Dấu cũ Phương Viên

GD&TĐ - Tại thôn Trung Phú (xã Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam), bên những ô ruộng lấn vào chân làng mạc, có ngôi nhà tự tách biệt với những ngôi nhà xung quanh bởi một lối kiến trúc, mà theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người có nhiều năm nghiên cứu kiến trúc cổ: Lối xây dựng và bài trí này không giống với bất kỳ ngôi nhà cổ nào ở miền Trung, thậm chí là trên cả nước ta, từ trước tới nay.

Đông - Tây giao hòa

Khi đứng ngoài đường nhìn vào, ta sẽ thấy mặt tiền ngôi nhà được dựng theo kiến trúc Tây phương: Phần dưới là 5 vuông cửa mở rộng, phần giữa là mảng phù điêu có chữ “Phương Viên” (Hán tự) ghép bằng mảnh sành, và phần chóp trên với phù điêu trang trí. Từ cột đến bờ nóc, những diềm, ô trang trí, các gờ chỉ, vòm khung cong, đường kỷ hà, góc gãy hòa hợp với các hoa văn thẳng – cong nhuần nhuyễn.

Đấy chỉ là phần tiền sảnh, giới chuyên môn gọi là vỏ cua. Bước qua gian vỏ cua, ngôi nhà hiện ra nguyên bản là một nhà rường xứ Quảng: 3 gian 2 chái kép; cột, vì kèo, xuyên, trính, đầu hồi... bằng gỗ lim có chạm trổ rồng phượng; khung rường cách đất bởi các chân đá táng hình quả bí ngô…

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tấm tắc: “Cách mà nhà chính kết nối với vỏ cua bằng hệ thống máng xối cùng cột hiên xây bằng gạch, và những mảng tường gạch vối – Tây ôm lấy thân gỗ ta không hề làm kiến trúc gãy gấp; đấy là sự giao duyên tài tình giữa kiểu nhà rường xứ Quảng với kiến trúc Pháp”.

Về lối kiến trúc Đông – Tây giao hòa này, họa sĩ nhớ ở Đồng Tháp có nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, là chứng tích cho cuộc tình của một nữ nhà văn Pháp và chàng công tử người Việt gốc Hoa vào những năm đầu thế kỷ 20, đã được viết thành sách, dựng thành phim.

Nhưng chuyện của ngôi nhà cổ nơi xứ Quảng này không lãng mạn như thế. Nó từng là nơi ở của một nhân vật, là chứng nhân của thời loạn lạc.

Chuyện về cụ Nghè Học

Đó là cụ Trần Huỳnh Sách (1886 – 1964), còn gọi là cụ Nghè Học.

Bảy tuổi, Trần Huỳnh Sách theo học danh nhân - chí sĩ Trần Quý Cáp (1870 – 1908). Khi thầy mình cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh chủ trương phong trào Duy Tân, Trần Huỳnh Sách hưởng ứng, là người để tóc ngắn đầu tiên ở Điện Bàn. Năm 1908, phong trào kháng thuế Quảng Nam nổi lên, Trần Quý Cáp bị bắt, lãnh án chém ngang lưng, Trần Huỳnh Sách vào tận Khánh Hòa bốc mộ thầy mình về lại quê nhà; qua mỗi tỉnh, mỗi đêm, ông dựng hương án để chí sĩ tỉnh đó đến phúng viếng.

Vài năm sau khi thầy mất, Trần Huỳnh Sách viết một cuốn tiểu sử ghi lại đầy đủ hành trang của người thầy mà mình đã theo học 15 năm: “Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quý Cáp”. Đây là một sử liệu quý, hầu như tất cả những nghiên cứu về Trần Quý Cáp.

Cụ Sách còn nổi tiếng với việc vận động xây dựng chùa Nghĩa Trũng tại làng mình, làm nơi tưởng niệm những liệt sĩ trong phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam (1885 – 1887). Năm 1958, cụ cùng một người bạn đứng ra vận động xây dựng ngôi trường mang tên một lãnh tụ phong trào Cần Vương: Trường Tiểu học Nguyễn Duy Hiệu; ngôi trường vẫn còn tồn tại đến ngày nay và được nâng cấp lên bậc THPT.

Dấu xưa còn lại chút này

Người xưa không còn, “Phương Viên” ngày xưa giờ thành một trong công trình cổ hoang phế.

