngại, về sự bất chấp và hiểu biết pháp luật hạn chế của người dân. Theo luật sư Cường, một trong những lý do khiến một số người “túng thế làm liều” là vì suy nghĩ các loại bảo hiểm tự nguyện như BHNT thì pháp luật không quy định chế tài hình sự. Về nguyên tắc, nó là quan hệ dân sự tự nguyện, các bên hoàn toàn có thể tự nguyện ký kết hợp đồng, thỏa thuận về quyền lợi với nhau; khi có tranh chấp, khiếu kiện về hợp đồng thì một trong các bên có thể khởi kiện để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Dù vậy, luật sư Cường khuyến cáo nếu người dân có ý định chiếm đoạt tiền BHNT, làm giả hồ sơ, thông tin để công ty bảo hiểm giao tiền sau đó bị phát hiện thì có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 139 - Bộ Luật Hình sự.

Đừng rước họa vào thân

Lãnh đạo của một công ty kinh doanh BHNT tỏ ra “sốc” về vụ chặt tay, chân rợn người trên. “Có một số vụ người mua bảo hiểm tìm cách trục lợi song thuê người chặt tay chân thì đúng là xưa nay hiếm” - vị lãnh đạo công ty nói.

Theo giới kinh doanh BHNT, do nước ta chưa có các quy định pháp lý xử nghiêm trường hợp trục lợi bảo hiểm nên một số khách hàng có tâm lý “được ăn cả ngã về không”. Họ cho rằng nếu qua mặt được công ty bảo hiểm thì được hưởng món tiền lớn còn nếu không thành thì cũng chẳng sao.

Bà Trần Vân, tư vấn viên Công ty BHNT Hà Nội, khẳng định việc trục lợi quỹ bảo hiểm là không dễ và những “hạ sách” như chị N. chỉ mang họa vào thân, tiền mất tật mang. “Trên thực tế, tất cả mọi hợp đồng bảo hiểm được doanh nghiệp ký với cá nhân mua bảo hiểm đều có những điều khoản rất cụ thể về việc chi trả. Trường hợp người mua bị tai nạn giao thông hay tai nạn trong sinh hoạt đều được công ty bảo hiểm và cơ quan công an phối hợp xác minh kỹ càng. Nếu tai nạn do nguyên nhân chủ quan như cố ý hủy hoại bản thân, chắc chắn người mua sẽ không được hưởng bất kỳ chi phí nào. Với trường hợp bị tai nạn sinh hoạt, các điều khoản về mức chi trả rất chặt chẽ (như bị mất 2 bộ phận trên cơ thể), được xác định kỹ lưỡng bởi cơ quan công an và y tế” - bà Vân nêu.

Bà Trần Tiến Thịnh, nhân viên một công ty BHNT ở Hà Nội, lưu ý thêm người mua bảo hiểm phải chịu rất nhiều ràng buộc. “Với những hợp đồng bảo hiểm về sức khỏe, trước khi ký hợp đồng, người mua cũng phải trải qua những đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát để đánh giá tình trạng bệnh tật nếu có hoặc tiền sử bệnh lý từng phải điều trị. Nếu như khai báo thông tin gian dối, không trung thực, khi cơ quan bảo hiểm xác minh phát hiện có sự gian dối, người mua sẽ chỉ được hoàn phí đóng đến thời điểm tham gia” - bà Thịnh nhấn mạnh.

Biệt tích khỏi quê nhà

Trưa 24-8, chúng tôi đã có mặt tại thôn Phú Châu, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ để tìm hiểu thêm về sự việc. Người dân địa phương hết sức bất ngờ khi biết tin chị N. dàn dựng vụ tai nạn giao thông để được bồi thường bảo hiểm. Chị N. lập gia đình khoảng 6-7 năm trước, chồng đi làm xa thỉnh thoảng mới về nhà. Chị N. sinh 2 con nhưng để con ở nhà ông bà nội chăm sóc.

Theo người nhà, năm 2014, N. vướng vào tội môi giới mại dâm, phải đi tù 8 tháng nhưng do chăm con nhỏ nên được hoãn ở tù 1 năm để nuôi con. Đợt vừa rồi đến hạn tù nhưng chị bị tai nạn nên lại phải hoãn chịu án tù. Sau khi xảy ra vụ việc thì N. đã bỏ đi đâu cả nhà không ai biết.

NGUYỄN QUYẾT - NGỌC DUNG - NGUYỄN HƯỞNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dau-de-truc-loi-bao-hiem-20160824231046967.htm