Dấu ấn Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc

Phó thủ tướng Lưu Hạc - cố vấn kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - để lại dấu ấn lớn trong nền kinh tế của xứ tỷ dân. Ông không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XX.

Tại Trung Quốc, vấn đề phát triển tổng thể kinh tế sẽ do thủ tướng phụ trách, nhưng với tư cách phó thủ tướng, ông Lưu Hạc đã được giao nhiều nhiệm vụ và vị trí quan trọng. Điều đó khiến Phó thủ tướng Lưu Hạc trở thành một trong các quan chức tài chính - kinh tế có tầm ảnh hưởng nhất từ trước tới nay của Trung Quốc.

Vị phó thủ tướng gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 12/1976. Ông là ủy viên Bộ Chính trị khóa XIX (2017-2022) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo China Daily.

Ở tuổi 70, vị cố vấn kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã vượt qua mốc 68 - tuổi nghỉ hưu không chính thức. Ông Lưu Hạc cũng không có tên trong danh sách Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX do Tân Hoa xã công bố ngày 22/10.

Vấn đề người kế nhiệm ông Lưu vì thế có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt nhiều thách thức.

Dấu ấn trong nền kinh tế

Kinh tế Trung Quốc thường sẽ do thủ tướng và các phó thủ tướng điều hành, nhưng phân công công việc cụ thể thường được quyết định bởi các nhóm làm việc của Quốc Vụ viện Trung Quốc.

Phó thủ tướng Lưu đứng đầu những nhóm làm việc quan trọng nhất, quản lý quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước, ngành tài chính, chính sách công nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó thủ tướng Lưu Hạc từng giúp soạn thảo văn kiện cải cách vào năm 2013. Văn kiện này nhận được nhiều sự tán dương vì là lần đầu tiên có cam kết cho phép thị trường có vai trò quyết định trong quá trình phân bổ tài nguyên.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc. Nguồn: NBS. Đồ họa: SCMP.

Trong 10 năm qua, ông Lưu đã đóng vai trò là "người lính cứu hỏa cho nền kinh tế".

Vị phó thủ tướng từng trấn an giới khởi nghiệp về triển vọng phát triển của họ khi rộ lên tin đồn sở hữu tư nhân có thể bị giới hạn. Trong một bài phát biểu tháng 9/2021, ông khẳng định sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của khu vực tư nhân và khuyến khích khu vực này đóng góp vai trò lớn hơn nữa, theo China Daily.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Lưu Hạc là một trong những nhà tư tưởng kinh tế xuất sắc của Trung Quốc. Ông ấy rất thông minh và cần mẫn”, Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc thuộc hãng Gavekal Dragonomics có trụ sở ở Hong Kong, nói, theo SCMP.

George Magnus, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, nhận định Phó thủ tướng Lưu đã thành công đưa ra các biện pháp cải cách quy định và thể chế của thị trường tài chính, cũng như kiềm chế được hoạt động ngân hàng ngầm, SCMP đưa tin.

Nhưng vị cố vấn hàng đầu tiếp theo sau ông Lưu có thể gặp khó khăn với việc cải cách kinh tế như cải tổ mô hình phát triển, đưa ra cải cách về mặt nhu cầu, tìm ra động lực kinh tế mới thay cho nợ và bất động sản, cũng như tái phân bổ của cải để tăng cường tiêu thụ.

“Nếu ông Lưu đã không thể xúc tiến những điều này hoặc có thể thuyết phục được lãnh đạo cao tầng ủng hộ chúng, những ứng viên khác nhiều khả năng sẽ không thành công, thậm chí họ sẽ không cố làm điều ấy”, ông Magnus nói.

Phó thủ tướng Lưu từng dùng tiếng Anh lưu loát để dẫn đầu đàm phán với nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Tìm kiếm người có kinh nghiệm điều hành

Tại một sự kiện trực tuyến trong tháng 8, Christopher Johnson, chuyên viên nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Chính sách Hiệp hội châu Á (Mỹ), tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm kiếm “một người có kinh nghiệm điều hành” như ông Lưu Hạc.

Người kế nhiệm ông Lưu dự kiến phải đối diện thách thức lớn hơn trong thời kỳ mới.

“Sự gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp đã xuống thấp trong những thập kỷ qua, và lúc này nó chỉ đóng góp rất ít cho tăng trưởng”, ông Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, nói, theo SCMP. “Với lực lượng lao động giảm dần, tăng trưởng GDP tiềm năng của Trung Quốc đang suy yếu”.

Ông Hà Lập Phong (67 tuổi), Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đã được nhiều nhà phân tích đánh giá là một trong những ứng viên hàng đầu.

Ông Hà, 67 tuổi, đã có thời gian ngắn làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến vào cuối những năm 1980. Ông cũng từng tháp tùng Chủ tịch Tập trong hầu hết chuyến thực địa vào những năm gần đây.

Là tiến sĩ khoa học tài khóa, ông Hà đã nắm vai trò quản lý quan trọng ở Phúc Kiến và Thiên Tân. Sau khi Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc vào ngày 22/10, cái tên Hà Lập Phong đã xuất hiện trong danh sách ủy viên Ban Chấp hành khóa mới do Tân Hoa Xã công bố.

Những ứng viên tiềm năng khác bao gồm ông Quách Thụ Thanh, 66 tuổi, Bí thư đảng ủy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kiêm Chủ tịch Ủy ban điều hành ngân hàng Trung Quốc, và ông Hàn Văn Tú, 59 tuổi, trợ lý hàng đầu cho Phó thủ tướng Lưu trong Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương.

Trong hai vị này, chỉ ông Hàn Văn Tú được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo kết quả do Tân Hoa xã công bố ngày 22/10.

Ngoài ra, nhiều khả năng trách nhiệm của ông Lưu Hạc sẽ được chia nhỏ và giao cho các quan chức khác, Chen Long, nhà kinh tế thuộc hãng tư vấn Plenum (Trung Quốc), nói trên Bloomberg. Có thể thủ tướng tiếp theo sẽ đảm nhiệm một số trách nhiệm của ông Lưu Hạc.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-an-pho-thu-tuong-trung-quoc-luu-hac-post1351630.html