Sát cạnh ngôi nhà hoang này là nhà cụ Trần Thị Phương Phỉ (73 tuổi), cháu nội của cụ Nghè Học. Trong trí nhớ của cụ Phỉ, nhà của nội mình được xây dựng năm 1902. Hồi ấy, cụ Nghè thuê đội thợ mộc Kim Bồng (Hội An) về dựng theo kiểu nhà rường Quảng Nam. Cụ Nghè có con trai trưởng là Trần Huỳnh Trúc - được biết đến việc thiết kế cầu Hang ở Sài Gòn. Ông Trúc có người bạn học là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người thiết kế Dinh Độc lập. Đầu năm 1950, hai kiến trúc sư này cùng nhau làm thêm phần mặt tiền là nhà vỏ cua nối tiếp với nhà chính của cụ Nghè, mà mãi đến 2 năm sau, tức 1952, mới hoàn thiện. Đấy là lý do vì sao ngôi nhà có sự giao duyên kiến trúc giữa Đông - Tây như vậy.

Ngày xưa, làm một ngôi nhà, gia chủ còn gửi gắm vào đấy hồn vía của mình. Cụ Sách dựng nhà bên chân ruộng, trước hiên trồng thêm mấy thân cau, trong sân cụ trồng một vườn hoa huệ trắng, để đêm về, mùi của huệ quyện với hương cau cùng hương lúa ngoài đồng, thơm ngát dãy hành lang. Cụ đặt tên nhà là “Phương Viên” - vườn thơm; cũng vì thế mà tên những người con, cháu của cụ đều được cụ lót thêm chữ Phương.

Cụ qua đời, chiến tranh vẫn tiếp diễn. May thay, bom đạn không dội xuống, nhưng nắng mưa, bão gió khiến ngôi nhà suy sụp, trở thành ngôi nhà hoang không người ở như bây giờ: Tường gạch lở lói, hoa văn bong gãy, cỏ dại mọc lên tận nóc. Chúng tôi bước vào chói mắt bởi ánh nắng rọi từ mái ngói âm dương thủng lỗ chỗ; không gian xơ xác, hoành phi câu đối nghiêng ngửa, gian giữa vẫn thờ bài vị cùng di ảnh của cụ Nghè, nhưng bài vị cũng nghiêng ngửa, di ảnh cũ sờn, mạng nhện giăng quanh.

Nỗi buồn kiến trúc cổ

Ở Điện Bàn bây giờ, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu là một ngôi trường danh tiếng của Quảng Nam, chùa Nghĩa Trũng vẫn là nơi người dân thắp nén nhang tưởng nhớ những chí sĩ phong trào Nghĩa Hội, cuốn “Cuộc đời và hoạt động của Trần Quý Cáp” vẫn thường xuyên được trích dẫn trong các hội thảo. Chỉ ngôi nhà 114 tuổi của cụ Nghè Học là hoang tàn, cỏ dại.

Cụ Phỉ nói: Nhiều năm qua, di vật trong nhà dần bị trộm lấy sạch. Ba năm trước, bị mất một tấm tranh cổ, bộ lư, chân đèn bằng đồng, hai tượng Phật bằng gỗ quý, cả áo dài khăn đóng cùng gậy trúc của cụ Nghè để lại cũng bị trộm lấy tuốt. Thành ra, bên trong trống hoác. Ngôi nhà giờ được thừa kế bởi ông Trần Huỳnh Trâm, là cháu nội cụ Sách, nhưng ông Trâm hiện sống ở tận TPHCM…

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng, chỉ tính giá trị kiến trúc thôi, công trình này cũng đã đáng được bảo tồn. Mà ngôi nhà lại gắn liền với cuộc đời của cụ Nghè Học, một người tuy không là lãnh đạo phong trào Duy Tân, chỉ là người hưởng ứng, nhưng là người đã dám liều chết để đưa thi hài của thầy mình về an nghỉ nơi quê nhà, đã dành cả đời mình để viết sách, dựng nên những kiến trúc tôn vinh những người ngã xuống vì dân tộc.

“Như thế, cả cuộc đời, cụ đã dạy cho chúng ta một bài học đơn giản: Lòng biết ơn” - họa sĩ nói.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dau-cu-phuong-vien-1906663-b.html